8 nghệ sĩ Việt – Hàn cùng phân biệt ‘Ranh giới vô định’

Thứ Sáu, 03/03/2017 16:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) – Nằm trong chuỗi dự án đào tạo chuyên gia giao lưu văn hóa quốc tế, triển lãm Ranh giới vô định (Undefined Boundaries) giới thiệu tác phẩm của 8 nghệ sĩ đương đại Việt Nam, Hàn Quốc khai mạc chiều nay (3/3) tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (49 – Nguyễn Du, Hà Nội và chiều mai (4/3) tại Heritage Space (28, Trần Bình, Từ Liêm, Hà Nội).

Tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ: Bùi Công Khánh, Heaven Beak, Phi Phi Oanh, và Seulki Ki. Tại Heritage Space trưng bày tác phẩm của: Hyejin Jo, Lại Diệu Hà, Ưu Đàm Trần Nguyễn, và Woosung Lee.

Các nghệ sĩ  Việt - Hàn tham gia triển lãm

Theo giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, Ranh giới vô định là chủ đề có ý nghĩa đặc biệt, quan trọng và gợi mở. Nó không chỉ đơn giản chỉ ranh giới giữa các quốc gia, mà phản ánh sự ngăn cách trong xã hội, trong sự khác biệt văn hóa có thể nhìn thấy hoặc không nhìn thấy…Đây là chủ để gợi mở để các nghệ sĩ hai nước thể hiện nhiều thể loại đa dạng ở các lĩnh vực khác nhau, mang đến cho người xem cái nhìn đã chiều về nghệ thuật đương đại hai nước. Chính vì thế, trong triển lãm gồm nhiều thể loại: hội họa, nhiếp ảnh, sắp đặt, hình ảnh… được thể hiện trên nhiều chất liệu gốm, gỗ, giấy dán tường…

Cụ thể, các tác phẩm của các nghệ sĩ Hàn Quốc thể hiện góc nhìn riêng, chứa đựng những suy tư về ranh giới giữa truyền thống-hiện đại, lý tưởng-hiện thực, cá nhân-xã hội… Ẩn sau mỗi tác phẩm còn là những câu chuyện về sự đổi thay đang diễn ra trong lòng xã hội Hàn Quốc.

Còn 4 nghệ sĩ Việt Nam, mỗi người một vẻ. Ưu Đàm Trần Nguyễn (nghệ sĩ đa ngành thường trú tại TP. HCM) mang đến tác phẩm sắp đặt đa phương tiện License 2 Draw, đem đến cơ hội cho người xem ở khắp mọi nơi khả năng vượt qua mọi ranh giới địa lý và khoảng cách để cùng nhau vẽ, tạo hình điêu khắc tác phẩm.

Bùi Công Khánh (Hội An) với tác phẩm Mê cung trắng làm từ chất liệu gốm Bát Tràng. Bùi Công Khánh chia sẻ: “Tôi tái thể hiện một mê cung đổ bằng chất liệu gốm, cả một thành phố điêu tàn có hình như những đám mây trắng, chúng cứ xoay nhẹ như là đang lướt qua giữa những cuộc tương tàn đẫm máu, cũng có thể chúng sẽ biến mất không một dấu vết. Sự đổ nát tàn bạo của chiến tranh gây ra đã ám ảnh tôi, màu trắng xám phủ xuống những bức tường loang lỗ vết đạn bom, những ngôi nhà ngã sập chắn mất những lối đi biến thành phố trở thành một mê cung không có lối ra"


Tác phẩm "Mê cung trắng" của Bùi Công Khánh

Lại Thị Diệu Hà (Hà Nội) với tác phầm sắp đặt trình diễn tương tác Bên dưới làn da, gồm nhiều chất liệu: Lưới sắt B40, da lợn khô, da lợn tươi đã xử lý. Sử dụng các video hình ảnh động kết hợp với chất liệu bóng bì da lợn, tác phẩm lần này đóng vai trò là một phương tiện truyền tải quan hệ phức tạp của ba chủ đề: Tâm lý học - con người - xã hội. Tác phẩm kết hợp giữa sắp đặt và trình diễn là cách Lại Thị Diệu Hà tìm hiểu về sự va chạm cảm giác, tính nội tại, tính xã hội, tính nhân bản, hay chỉ đơn thuần là hành động khi chúng tôi đồng loạt cùng ‘là phẳng’ những tấm da trong một tâm thế kỳ lạ nhất.


Một phần tác phẩm Bên dưới làn da của Lại Thị Diệu Hà

Phi Phi Oanh (người Mỹ gốc Việt) với tác phẩm Palimpsest, một sắp đặt-điêu khắc-ánh sáng bao gồm máy chiếu những tấm ‘da sơn mài’ nhỏ lên trên khung lụa. Tác giả quan tâm đến những đường biên biểu tượng, cố gắng vươn xa hơn các quan điểm mặc định về bức tranh sơn mài.

Ngoài ra, trong khuôn khổ triển lãm, còn diễn ra Tọa đàm bàn tròn với sự tham gia của 8 nghệ sĩ trong 2 ngày 16-17/3, nhằm tìm kiếm phương hướng giao lưu mỹ thuật giữa hai nước trong tương lai.

Hoài Thương


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›