Nhìn lại Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng như quá trình hình thành, đổi mới tư duy của Đảng ta về văn hóa suốt 80 năm qua kể từ khi Đề cương ra đời, để thấy văn hóa như một bức tranh lớn có sự tổng hòa của văn hóa chính trị, văn hóa xã hội, văn hóa gia đình, cho đến văn hóa cá nhân.
Không chỉ hàm chứa những giá trị to lớn mang tầm cương lĩnh về văn hóa, mà bản Đề cương về văn hóa Việt Nam còn phản ánh chân thực về tầm vóc, nhân cách của người đã khởi thảo và biên soạn là Tổng Bí thư Trường Chinh. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận bàn tròn tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" được tổ chức đầu tuần này.
Sự thống nhất tạo nên một cốt cách Trường Chinh
Đề cương về văn hóa Việt Nam ở thời điểm xuất hiện năm 1943 đã mang lại một không khí hết sức phấn khởi, tin tưởng, giúp cho nhiều văn nghệ sĩ ở thời điểm đó giải phóng được "cái tôi" và "cái chúng ta", từ giã "thung lũng đau thương" đến với "cánh đồng vui". Từ đó, mang lại cho những người làm văn hóa, những trí thức mong muốn đổi thay sau một thời gian chỉ quan sát và lặng lẽ cống hiến. Đó là công lao lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh với văn hóa, nghệ thuật kháng chiến nói riêng và cách mạng nói chung với vai trò của một nhà lãnh đạo chính trị.
Song, với tư cách của một nhà thơ, Tổng Bí thư Trường Chinh cũng có những đóng góp lớn với bút danh Sóng Hồng. Trong bài thơ Là thi sĩ viết năm 1942, nhà thơ Sóng Hồng viết: "Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền". Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, đây là một bài thơ mang dáng dấp của một tuyên ngôn nghệ thuật. Trong bài thơ này, nhà thơ Sóng Hồng đã đưa ra một tuyên ngôn rằng, văn học phải có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân.
"Trong cuộc đời của mình, nhà thơ Sóng Hồng có hơn 200 bài thơ. Hồn thơ của Sóng Hồng là một hồn thơ rất khỏe khoắn, chân thực và tràn đầy lạc quan. Nhưng, ông cũng luôn gắn bó thơ với đời sống và nói rộng ra là nghệ thuật phải gắn với đời sống nhân dân" - ông Điệp phân tích - "Không chỉ là một nhà sáng tạo, ông còn là một nhà lý luận xuất sắc về thơ. Ông nắm bắt rất tinh tế bản chất của nghệ thuật, rằng thơ là thơ, thơ là nhạc, thơ là họa, là chạm khắc theo một cách riêng. Tôi cho rằng đó là nhận định chưa bao giờ cũ về thơ. Với ông, thống nhất quan niệm thơ và cách mạng không thể tách rời. Có thể nói Sóng Hồng là minh chứng sinh động cho hình tượng nghệ sĩ và chiến sĩ của văn học cách mạng".
Cũng theo Viện trưởng Viện Văn học Nguyễn Đăng Điệp, có sự thống nhất tạo nên một cốt cách Trường Chinh - người khởi thảo bản Đề cương, thể hiện quan điểm của Đảng về văn hóa.
"Ngay từ rất sớm ở Tổng Bí thư Trường Chinh đã có sự kết hợp giữa một tư duy nghệ sĩ với tư duy lý luận. Đọc lý luận của ông, người ta nhìn thấy một sự hấp dẫn, một sự lôi cuốn của hùng biện. Ở đó cho thấy một cái nhìn minh triết, một cách lập luận hết sức sắc sảo" - ông Điệp nhấn mạnh - "Ở tầm mức lớn hơn, đó là sự kết hợp hài hòa giữa một nhà văn hóa và một nhà chính trị. Tầm vóc của một nhà văn hóa khiến cho Tổng Bí thư Trường Chinh có thể nắm bắt được tinh hoa của dân tộc và nhân loại. Trong khi đó, tầm vóc của một nhà chính trị giúp Tổng Bí thư Trường Chinh có thể nhìn thấy xu thế vận động của lịch sử và từng bước đi của cách mạng Việt Nam".
Ông Điệp cho rằng: "Sự xoắn kết của những nhân tố này đã tạo nên tầm vóc của Tổng Bí thư Trường Chinh như chúng ta đã biết. Và, bản thân bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, mặc dù rất gọn, nhưng nó cho thấy được sự khúc triết, tư duy độc đáo, một cái nhìn rất chính xác, khoa học".
Truyền thống gia đình thấm đẫm văn hóa
Còn nhớ, tại phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cháu nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, đã có những chia sẻ xúc động về người ông đáng kính và truyền thống của gia đình mình. Để thấy văn hóa gia đình đã có những ảnh hưởng quan trọng tới tầm vóc tư tưởng của người khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 như thế nào.
