Trong 12 tháng qua, có tới 7,6 tỷ người, tương ứng với 96% dân số thế giới, đã cảm nhận rõ tác động về nhiệt độ của tình trạng Trái Đất ấm lên. Tuy nhiên, ở các khu vực địa lý khác nhau thì tác động lại khác nhau.
Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu khoa học Climate Central, người dân ở các vùng nhiệt đới và các đảo nhỏ với đại dương bao xung quanh là những đối tượng chịu tác động lớn của nhiệt độ tăng cao. Đáng nói đây lại là những khu vực có lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính thấp.
Kết quả báo cáo được tổng hợp từ dữ liệu của 1.021 thành phố trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2022 cho thấy, thủ đô của Samoa và Palau ở Nam Thái Bình Dương đã phải hứng chịu những tác động rõ rệt nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng vọt ở những địa điểm này được xác định cao hơn gấp 4 đến 5 lần so với nhiệt độ giả định trong một thế giới không xảy ra hiện tượng Trái Đất ấm lên.
Lagos, Mexico City và Singapore thuộc danh sách những thành phố lớn chịu tác động nghiêm trọng nhất, gia tăng nguy cơ đe dọa sức khỏe của hàng triệu người.
- Biến đổi khí hậu khiến 1 tỷ trẻ em bị ảnh hưởng
- Biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm
- Những sự thật kinh hoàng về biến đổi khí hậu
Vấn đề hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các quốc gia vùng nhiệt đới dễ bị tổn thương thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới.
Các quốc gia giàu có hiện vẫn chưa thực hiện cam kết hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển lên 100 tỷ USD mỗi năm, mặc dù Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) ước tính rằng chi phí để thích ứng với biến đổi khí hậu có thể lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050 nếu tình trạng Trái Đất ấm lên tiếp diễn.
Lan Phương/TTXVN
Tags