(LTS) Những điều chúng ta muốn nói về cuộc đời, tình yêu và tác phẩm của Xuân Quỳnh sẽ không bao giờ kết thúc - dù trong tuần qua, nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm sinh của bà đã được tổ chức. Và bài viết của nhà thơ Vi Thùy Linh dành cho Thể thao và Văn hóa là một câu chuyện như vậy.
1. Nếu để gọi ngay tên một nữ thi sĩ mà độ lan toả tác phẩm sâu rộng nhiều thế hệ nhất trong hơn 50 năm qua của văn học Việt Nam, mãnh liệt và đằm thắm xuyên thế kỷ, tôi tin công chúng sẽ nói ngay: Xuân Quỳnh. Có nhiều lý do để một cái tên bền sang luân lưu thời gian, mà Xuân Quỳnh lại hội tụ nhiều đặc biệt.
Tôi không muốn nhắc về số năm mất của cặp vợ chồng nghệ sĩ lớn cùng con trai út của họ vào tháng 8/1988. Tháng 8 những năm qua đã thành mùa kịch Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, nơi Lưu Quang Vũ gắn bó từ ngày đầu thành lập đến giai đoạn bùng phát tinh hoa.
Nếu còn sống, Lưu Quang Vũ tuổi 74, Xuân Quỳnh tuổi 80, với một bầy cháu sum vầy, toàn nội.
Thơ Xuân Quỳnh đại chúng vì được in sách giáo khoa, và được phổ nhạc rất thành công bởi Phan Huỳnh Điểu, thành 2 ca khúc Thơ tình cuối mùa Thu, Thuyền và biển. Thuyền và biển còn có đời sống nữa trong ca khúc của nhạc sĩ Hữu Xuân.
Một định mệnh chăng, khi quê cha của Lưu Quang Vũ là Đà Nẵng, thành phố biển lớn nhất miền Trung. Và Vũ - Quỳnh cùng yêu mến Hải Phòng, thành phố có cảng biển lớn nhất miền Bắc. Họ hay về Hải Phòng, vì nơi đó là quê của thi sĩ Đào Nguyễn tức đạo diễn phim tài liệu - NSND Đào Trọng Khánh. Nơi đó, đoàn Kịch, đoàn Chèo Hải Phòng thời đỉnh cao tiếng tăm có kịch mục Lưu Quang Vũ. Hải Phòng lưu kỷ niệm tuổi trẻ của Lưu. Và Lưu luôn thích đi Hải Phòng, chọn Hải Phòng vì hợp chất, vì luôn mới, luôn có sự "lạ" đáng chờ mong. Chuyến đi cuối cùng của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và con út Quỳnh Thơ (Mí) là ra Đồ Sơn, Hải Phòng, một chuyến nghỉ ngơi ngắn ngủi nhưng ý nghĩa vì bố Vũ thực hiện được lời hứa: Đưa Mí đi nghỉ mát.
Thuyền và biển ấy, không ở khơi xa, ngoài đại dương bao la. Thuyền - biển là nội tâm của chính Xuân Quỳnh, là tự sự, là đối thoại đồng vọng, là thấu cảm tương ái, là tình yêu của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trong giai đoạn cả xã hội đang thời kinh tế bao cấp đầy khó khăn nhưng họ đã sống sang, hào sảng với đồng nghiệp, anh chị em nghệ sĩ.
Sang chứ, vì họ không giàu, chưa kịp giàu về vật chất, nhưng họ rộng lòng với bạn bè. Sang chứ, dư âm sang trọng của tình cảm chân thành còn trong nhiều hồi tưởng. Xuân Quỳnh yêu chồng, luôn muốn vui lòng anh và bạn hữu. NSND Hoàng Dũng từng kể trong chương trình Quán Thanh Xuân, khi đến chơi lúc ra về, chị Quỳnh ra cầu thang giúi tiền cho Dũng. NSƯT Minh Trang được mời đến nhà ăn cơm, giờ vẫn xúc động cảnh Xuân Quỳnh vừa rán đậu vừa kể: Hôm nay đi chợ, chị thèm ăn cốc chè. Nhưng thôi. Tiền ấy chị mua thêm mấy bìa đậu mời em ăn cơm. Tình ấy, sự vun vén, tảo tần ấy, Xuân Quỳnh dành cho Lưu Quang Vũ từ lúc chưa có việc làm, đến khi có chân biên tập viên tạp chí Sân khấu, giúp chồng yên tâm sáng tác và bùng phát tinh hoa, bừng rộ tài hoa ở tuổi trung niên.
2. Ở Hà Nội, có những số nhà là địa chỉ văn hóa: 65 Nguyễn Thái Học (nơi danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm từng sống), là nơi ở của gia đình nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Đỗ Hồng Quân.