TS Đặng Xuân Thanh cho biết: "Trong suốt cuộc đời, con người, nhân cách của ông nội - Tổng Bí thư Trường Chinh - luôn thấm đẫm chất văn hóa. Nhưng có những nét rất đặc biệt làm nên tính cách rất đặc trưng của ông đó là nghiêm cẩn, thận trọng, nguyên tắc. Những tính cách này trở nên nổi tiếng và đã trở thành giai thoại thời kỳ ông còn công tác".
Ông Thanh cho biết thêm: "Cả ba người con trai của Tổng Bí thư Trường Chinh đều trải qua quân ngũ. GS Đặng Xuân Kỳ - bố tôi, ở trong quân đội 9 năm trước khi trở về làm công tác nghiên cứu khoa học. Hai người chú của tôi cũng phục vụ trong quân ngũ, đến sau giải phóng miền Nam mới trở về môi trường học thuật. Cho dù hoạt động trong lĩnh vực triết học, văn học hay vật lý học thì niềm say mê, thôi thúc đều xuất phát từ truyền thống gia đình. Trong công tác khoa học, sự nghiêm cẩn, nghiêm túc, thận trọng được rèn rũa từ những cuộc trao đổi trong gia đình, từ những cuốn sách mà Tổng Bí thư Trường Chinh với tư cách là người cha, người ông luôn khuyến khích chúng tôi đọc".
"Tất cả mọi người trong gia đình đều có tủ sách riêng. Đó là một đặc trưng của gia đình chúng tôi. Ngay khi tôi còn rất nhỏ từ 5 - 6 tuổi, khi mới biết đọc, biết viết đã được ông đóng cho một cái tủ sách cao khoảng một mét bằng những tấm gỗ rất xù xì. Nhưng trong đó, ông đã trích tiền lương của mình mua cho tôi những cuốn sách mà tôi còn nhớ rất rõ như: Túp lều của bác Tôm, Không gia đình, Những tấm lòng cao cả…" - ông Thanh kể - "Lớn hơn, tôi muốn đọc, muốn hiểu nhiều hơn thì tìm tới tủ sách của bố, của ông, của chú. Đọc lúc đầu không hiểu được mấy, nhưng càng đọc càng thấm dần. Có cả những tác phẩm của Lev Tolstoy như Chiến tranh và hòa bình, hoặc Những người khốn khổ của Victor Hugo".
Đáng nói, TS Đặng Xuân Thanh còn cho biết, truyền thống tủ sách gia đình đã có từ thời ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh là tiến sĩ Đặng Xuân Bảng: "Sau khi từ quan, ông đã thành lập một tủ sách, thư viện tư nhân đầu tiên ở Bắc Kỳ. Và sách, người ta đồn rằng, chứa chật cả 6 gian nhà tranh. Thư viện có tên là Hy Long – tên tự của tiến sĩ Đặng Xuân Bảng. Với một truyền thống như vậy, đương nhiên gia đình rất tự hào và cố gắng truyền lại cho các thế hệ sau".
Cháu nội của Tổng Bí thư Trường Chinh kể thêm: "Trong mỗi bữa cơm của gia đình, không có bữa cơm nào không có các cuộc thảo luận nhỏ về các chủ đề chính trị, văn hóa, lịch sử…Thậm chí, còn có những cuộc tranh luận nảy lửa giữa cố Tổng Bí thư Trường Chinh và con trai về những quan điểm, về những vấn đề đang xảy ra với đất nước. Tất cả tự khắc thấm dần vào mỗi thành viên và trong văn hóa gia đình chúng tôi".
"Giữa ông và bà nội tôi, hai người gần như có một sự khác biệt rất lớn. Bà nội tôi chỉ học hết lớp 4. Tuy nhiên, hai cụ hết mực thương yêu nhau. Có những lúc tôi chứng kiến cảnh ông nội vui vẻ đọc những câu thơ tặng vợ và ôm vai người vợ của mình dù khi đó bà tôi đã ngoài 60 tuổi. Những hình ảnh xúc động đó thực sự từng ngày từng tháng ngấm vào tâm hồn những thành viên của gia đình" - TS Đặng Xuân Thanh nhớ lại - "Tôi tin rằng, chính môi trường gia đình, chính sự yêu thương và cũng chính từ những sự nghiêm túc, nghiêm cẩn, nguyên tắc sống của ông nội tôi là cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã ảnh hưởng rất nhiều đến con cháu sau này, ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp của họ, trong đó có tôi".
"Tất cả mọi người trong gia đình đều có tủ sách riêng. Đó là một đặc trưng của gia đình chúng tôi. Ngay khi tôi còn rất nhỏ từ 5 - 6 tuổi, khi mới biết đọc, biết viết đã được ông đóng cho một cái tủ sách cao khoảng một mét bằng những tấm gỗ rất xù xì…" - TS Đặng Xuân Thanh.
Tags