95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Ngọn đuốc soi sáng con đường dân tộc

Ngày 3/2/1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là bước ngoặt vĩ đại, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX, cũng là điểm mở đầu quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự phát triển của dân tộc trong các giai đoạn sau này.

Đảng lãnh đạo Nhân dân giành độc lập dân tộc

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào yêu nước của dân tộc ta dù dâng cao mạnh mẽ, nhưng liên tiếp thất bại. Nguyên nhân chính là thiếu một đường lối đúng đắn và một tổ chức lãnh đạo thống nhất. Những cuộc khởi nghĩa do các anh hùng dân tộc, như: Trương Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đều mang đậm tinh thần quật cường, bất khuất trước kẻ thù, nhưng do thiếu hụt về tổ chức, chiến lược và sự liên kết giữa các phong trào đã khiến những nỗ lực này không thể đạt được mục tiêu giải phóng đất nước khỏi ách thống trị thực dân. Cách mạng Việt Nam vì thế lâm vào khủng hoảng sâu sắc cả về đường lối và tổ chức.

Trong bối cảnh đó, ngày 6/5/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) đã ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin - ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. Người nhận thức rõ rằng: con đường cách mạng vô sản là con đường đúng đắn nhất để giải phóng dân tộc. Với tư duy chiến lược sắc bén, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam, làm cơ sở lý luận và thực tiễn để tổ chức lực lượng cách mạng.

95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Ngọn đuốc soi sáng con đường dân tộc - Ảnh 1.

Từ ngày 6/1 - 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Ảnh: Tranh tư liệu-TTXVN phát

Ngày 3/2/1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời như một ngọn cờ quy tụ các tầng lớp Nhân dân, thắp lên khát vọng giải phóng dân tộc và khơi dậy sức mạnh đoàn kết toàn dân. Từ đây, cách mạng Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với đường lối rõ ràng, tổ chức thống nhất và phương pháp đấu tranh hiệu quả.

15 năm sau ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự sụp đổ của ách thống trị thực dân, phong kiến trên đất nước ta, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, với lời tuyên bố bất hủ: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập". Lời tuyên bố không chỉ khẳng định sự tự do của dân tộc ta mà còn khơi dậy niềm cảm hứng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Chỉ hơn 4 tháng sau, cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên ngày 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội và Chính phủ hợp hiến, hợp lòng dân. Ngay tại Kỳ họp thứ hai (tháng 11/1946), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng khẳng định quyền độc lập của dân tộc, quyền tự do dân chủ của Nhân dân.

Như vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã mở ra thời kỳ mới: thời kỳ Nhân dân làm chủ vận mệnh, đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Đây là minh chứng hùng hồn cho vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng, khẳng định rằng dưới sự dẫn dắt của một chính Đảng tiên phong, một dân tộc nhỏ bé vẫn có thể làm nên những kỳ tích lớn lao.

95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Ngọn đuốc soi sáng con đường dân tộc - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đảng lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước

Ngay sau ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, dân tộc ta lại đối mặt với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", Đảng ta một lần nữa tỏ rõ bản lĩnh của một Đảng Mác-xít chân chính, chủ động đối phó với thù trong giặc ngoài với phương châm: "Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết".

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) là minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Với tư tưởng chỉ đạo "toàn dân, toàn diện và dựa vào sức mình là chính", Đảng đã huy động được sức mạnh của toàn dân tộc vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt cuộc kháng chiến, quân và dân ta liên tục giành thắng lợi trên các mặt trận mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Đây là trận quyết chiến chiến lược, trực tiếp góp phần chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta. Đồng thời, chiến thắng cũng tạo cú hích mạnh mẽ làm rung chuyển hệ thống thuộc địa toàn cầu, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Điện Biên Phủ đi vào lịch sử như một chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", khẳng định sức mạnh đoàn kết và ý chí quật cường của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Ngọn đuốc soi sáng con đường dân tộc - Ảnh 3.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Ảnh: Triệu Đại – TTXVN

Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp, dân tộc ta lại tiếp tục đối mặt với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đây là một cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhân dân ta đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kết hợp giữa chiến tranh nhân dân và các chiến lược quân sự táo bạo. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đồng lòng chiến đấu anh dũng, giành được những thắng lợi vẻ vang, làm rạng rỡ thêm trang sử hào hùng của dân tộc. Và đỉnh cao của cuộc kháng chiến chính là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử diễn ra vào mùa Xuân năm 1975. Với phương châm "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" quân và dân ta đã tiến hành tổng tiến công, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Văn kiện Đại hội IV của Đảng năm 1976 khẳng định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

Chiến thắng năm 1975 không chỉ mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất mà còn là bước ngoặt lịch sử, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới, với niềm tin mãnh liệt vào vai trò lãnh đạo của Đảng trong một hành trình mới ở phía trước.

Đảng lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước

Sau ngày thống nhất, cả nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH với vô vàn khó khăn, thách thức, cả trong nước, khu vực và trên trường quốc tế. Trước tình hình đó, Đảng ta một lần nữa khẳng định trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (tại Đại hội VI của Đảng 1986). Theo đó, Đảng ta quyết định thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; đồng thời đổi mới chính sách xã hội, hướng vào những giải pháp nhằm cải thiện đời sống mọi mặt của Nhân dân.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, mang tính lịch sử.

95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Ngọn đuốc soi sáng con đường dân tộc - Ảnh 4.

Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI tổ chức từ ngày 12 - 19/1/2011, tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Kinh tế phát triển vượt bậc. Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2008. Đặc biệt, năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ với tăng trưởng GDP ấn tượng 7,09%, vượt xa các dự báo và trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023; Kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, đạt gần 800 tỷ USD, Việt Nam duy trì xuất siêu trong 9 năm liên tiếp, với mức xuất siêu 25 tỷ USD. Kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới.

Văn hóa, xã hội và đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt. An sinh xã hội luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2024 giảm còn dưới 1,9%, thấp nhất từ trước đến nay. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao, với những tiến bộ đáng kể trong giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Các chương trình hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở và nước sạch đã tiếp cận hàng triệu người dân tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Chính phủ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình về nhà ở, như: xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, xóa bỏ nhà tạm nhà dột nát và hỗ trợ người dân vùng khó khăn…

Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 nước, vùng lãnh thổ trên khắp năm châu; xây dựng các mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới; đặc biệt có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 9 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Malaysia.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế, như: ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN…, qua đó góp phần nâng cao uy tín và vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Những thành tựu to lớn trên chính là minh chứng rõ nét cho sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, ý chí kiên cường và khát vọng vươn lên của một đất nước giàu truyền thống yêu nước và sáng tạo, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong bài trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, "sau gần 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích trong lịch sử, trải qua kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930-1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975-2025). Và giờ đây, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khởi đầu bằng sự kiện trọng đại - Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau, kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng. Ý Đảng hòa quyện lòng dân, khát vọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới".

95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Ngọn đuốc soi sáng con đường dân tộc - Ảnh 5.

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh".

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, "từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ, cơ hội chiến lược, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Điều quan trọng là chúng ta phát huy được tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu "cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc ta tiếp tục tiến lên mạnh mẽ", "phải tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.... Trong đó, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng thực sự là hạt nhân trí tuệ, "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Các cơ quan tham mưu của Đảng phải thực sự tinh gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị tốt, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thần trách nhiệm cao. Tác phong, lề lối làm việc cần đổi mới mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả".

                                                                                                                              Minh Duyên/TTXVN