Nhà 96A phố Huế, thuộc phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng là tòa nhà 4 tầng có sân thượng. Phòng của ông bà Lưu Quang Thuận - Vũ Thị Khánh ở tầng 2, 28m2. Phòng của Lưu Quang Vũ ở với Tố Uyên là tầng 2, vốn là nhà kho, nơi đun bếp của 3 nhà, 9m2. Phòng ở với Xuân Quỳnh và 3 con trai hơn 6m2 ở tầng 3.
Nhà 96A phố Huế hiện giờ, người cũ bán nhà đi nhiều, còn căn phòng mà Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh vẫn được giữ nguyên như lúc họ đương độ.
Thì họ có chết đâu, họ đi trước đa số trong tư tưởng sáng tác, họ đột ngột về đích cuối cuộc đời; song sức sống của họ vẫn đầy mãnh lực và tinh tế với tinh thần chúng ta.
Xuân Quỳnhđã mấy lần phải nằm viện điều trị vì bệnh tim. Phải vì sống quá tình cảm, vị tha, mà bệnh không thể khỏi? Xuân Quỳnh có một đại dương trong chính mình, căn phòng bé nhỏ ấy là biển tình chan chứa. Nhà chật đến mức giấc mơ cũng định biên lãng mạn khi "quờ tay là chạm vào thùng gạo", chật đến độ vợ chồng giận nhau cũng khó được lâu vì cùng chung không gian.
6m2 mà 5 người sống vẫn có chỗ đẹp kê giá sách. Bàn viết nhỏ Xuân Quỳnh dành cho chồng con, còn mình bò ra sàn “rắc thuốc lào" (cách tự trào chữ xấu). Có gác xép để bố Vũ và con lên ngủ mùa Đông; Hè nóng thì lăn ra sàn, nực quá thì lên sân thượng. Sân thượng là nơi cả khu lên phơi chăn, chiếu và kéo nhau lên ngủ khi quá nóng. Phơi sương, ngắm trăng sao, ngủ ngoài trời thành quen, chàng tháng 4 không ốm. Người đàn ông sinh tháng 4 ấy, Xuân Quỳnh đã nhìn thấu tố chất xuất chúng để hỗ trợ, hậu thuẫn chồng thăng hoa đỉnh cao. Những bữa ăn nấu bếp dầu kê trên sạp đóng gỗ tạo quây cót ép ngoài hành lang, tắm giặt nhà vệ sinh công cộng, xe đạp cà tàng...không thể làm tâm thường, tiêu diệt khát vọng của 2 tâm hồn lớn.
6m2 ấy, là đại dương, là bầu trời, là tổ ấm, là lãnh địa của những giấc mơ.
3. Tháng 4/1987, Xuân Quỳnh đã viết bài thơ Hoa cúc xanh tặng Lưu Quang Vũ, khi chồng đang công tác TP.HCM. Hoa cúc xanh trên đầm lầy là kịch bản Lưu Quang Vũ viết, cảm hứng khởi từ bài thơ ấy. Dấu ấn tình yêu đời, yêu nghệ thuật của họ đan hòa và bền cháy, để đêm 5- 6/10 vừa qua, sau 35 năm bài thơ viết ra, thế giới mơước ấy được ước lệ trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, qua vở kịch 30 phút do NSƯT Trần Lực dựng.
Nguyễn Hoàng Điệp là tác giả vở kịch ngắn này và toàn đêm diễn, kiêm Tổng đạo diễn. Điệp hâm mộ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, cùng nhóm Se sẽ chứ và Ơ kìa Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho 2 tên tuổi lớn. Lớn bởi họ chưa bao giờ già cỗi tư duy, họ đầy tính dự báo trong tác phẩm; lớn vì họ có tư tưởng và thông điệp nhân văn mang tính toàn cầu. Lớn vì những người trẻ hôm nay vẫn tìm thấy mình trong thơ họ.
Tôi xúc động lặng người khi nghe demo ca khúc Hoa Quỳnh của Nguyễn Vĩnh Tiến viết dành tặng Xuân Quỳnh, khi đến chơi nhà Tiến chiều 18/9 vừa qua. Ca khúc thể hiệnđược đúng con người, số phận Xuân Quỳnh. Mồ côi mẹ khi chỉ vài tháng tuổi, cô bé Xuân Quỳnh sinh mùa Thu lớn lên trong vòng tay cha và chị gái Đông Mai, lại có mùa Xuân bất tận. Thiếu niên đãđược tuyển đi học múa, làm văn công vào tận chiến trường, không học nhiều ở trường lớp, Quỳnh được thần thi ca chọn và Quỳnh nổi tiếng từ thanh niên. Chữ Xuân định mệnh: Quỳnh thành đôi với Vũ dịp Tết 1973 và 3/2/1975 sinh Quỳnh Thơ.
