- Ngọc Lan xác nhận đã bị lừa đóng 2,3 tỷ đồng, mẹ ruột suýt ngất xỉu khi biết chuyện
- Có ảnh chụp màn hình chuyển tiền nhưng không thấy tiền về tài khoản: "Phông chữ rất kỳ lạ - Hóa ra tôi đã bị lừa!"
- Pha “dạy chồng” của cô vợ ngoan hiền và đáp án cho câu hỏi “Có phải phụ nữ cảm thấy mình bị lừa sau khi kết hôn?”
Vì một phút bất cẩn, người phụ nữ đã đánh mất gia tài cả đời dành dụm mãi mới có được.
Vào năm 2020, một người phụ nữ lớn tuổi, ăn mặc giản dị bước vào ngân hàng ở Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Bà họ Kỷ, đã gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng này suốt 15 năm qua.
Sắp tới đây, con trai chuẩn bị cưới vợ, bà quyết định đến rút tiền rồi mua tặng con một căn nhà tân hôn.
Nhưng khi bà vui vẻ đến quầy ngân hàng thực hiện thủ tục, một thông báo từ nhân viên lại khiến câu chuyện hoàn toàn rẽ ngang.
Nhịn ăn nhịn mặc, chỉ để dành tiền cho con mua nhà
Bà Kỷ năm nay đã nghỉ hưu, vợ chồng bà có một con trai và một con gái. Con trai có nghĩa, con gái có hiếu, thỉnh thoảng đều gửi tiền báo hiếu cho hai vợ chồng bà. Tuy đã có tuổi nhưng vợ chồng bà vẫn ra ngoài làm việc, kiếm thêm thu nhập. Số tiền này không phải để họ tiêu pha cho mình, mà muốn chuẩn bị sính lễ, mua một căn hộ làm nhà tân hôn cho con trai.
Kể từ năm 2005, bà Kỷ đã chắt chiu hàng chục nghìn NDT từ chi phí sinh hoạt hàng năm và gửi chúng vào một ngân hàng gần nhà.
Đến năm 2020, thói quen tiết kiệm đã kéo dài 15 năm và theo tính toán của bà, số tiền trong tay đã lên tới gần 1,2 triệu NDT.
Hình minh họa
Thấy hôn lễ của con trai sắp đến gần, bà Kỷ vui mừng đến ngân hàng để rút tiền. Không ngờ, sau khi kiểm tra một lượt, nhân viên ngân hàng báo lại rằng:
"Cô à, trong tài khoản của cô có hơn 100.000 NDT, cô còn đứng tên bốn thẻ tín dụng, nợ ngân hàng một khoản nợ tích lũy đã quá hạn 130.000 NDT, cô cần phải nhanh chóng trả hết, nếu không cô sẽ bị đưa vào danh sách đen."
Bà Kỷ nghe mà tưởng lầm, hoang mang không hiểu gì hết. Số tiền mà bà đã làm việc chăm chỉ cả đời để dành dụm đã ở đâu? Nợ thẻ tín dụng là nợ gì?
Nhân viên ngân hàng mới hỏi, có phải con cái hoặc người thân rút tiền mà chưa nói với bà hay không?
Bà Kỷ nói luôn, mình chỉ rút tiền đúng hai lần, mỗi lần 5.000 NDT, tổng cộng là 10.000 NDT. Sổ tiết kiệm ngân hàng luôn do bà giữ, người nhà chưa bao giờ đụng đến.
Sau đó, thực sự không còn cách nào khác, bà Kỷ đã gọi điện cho con gái mình. Sau khi nghe sự việc, cô con gái nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề, không chút do dự, cô gọi thẳng cho cảnh sát, đồng thời đến ngân hàng với mẹ để tìm hiểu thêm sự việc.
Cô con gái yêu cầu nhân viên ngân hàng in sao kê chi tiết các biến động số dư tài khoản trong suốt nhiều năm qua để xem tiền đã đi đâu.
Hóa ra vào ngày 17 tháng 3 năm 2019, hai khoản tiền 100.000 NDT đã được chuyển từ tài khoản của bà Kỷ cho một công ty tên là Tư vấn Công nghệ Bangtai Quảng Châu. Một tuần sau, 400.000 NDT khác lại đã được chuyển cho một người họ Kang.
Bà Kỷ và con gái đều nói rằng họ không biết gì về công ty hay cá nhân này, bản thân họ cũng không thực hiện các giao dịch chuyển tiền như vậy. Rốt cuộc ai là người đã sử dụng tài khoản của bà Kỷ?
Sự thật hé lộ
Cảnh sát đã phát hiện một lỗ hổng trong toàn bộ sự việc. Họ yêu cầu nhân viên kiểm tra số điện thoại di động và địa chỉ nhà của bà Kỷ được lưu trong ngân hàng. Khi nhân viên trích xuất ra dữ liệu, bà Kỷ đã rất ngạc nhiên vì đó hoàn toàn không phải số điện thoại mà bà đang sử dụng.
Khi con gái nhắc nhở, bà thử tìm kiếm trong lịch sử trò chuyện thì phát hiện, số điện thoại này thực sự có trong danh bạ của bà. Người này không ai khác chính là Tiểu Đổng, một nhân viên ngân hàng từng hỗ trợ bà trong việc quản lý tài khoản.
Nhiều người lớn tuổi bị "rơi vào tầm ngắm" của những kẻ gian.
Bà như chợt tỉnh cơn mê và nhớ ra. Khi vừa tới ngân hàng, vì bà đã lớn tuổi, không quen thuộc với các thủ tục hành chính hiện đại, chính anh chàng Tiểu Đổng là người nhiệt tình giúp đỡ bà mọi lúc.
Sau nhiều lần làm việc, họ trở nên quen biết. Mỗi khi hết hạn gửi tiền, Tiểu Đổng lại chủ động gọi điện nhắc nhở bà Kỷ, cũng thường tư vấn cho bà rất tận tâm. Bà Kỷ coi đây là một chàng trai tốt bụng mà không bao giờ nghĩ rằng, đằng sau thiện chí là một âm mưu.
Tiểu Đổng từng yêu cầu bà Kỷ mở tài khoản trực tuyến, nói rằng để chuyển tiền thuận tiện hơn, nhưng bà Kỷ đã già và không biết sử dụng điện thoại di động thông minh.
Lợi dụng điều đó, Tiểu Đổng đã thao tác hộ bà. Trong lúc bà thiết lập mật khẩu ngân hàng trực tuyến, anh ta cố tình ghi nhớ. Khi đăng ký thông báo biến động số dư, anh còn bảo bà đừng đăng ký nhắc nhở SMS vì phí dịch vụ đắt.
Hóa ra, tất cả những điều này nhằm phục vụ quá trình đổi số điện thoại và âm thầm bòn rút tài khoản của bà.
Có lẽ những gì bà Kỷ trải qua chỉ là một trong vô số trường hợp bị lừa đảo mà nạn nhân là người lớn tuổi. Rất nhiều kẻ gian thường lợi dụng người già không đủ cảnh giác, một thân một mình, để trục lợi cá nhân, thậm chí khiến họ đánh mất cơ hội hưởng thụ tuổi hưu trí an nhàn.
Có lẽ trường hợp của bà Kỷ cũng như một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những người đang thiếu ý thức đề phòng, tự bảo vệ bản thân.
*Nguồn: 163
Cạm bẫy phía sau cái 'quẹt tay' chọn bạn tình trên Tinder: Nhiều nạn nhân biết bị lừa nhưng vẫn cố chấp sống trong ảo mộng tình yêuTags