70 năm truyền thống ngành văn hóa: Văn hóa ‘soi đường cho quốc dân đi’

Thứ Bảy, 22/08/2015 16:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Năng lực quản lý, vai trò nêu gương rất cần được tăng cường, rất cần được đề cao và chúng ta cũng rất cần những phong trào thi đua gắn với cuộc vận động và học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để góp phần làm cho văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường như lời Bác dạy”.

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ kỉ niệm 70 năm truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2015), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2, Đại hội thi đua nước lần thứ II- 2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào sáng nay (22/8).

Buổi lễ có sự tham dự của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ngành văn hóa có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; cùng đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội.

“Văn hóa là nền tảng tinh thần của dân tộc”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh trường tồn của Dân tộc. Theo dòng thời gian, tất cả đều đã, đang và sẽ thay đổi. Những gì còn lại là văn hóa. Văn hóa trong mọi di sản vật thể và phi vật thể, và trong mỗi con người, trong cả Dân tộc Việt Nam ta.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Quý Trung- TTXVN

”Chúng ta có vinh dự và trách nhiệm được thừa kế một nền văn hóa rực rỡ với những di sản vô giá không chỉ đối với Dân tộc mà với cả nhân loại.”- Phó Thủ tướng tiếp tục chia sẻ- “Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc Dân tộc và xây dựng con người Việt Nam là nhiệm vụ không chỉ trong một thời gian, một thời kỳ mà là hàng ngày, hàng giờ, từng phút, từng thời khắc và mãi mãi.”

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đất nước đang đổi mới và phát triển từng ngày. Chúng ta đã đạt được những thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn thẳng là có không ít biểu hiện lệch lạc về văn hóa đã xuất hiện và có chiều hướng gia tăng nếu không kịp thời ngăn chặn.

Phát triển văn hóa, đấu tranh chống lại những lệch lạc về văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi người nhưng trước hết là của đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Năng lực quản lý, vai trò nêu gương rất cần được tăng cường, rất cần được đề cao và chúng ta cũng rất cần những phong trào thi đua gắn với cuộc vận động và học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để góp phần làm cho văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường như lời Bác dạy.



Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương Đinh Thế Huynh gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên cờ truyền thống ngành Văn hóa. Ảnh: Quý Trung- TTXVN

”Chúng ta cũng rất cần những cơ chế cụ thể, thiết thực để khơi dậy và cổ vũ mạnh hơn sức sáng tạo của những người hoạt động trong liĩnh vực văn hóa nghệ thuật để làm giàu cho kho tàng văn hóa dân tộc và thế giới.”- Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng không quên nhắc lại những công lao của ngành văn hóa trong quá khứ và nhiệm vụ của ngành văn hóa hiện tại: Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, văn hóa, văn nghệ là vũ khí, là đường dây tinh thần kết nối hậu phương với tiền tuyến, góp phần thêm đậm hình ảnh của dân tộc đại nghĩa, anh hùngvà đậm nét văn hoa như người lính Việt “vai mang gươm tay mềm mại bút hoa”, với sức mạnh “chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” tới hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc.Trong hòa bình, xây dựng và hội nhập, văn hóa là nguồn động lực để phát huy tốt hơn nguồn lực, là sức hấp dẫn, là lợi thế so sánh trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế.

Nhớ về “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”

Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh ý nghĩa của phong trào Thi đua yêu nước: Gần 70 năm qua, “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vẫn luôn là nguồn động lực tinh thần to lớn, góp thêm sức mạnh để người người thi đua, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, với sự đóng góp quan trọng của ngành văn hóa như các phong trào: Tiếng hát át tiếng bom, rèn luyệnthân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa,… góp phần quan trọng phát triển Văn hóa, Thể thao, Du lịch và xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Theo Phó Thủ tướng, các phong trào thi đua yêu nước không chỉ nhằm giải quyết được các vấn đề, đạt được các mục tiêu nêu trong các chiến lược, quy hoạch hay chính sách mà còn thông qua việc nêu gương, tôn vinh để các yếu tố tích cực được nhân rộng, lan tỏa, thấm sâu, góp phần xây dựng xã hội nhân hòa, để những nét đẹp của văn hóa dân tộc mãi lưu truyền, tỏa sáng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Quý Trung- TTXVN

Cũng tại lễ kỉ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho hay: Trong 70 năm qua, lịch sử xây dựng và phát triển của ngành văn hóa luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng và dân tộc. Trải qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, ngành văn hóa đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

Mỹ Mỹ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›