Người đàn bà ấy, bằng tình yêu lớn, đã giúp chồng phát triển rực rỡ, tác giả trẻ nhất thế hệ chống Mỹ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2, năm 2000).
4. Bà quả phụ Vũ Thị Khánh đã từngđau đớn vô cùng khi mất cùng lúc con trai trưởng, con dâu và cháu nội. Ông bà sinh được 6 người con, đều thành đạt. Hiếm gia đình nào có cả con trai và con dâu nổi tiếng thế. Xuân Quỳnh nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5 (2017) và là nữ sĩ đầu tiên của Việt Nam được Google tôn vinh dịp sinh nhật năm 2019.
Đêm 6/10 năm nay, sinh nhật chị dâu trưởng Xuân Quỳnh, các em chồng chỉ còn một nửa. 2 người em trai kế của Lưu Quang Vũ lần lượt mất trong 5 tháng của năm nay. PGS-TS-NGND Lưu Quang Hiệp (1951) dạy Đại học TDTT Từ Sơn, mất vì suy tim cuối Xuân, còn doanh nhân Lưu Quang Điền (1953), người giống Lưu Quang Vũ nhất, ra đi đầu Thu vì bệnh hiểm nghèo. 3 người con trai đầu của Lưu Quang Thuận đều sinh ra ở Hạ Hòa (Phú Thọ) thời kháng chiến. Còn lại: PGS-TS văn học Lưu Khánh Thơ, nhà báo Lưu Quang Định (1966), chuyên gia thể thao Lưu Điện Biên (1967, Liên đoàn Bóng đá VN). Lưu Khánh Thơ là người lưu giữ di cảo, tư liệu của cha, chú, anh chị, biên soạn xuất bản. Còn Lưu Quang Định - Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay - Dân Việt thì có công công bố rộng rãi tác phẩm của anh chị, tổ chức sản xuất và chỉ đạo nghệ thuật các đêm diễn ý nghĩa mà bao khán giả mong chờ.
- 80 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Quỳnh: Thi sỹ của tình yêu và tình mẫu tử
- 'Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn' - cuốn sách tưởng nhớ Xuân Quỳnh
- 'Trời xanh của mỗi người' – cuốn sách dành tặng thiếu nhi của Xuân Quỳnh
Nguyễn Vĩnh Tiến viết ca khúc Hoa Quỳnh cuối tháng 8 còn Hoa cúc xanh hoàn thành 12/9/2022. Bài Hoa cúc xanh của Tiến chỉ vang lên phảng phất trong kịch Ai đã lấp cái đầm lầy mãi mãi của Lucteam. Còn ca khúc Hoa cúc xanh của ca sĩ Bùi Lan Hương (tự trình bày) là bài kết chương trình, sau kịch.
Quỳnh - nụ và đóa to, hoa sắc trắng, tinh khiết, rất thơm, chỉ nở về đêm và không bền. Quỳnh là biểu tượng của thanh cao, tao nhã. Diva Hồng Nhung đã khắc khoải tình ca Hoa Quỳnh của Nguyễn Vĩnh Tiến khiến khán phòng lặng trong mộng mơ thương nhớ. Chính Xuân Quỳnh cùng Lưu Quang Vũ là thiên thần củathiên đường giấc mơ có thực, từ những giấc thơ. Như Nguyễn Vĩnh Tiến vẽ nên một đóa Quỳnh múa cùng chữ múa: Bông hoa, mồ côi, trong đêm/Từng cánh múa, từng cánh múa dưới trăng/ Ô hay, gặp chàng Thơ, trong đêm/Từng chữ múa, từng chữ múa dưới trăng/Nàng kể về giấc mơ/Chuyện về hoa cúc xanh/Sáng diệu kỳ/Trên đầm lầy.../Nhưng sao một sớm mai/Quỳnh hoa lại rụng rời/Cơn mơ còn dở dang/Những ngón trắng rã rời/Nhưng sao một giấc mơ/Dệt nên mộng chàng Thơ/Chữ múa rồi chữ bayQuỳnh hương còn đâu đây...
Nhà báo Lưu Quang Định còn tiếp tục triển khai Bảo tàng số cho chị dâu, với góp sức của fan trẻ khắp thế giới. Tới đây, ông dự định "bê" cả chương trình thơ - nhạc - kịch Hoa cúc xanh xuống Nhà hát Lớn Hải Phòng, một hẹn hò nức lòng người hâm mộ đất Cảng và thỏa mãn cả Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. |
Vi Thùy Linh
Tags