Chuyển ngữ các tác phẩm văn học sang tiếng Việt chính là bắc cây cầu cho sự tiếp xúc, giao thoa về văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Nhưng như những gì được trình bày trong tọa đàm Câu chuyện dịch thuật - Hành trình giao thoa ngôn ngữ, đây là vấn đề không đơn giản.
1. Cuộc tọa đàm do CLB Tiếng Đức của Học viện Ngoại giao tổ chức ít ngày trước, với sự tham gia của khá nhiều chuyên gia ngôn ngữ và dịch thuật. Nó gắn với bối cảnh hiện nay, khi số lượng người học và đọc hiểu ngoại ngữ - mà phổ biến nhất là tiếng Anh - ngày càng tăng. Cùng với đó, phải kể tới sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), vốn đang dễ dàng giúp những bạn đọc với khả năng ngoại ngữ còn hạn chế có thể chuyển ngữ các văn bản được soạn thảo bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt một cách nhanh chóng.
Dẫu vậy, theo nhà thơ Hà Phạm Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ dịch, Hội Nhà văn Việt Nam, điều này vẫn là chưa đủ để thay thế những dịch giả có "thực tài".
Bởi lẽ, các văn bản được dịch bởi phần mềm trí tuệ nhân tạo là do máy tính thực hiện, nên giọng văn thô kệch, câu cú không trau chuốt, tác phẩm không chứa đựng những cảm xúc chân thật. Còn văn bản được dịch bởi con người, đặc biệt là người có tư duy văn chương sâu sắc, nhạy bén, không còn đơn thuần là sự chuyển ngữ khô khan, cứng nhắc, mà còn là sự sáng tạo trên nền tảng tiếng Việt. Văn học dịch cho phép những dịch giả trở thành người đồng sáng tạo cùng với tác giả. Cho nên, dịch giả bên cạnh việc dịch sao cho sát nghĩa, còn phải lồng ghép thật tinh tế vào tác phẩm những góc nhìn cá nhân.
Dưới góc nhìn của ông Phú, người Việt Nam có tính cộng đồng cao. Đơn cử, khi tìm được một thông tin mới mẻ, chúng ta thường muốn lan truyền nó cho nhiều người cùng biết. Những người dịch văn chương cũng có tâm lý như vậy. Khi tìm được một tập truyện, tập thơ hay, chứa đựng trong đó những triết lý, quan niệm thẩm mỹ độc đáo, họ có xu hướng muốn đưa tác phẩm ấy tiếp cận gần hơn với đông đảo bạn đọc.
Tuy nhiên, để có một bản dịch chất lượng, dịch giả không thể chỉ đọc hiểu ngoại ngữ mà cần biết cảm thụ tác phẩm, từ đó tiếp thu được tâm tư, tình cảm và nguồn năng lượng của người viết ẩn chứa trong đó, rồi tiếp tục tìm thấy sự cộng cảm giữa mình và tác giả trong bản dịch.
Đồng tình với quan điểm này, dịch giả Chu Thu Phương, nguyên Ủy viên Hội đồng Thơ dịch, Hội Nhà văn Việt Nam, cho hay, trước đây, độc giả có thể tạm chấp nhận được các bản dịch theo lối phỏng tác. Nhưng hiện nay, yêu cầu của độc giả đối với văn học dịch khắt khe hơn trước. Người đọc không chỉ có nhu cầu được thưởng thức cốt truyện hấp dẫn, nội dung lôi cuốn của một tác phẩm, mà còn mong muốn được khám phá cá tính riêng của người dịch - điều mà công cụ dịch thuật không có được.
2. Như lời khuyên dành được nhà thơ Hà Phạm Phú chia sẻ tại tọa đàm, các dịch giả trẻ trước hết cần trau dồi vốn kiến thức tiếng Việt của bản thân thông qua việc đọc nhiều - đặc biệt là những ca dao, thành ngữ, tục ngữ, hò vè dân gian… Bởi, khi có kiến thức phong phú và tình yêu với tiếng Việt, họ sẽ có khả năng dùng ngôn ngữ mẹ đẻ để truyền tải tất cả văn hóa của dân tộc khác
Đối với yêu cầu am hiểu ngoại ngữ, các ý kiến tại tọa đàm cũng khẳng định: Ngoài khả năng đọc hiểu và dịch được nhuần nhuyễn các văn bản, người dịch còn cần phải có những hiểu biết nhất định về văn hóa của quốc gia có tác phẩm được dịch. Bởi theo thời gian, khi đời sống văn hóa của một vùng miền, quốc gia cũng những thay đổi, ngôn ngữ sẽ biến đổi để trở nên phong phú hơn.
Điển hình, nhà thơ Hà Phạm Phú chia sẻ về quá trình dịch các tác phẩm văn học Trung Quốc của mình. Như lời ông, trong quá trình ấy, dịch giả có thể bắt gặp những từ lóng như như "trộm cơm nguội" - thực chất là để nói về một hành động lén lút, vụng trộm, hay "lái xe đêm" với ý chỉ làm việc quá sức,… Nếu không có kiến thức về văn hóa, rõ ràng khó để giải nghĩa các từ tiếng lóng này và khó để hiểu được tại sao người Trung Quốc lại sử dụng những từ như vậy.
Tương tự, như chia sẻ của dịch giả Chu Thu Phương, văn học là vẻ đẹp đại diện cho một vùng miền, một quốc gia nào đó được tạo tác bằng ngôn từ. Và để có thể truyền đạt được cho người khác thấy được cái hay, cái đẹp ấy, dịch giả phải tích lũy cho mình sự thông hiểu về văn hóa của các quốc gia khác.
Như thế, rõ ràng, bất chấp sự phát triển của công nghệ, con người - với vốn kiến thức về văn hóa dày dặn - mới là nhân tố quan trọng nhất để đưa người đọc đến cái đích đến cuối cùng: Bắc cây cầu cho hai nền văn hóa tiếp xúc và giao thoa cùng nhau.
Để không "lép vế" trước công nghệ
Các ý kiến tại cuộc tọa đàm nhắc tới điểm ưu việt của trí tuệ nhân tạo: Có thể lưu trữ được một lượng lớn từ vựng và tiếp tục cập nhật, bổ sung các từ mới. Vì thế, để không bị "lép vế" trước công nghệ, khi chuyển ngữ, dịch giả phải có sự trau dồi để biết tìm ra từ nào trong hàng ngàn, hàng vạn từ tiếng Việt biểu đạt đúng tinh thần nhất của nguyên tác, đồng thời tránh đến mức tối đa trường hợp lặp từ, lặp ý trong diễn đạt.
Tags