9X bỏ việc văn phòng, được ăn ngon mặc đẹp để đi làm bảo vệ: ‘Trước khi có thể sống thảnh thơi, phải học cách sinh tồn được đã!’

Thứ Hai, 27/03/2023 16:07 GMT+7

Google News

"So với việc sống chết để vào một ngành nghề đang hot, tìm thấy ưu thế của bản thân quan trọng hơn", cô gái kết luận. 


Cách đây ít lâu, thông tin một cô gái Gen Z tại Trung Quốc xin nghỉ việc ở viện thiết kế để làm bảo vệ khiến MXH dậy sóng. 

Theo các bản tin, Tưởng Văn, 24 tuổi, đã đến Thâm Quyến làm việc tại một viện thiết kế sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Chiết Giang vào năm 2021.

Ban đầu, cô nghĩ rằng mình sẽ có những cơ hội việc làm tuyệt vời sau khi đến Thâm Quyến, nhưng sau khi nhận công việc này, cô mới nhận ra rằng mọi thứ dường như không như mình nghĩ.

Ở Thâm Quyến, một thành phố đắt đỏ, lương tháng hơn 6.000 tệ, nhưng tiền thuê nhà đã tốn hơn 2.000, trừ các khoản chi phí sinh hoạt thì một tháng cũng không còn bao nhiêu.

Công việc tưởng chừng như hào nhoáng ấy thực ra có nội dung rất bình thường, hoặc là làm mô hình mẫu hoặc tìm kiếm thông tin.

Cô cũng thường xuyên tăng ca đến ba, bốn giờ sáng, ngày hôm sau vẫn tiếp tục làm việc vào lúc 8h, hợp đồng ghi rõ là nghỉ cuối tuần, nhưng thực tế không có ngày nghỉ cuối tuần.

Công việc bảo vệ mà cô đang tìm kiếm cũng với mức lương 6000 một tháng, nhưng không chỉ bao ăn ở mà còn chỉ cần tuần tra 5 lần một ngày, mỗi lần nữa tiếng.

So với công việc thiết kế, chế độ không chỉ tốt hơn mà cô còn có thể có nhiều thời gian hơn cho việc học tiếng Anh và chỉnh sửa video. "Công việc mới giúp tôi giàu hơn: Giàu về mặt thời gian để phát triển, học hỏi các kỹ năng mới. Chắc chắn, tương lai sẽ dùng tới thay vì ngụp lặn trong mớ công việc hỗn độn cũ", cô cho biết. 

Sau khi xem tin tức, nhiều cư dân mạng khen ngợi cô gái rất tỉnh táo, thực tế.

Đằng sau tin tức này là hai thực tế về câu chuyện đi làm mà bất cứ người lớn nào cũng cần suy nghĩ.

9X bỏ công việc văn phòng ăn mặc đẹp, đi làm bảo vệ: Những bậc thầy nơi công sở không chọn nghề hot mà tìm và tận dụng lợi thế của bản thân - Ảnh 1.

01

Tạm thời nghỉ việc chỉ là bước đệm, theo đuổi những gì mình thực sự muốn mới là mục đích

Trước đây, nếu một sinh viên xuất sắc nào đó xin nghỉ việc để làm một công việc bình thường, ở phần bình luận trên mạng, những ý kiến xuất hiện nhiều nhất có lẽ là "lãng phí nhân tài".

Chẳng hạn: "Cha mẹ đã vất vả nuôi cho ăn cho học đại học, rồi cuối cùng lại chẳng bằng cái người chỉ mới học hết cấp 3."

"Bao nhiêu năm học ngôi trường đại học có tiếng, giờ về làm trái ngành trái nghề, lại còn làm những công việc không cần quá nhiều trình độ chuyên môn như vậy."

Nhưng lần này, việc cô gái nghỉ việc ở viện thiết kế, lại được cư dân mạng hiểu và ủng hộ.

Giống như chính bản thân cô đã nói, xin nghỉ làm bảo vệ một mặt có thu nhập đảm bảo không tồi, mặt khác có thể tận dụng thời gian tốt hơn để hoàn thiện bản thân.

Việc trở thành một nhân viên bảo vệ chỉ là một biện pháp tạm thời, và cô vẫn sẽ tìm một công việc khác để phát triển trong tương lai.

Vì vậy, đối với Tưởng Văn, trở thành nhân viên bảo vệ chỉ là một bước đệm và cô biết chính xác mình muốn gì ở mỗi giai đoạn.

Giống như nhà văn trẻ Li Shanglong đã nói: "Khi bạn không có gì, trước tiên hãy làm những gì bạn biết, những gì có thể kiếm tiền và những gì có thể giúp bạn tích lũy các mối quan hệ. Khi đã có một số vốn nhất định, lúc đó hãy làm những gì bạn thích! "

Cũng giống như Tưởng Văn, sau khi cho mình một khoảng nghỉ bằng một công việc khác, cô sẽ tiếp tục theo đuổi bước phát triển tiếp theo.

Câu chuyện của Tưởng Văn khiến tôi nhớ đến câu chuyện của một blogger nhiếp ảnh.

Lúc học đại học, anh ấy đã chọn chuyên ngành kế toán mà mình không thích, vì vậy kết quả học tập không được lý tưởng.

