Sau khi Indonesia có thể phải sử dụng một đội hình U23+ cho ASEAN Championship (AFF Cup) thì phía Thái Lan cũng cho biết khó đưa đội hình mạnh nhất của mình đến dự giải do vướng lịch thi đấu của Thai-League. Nghĩa là các đối thủ quan trọng nhất của đội tuyển Việt Nam đều có lý do để bào chữa nếu như không vô địch, trong khi đội bóng của HLV Kim Sang Sik thì ngược lại.
Không giống như Việt Nam, có thể dừng V-League để phục vụ cho chiến dịch quan trọng này của đội tuyển quốc gia, việc Indonesia và Thái Lan không thể triệu tập các cầu thủ tốt nhất là do AFF Cup không thuộc FIFA Days nên các CLB có quyền không "nhả" người. Nói thì nói vậy, chứ thực lực của 2 đội bóng trên đều rất mạnh, kể cả khi thiếu nhiều trụ cột. Thái Lan đã vô địch AFF Cup 2022 trong tình huống tương tự, là một ví dụ.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ cả 2 đội bóng nói trên đều sẽ thoải mái về tâm lý nếu chiến dịch của họ không suôn sẻ. Phần áp lực ấy, tự nhiên dồn hẳn sang đội tuyển Việt Nam. Đây là một hoàn cảnh bất ngờ, nhưng nói cho công bằng, cái áp lực đó lớn hay nhỏ, có một phần từ chính chúng ta. Trong số các ứng viên tại AFF Cup lần này, có lẽ chỉ Việt Nam là đội bóng bổ nhiệm HLV chủ yếu để vô địch giải đấu. Mặc dù hợp đồng của ông Kim Sang Sik còn bao gồm vòng loại Asian Cup và SEA Games vào năm sau, nhưng ai cũng biết, nếu không có thành tích tại AFF Cup 2024 thì ghế của ông rung lắc dữ dội.
Trong khi đó, thực tế cho thấy AFF Cup không có sự phát triển về vị thế. Sự thống trị của Thái Lan chỉ là một lẽ, phần lớn đến từ việc có quá ít trận đấu hấp dẫn do sự chênh lệch trình độ giữa 2 nhóm đội bóng trong khu vực Đông Nam Á. Từ đó dẫn đến giá trị bản quyền truyền hình của AFF Cup không cao, thậm chí có vài lần không thể bán bản quyền cho toàn bộ các quốc gia dự giải.
Bên cạnh đó, có sự thay đổi khách quan, đó là một số đội Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… đã tìm thấy những mục tiêu lớn hơn ở vòng loại World Cup và Asian Cup nên "lơ là" giải đấu khu vực. Ngoài ra, chu kỳ 2 năm/lần của AFF Cup thường trùng với các sự kiện lớn hơn, như trường hợp của Việt Nam năm 2021 hay Indonesia năm nay phải đá vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á. Nếu phải chọn lựa, thì đương nhiên AFF Cup chỉ nằm ở vị trí thứ 2.
Nói cách khác, Indonesia và Thái Lan không cảm thấy áp lực gì khi đưa đội hình yếu đến AFF Cup. Nghĩa là nếu như không vô địch, họ cũng không rơi vào bất kỳ một cuộc khủng khoảng nào.
Với bóng đá Việt Nam thì ngược lại. Dù là chủ quan hay khách quan, chúng ta vẫn đang (buộc) phải đặt mục tiêu SEA Games và AFF Cup vào trọng tâm của các kế hoạch mỗi năm. Đây là điều không hề thay đổi sau gần 3 thập niên qua. Ở góc độ nào đó, chúng ta đang "làm khó" chính mình.
Biết làm sao được. Khi cuộc phiêu lưu World Cup kết thúc quá nhanh, thì AFF Cup trở thành một mục tiêu khả dĩ để giữ cho con tàu bóng đá Việt Nam không đi chệch hướng. Vấn đề là hoàn cảnh tự dưng nhân đôi những áp lực lên đoàn quân của HLV Kim Sang Sik, đặc biệt là sau giai đoạn ra mắt vẫn chưa thực sự đúng kỳ vọng của nhà cầm quân người Hàn Quốc. Bây giờ, chúng ta chỉ còn một con đường: Phải vô địch!
Tags