90 năm ngày sinh Garcia Marquez: Biểu tượng bất tử của văn hóa Mỹ Latin

Thứ Năm, 09/03/2017 19:34 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu còn sống, Gabriel Garcia Marquez (1927 – 2014) sẽ kỉ niệm 90 năm ngày sinh của mình vào hôm 6/3 vừa rồi. Không chỉ là một trong những cây bút đặc biệt nhất thế kỷ XX, huyền thoại này còn được coi là nhà văn xuất chúng của ngôn ngữ Tây Ban Nha – khi chỉ xếp sau đại văn hào Miguel de Cervantes của thế kỷ XVII.

1. Có thể nhắc tới 2 cột mốc đặc biệt của Garcia Marquez. Ông là nhà văn Colombia đầu tiên được trao giải Nobel (1982). Và, những tác phẩm của ông bán chạy hơn bất cứ tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha nào, ngoại trừ Kinh Thánh.

Là con cả trong gia đình có 11 anh chị em,Marquez sinh ngày 6/3/1927 ở làng Aracataca, thuộc vùng biển Caribbe của Colombia. Sau này, trong tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả (Love in the Time of Cholera), Marquez kể lại việc cha mẹ mình từng gặp và đến với nhau trên vùng đất ấy.

Marquez lớn lên cùng ông bà. Thời nhỏ, ông thường cảm thấy cô đơn. Đó cũng là điều dễ hiểu, khi sống quanh ông chỉ là những người giúp việc, cùng một số người lớn tuổi trong gia đình.

Và,bà ngoại là người đóng vai trò quyết định trong thời thơ ấu của Marquez. Bà thường kể cho nhà văn nghe chuyện ma, cũng như việc những người thân đã chết vẫn tồn tại ở tầng hầm và gác mái.


Nhà văn Garcia Marquez

Có lẽ, ấn tượng về bà ngoại là lý do để Marquez đã viết về phụ nữ trong một cuốn hồi ký : “Phụ nữ chính là những người duy trì thế giới, trong khi nam giới chúng ta có xu hướng lao vào hỗn loạn với tất cả sự tàn bạo lịch sử của mình”.

Cậu bé ấy là “mọt sách” từ khi còn nhỏ. Ông say mê đọc tác phẩm của nhiều nhà văn Tây Ban Nha cũng như Hemingway, Faulkner và Kafka. Và ngay từ sớm Marquez đã nuôi ước vọng trở thành nhà văn. Thế nhưng, khi lớn lên, sau một thời gian học luật, Marquez quyết định theo đuổi sự nghiệp viết báo. Nhiều bài tiểu luận của ông được biết tới với sự phản ánh hiện thực khắc nghiệt của một Colombia nghèo khó, đang phải oằn mình chống chọi với nội chiến và sự bất ổn xã hội.

Để rồi, năm 1967, kiệt tác văn họcTrăm năm cô đơn (One Hundred Years of Solitude) ra đời. Tiểu thuyết này đã được tờ New York Times mô tả là “tác phẩm văn học đầu tiên mà cả nhân loại nên đọc sau Sách Sáng thế" (cuốn mở đầu cho kinh Cựu ước nói riêng và Kinh Thánh nói chung).

Thế nhưng, ít ai biết, quá trình viết cuốn Trăm năm cô đơn cũng là một hình thức tự "trị liệu" đặcbiệt của chính Marquez. Nhà văn từng tiết lộ rằng cho tới  trước khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, ông vẫn bị ám ảnh với những cơn ác mộng khủng khiếp từ thời thơ ấu sống cùng ông bà.

Grabriel Garcia Marquez: Người cô đơn bất tử

Grabriel Garcia Marquez: Người cô đơn bất tử

Có những người viết chỉ quẩn quanh trong nỗi cô đơn của chính mình hoặc số ít người giống mình. Có những người từ lòng mình mở rộng thành tâm thức của nhân loại. Tác giả vĩ đại quá cố Garcia Marquez thuộc nhóm hai.


2.Trăm năm cô đơn kể về 7 thế hệ trong một gia đình ở Macondo  - một thành phố hư cấu. Macondo được lấy cảm hứng từ nơi sinh của nhà văn, và tượng trưng cho sự giải thích đầy tính ẩn dụ và phê phán về lịch sử Colombia, thậm chí là cả Mỹ Latin.

Xung quanh thành phố Macondo là nước. Thành phố này thường xảy ra những sự kiện lạ liên quan đến cả gia đình. Các nhân vật, bị quá khứ ám ảnh và thường bị ma ám, không thể thoát khỏi số phận bất hạnh, bi đát của mình, và lịch sử đã định trước của Macondo cứ lặp đi lặp lại cho đến khi thành phố này bị một cơn bão phá hủy hoàn toàn.

Tại Việt Nam, nhiều tác phẩm của Garcia Marquez đã được dịch và xuất bản như: Trăm năm cô đơn, Ngài đại tá chờ thư, Tình yêu thời thổ tả... Đặc biệt, bản dịch Trăm năm cô đơn (do nhóm dịch giảNguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng thực hiện vào thập niên 1980) được đánh giá là một bản dịch xuất sắc.

Ý nghĩa sâu xa về thuyết định mệnh trong các tác phẩm của Mrrquez được giới phê bình giải nghĩa là “phép ẩn dụ cho một phần quan trọng của hệ tư tưởng vẫn được duy trì trong lịch sử Mỹ Latin." Những con người ở đó không chỉ là nạn nhân của sự kém phát triển và bất công xã hội mà còn liên tục mắc vào những sai lầm ấy của hệ tư tưởng đã ăn sâu trong tâm trí họ.

Bởi thế, một nhà phê bình đã nhận định: "Trăm năm cô đơn là một tác phẩm mà Mỹ Latin phải có để hiểu được chính nó".

Đặc biệt, về bút pháp, cuốn tiểu thuyết này được coi là điển hình chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, tức là những yếu tố huyền ảo được sử dụng trong những tình huống hiện thực.

Phong cách ấy đã được Marquez phổ cập hóa trong nhiều tác phẩm sau đó của mình, như Mùa thu của vị trưởng lão (Autumn of the Patriarch – 1975)), Ký sự về một cái chết được báo trước (Chronicle of a Death Foretold – 1981)Tướng quân giữa mê hồn trận (The General in his Labyrinth – 1989).

Đáng nói, lúc sinh thời, Marquez cũng luôn coi mình là một đại diện của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin. Khi nhận giải Nobel Văn học  năm 1982, ông nói: “Tôi có ấn tượng rằng để trao giải cho tôi, người ta đã cứu xét đến nền văn học của tiểu lục địa này. Và việc trao giải cho tôi là một cách tôn vinh chủ nghĩa hiện thực huyền ảo".

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›