Sau khi tốt nghiệp đại học, trong khi các sinh viên khác hoặc đã tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành của họ, nhiều người thậm chí còn nhận được lời mời làm việc từ các doanh nghiệp hàng đầu thì anh ấy, vì nền tảng chuyên môn kém nên đã không được nhận sau nhiều lần phỏng vấn. Bất lực, anh phải đi giao đồ ăn để kiếm sống qua ngày.

Tình cờ, anh ấy nhìn thấy những bức ảnh đẹp do một blogger chụp trên một nền tảng video ngắn và đã bị thu hút ngay lập tức.

Sau khi thử chụp bằng điện thoại di động, anh phát hiện ra mình cũng rất thích chụp ảnh.

Vì vậy, anh ấy đã dành tất cả thời gian ngoài thời gian đi giao đồ ăn để học nhiếp ảnh.

Trong khi những nhân viên giao hàng khác chờ đồ ăn và chơi game, thì anh sử dụng điện thoại di động của mình để chụp ảnh các góc khác nhau của con đường.

Ngay cả khi chờ đèn giao thông, anh cũng vẫn quan sát những chi tiết bị bỏ quên xung quanh mình.

Để nâng cao nghiệp vụ của mình, anh đã đăng ký một khóa học nhiếp ảnh.

Theo cách nói của anh ấy, việc giao đồ ăn giống như cúi xuống để nhặt đồng sáu xu, còn nhiếp ảnh lại giống như nhìn lên mặt trăng.

Năm tháng sẽ không dễ dàng phụ lòng một người nghiêm túc với cuộc sống và ước mơ.

Sau cùng, anh ấy đã dùng hành động để chứng minh rằng hai năm làm việc chăm chỉ của bản thân không phải là vô ích.

Không chỉ thu hút hàng trăm nghìn người hâm mộ trên nền tảng video ngắn, anh còn giành giải nhì trong một cuộc thi nhiếp ảnh.

Tôi rất thích một câu nói như này: Mỗi giai đoạn mộng mơ đều phải trải qua một giai đoạn sinh tồn.

Cho dù đó là một cô gái gen Z làm bảo vệ hay một sinh viên đại học đi giao đồ ăn, tất cả chỉ là một phương tiện chuyển tiếp, theo đuổi những gì bản thân muốn mới là mục tiêu.

9X bỏ công việc văn phòng ăn mặc đẹp, đi làm bảo vệ: Những bậc thầy nơi công sở không chọn nghề hot mà tìm và tận dụng lợi thế của bản thân - Ảnh 2.

02

So với việc sống chết để vào một ngành nghề đang hot, tìm thấy ưu thế của bản thân quan trọng hơn

Ngoài việc biết mình muốn gì ở từng giai đoạn, một điểm quan trọng hơn cả là tìm ra ưu điểm của bản thân.

Bậc thầy về quản lý, Peter Drucker đã từng nói: Hầu hết mọi người dành cả đời để cố gắng bù đắp những thiếu sót của mình, mà không biết rằng năng lượng cần thiết để cải thiện từ kém cỏi thành tầm thường lớn hơn nhiều so với nỗ lực cần thiết để cải thiện từ giỏi giang lên xuất sắc.

Nhiều thực tiễn đã chứng minh rằng một người không thể đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc nếu hàng ngày anh ta bị hành hạ và vắt kiệt sức trong một lĩnh vực nào đó.

Cũng giống như Tưởng Văn, chỉ thức khuya để hoàn thành công việc cũng đã đủ để vắt kiệt sức lực của cô, kiên trì còn không biết được bao lâu chứ đừng nói đến việc trở thành một chuyên gia.

Ở nơi công sở, thường xảy ra hiện tượng như này, bản thân được được giao nhiệm vụ thì lại lúng túng, không biết làm sao, nhưng khi vào tay một số đồng nghiệp thì nó lại là việc rất đơn giản. Ngoài kinh nghiệm làm việc, đó là bởi vì những gì chúng ta không giỏi vừa hay lại chính là lợi thế của đối phương.

Ngay cả khi bạn không có đam mê hoặc giỏi một lĩnh vực nào đó trong thời điểm hiện tại, cũng hãy thử tìm kiếm lợi thế của bản thân.

9X bỏ công việc văn phòng ăn mặc đẹp, đi làm bảo vệ: Những bậc thầy nơi công sở không chọn nghề hot mà tìm và tận dụng lợi thế của bản thân - Ảnh 3.

Một giáo sư từng nói: "Con người phải chấp nhận hạn chế của bản thân, thừa nhận logic của mình có hạn, thừa nhận lý trí có hạn, thừa nhận mình đang ở trong định kiến, và việc của chúng ta là phải bước ra khỏi định kiến đó."

Khi ra đi làm, nghỉ việc là điều không thể tránh khỏi, nhưng việc đưa ra các lựa chọn, suy cho cùng vẫn là để theo đuổi điều mà bản thân mong muốn.

Sống ở đời, thăng thăng trầm trầm, suy cho cùng cũng chỉ là đang tìm kiếm thứ phù hợp với mình.

Mặc dù vòng tròn chúng ta vẽ có thể không đủ tròn, nhưng sẽ chẳng ai vì vậy mà phủ nhận nó!

Diệu Đan

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›