Ai lo cho đội tuyển quốc gia?

Thứ Hai, 27/09/2021 07:51 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mặt cỏ sân Mỹ Đình một lần nữa trở thành nỗi xấu hổ của bóng đá Việt Nam với bạn bè thế giới. Sau trận đấu với Australia, báo chí xứ sở chuột túi đã dùng từ "đám cỏ bò sữa" hay thậm chí là "chuồng bò" để nói về mặt sân quá tệ của Mỹ Đình, cho một trận đấu quốc tế tầm Vòng loại FIFA World Cup 2022. Và họ đâu có nói, hay viết quá!

AFC yêu cầu Việt Nam sửa gấp 3 hạng mục của sân Mỹ Đình

AFC yêu cầu Việt Nam sửa gấp 3 hạng mục của sân Mỹ Đình

Theo yêu cầu mới nhất từ AFC, sân Mỹ Đình sẽ phải sửa chữa lại nền đất sân, mặt cỏ và phòng chức năng nếu muốn tiếp tục đăng cai các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

AFC sau chuyến khảo sát tuy đồng ý cho VFF và Ban quản lý sân Mỹ Đình đồng ý tổ chức trận đấu, nhưng không quên nhắc nhở về việc cải tạo mặt sân và các phòng chức năng. Con đê vỡ, chính là bắt đầu từ cái tổ mối.

Theo ghi nhận - phản ánh của báo chí, hàng loạt các sai phạm từ năm 2009-2018 được chỉ ra, trong đó có việc đội giá vật tư tu sửa, cũng như việc kinh doanh các hạng mục đi kèm, gây thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Giai đoạn này, ông Cấn Văn Nghĩa làm Giám đốc Khu LHTTQ quốc gia Mỹ Đình.

Theo đó, dù mỗi năm sân Mỹ Đình và Khu LHTTQ quốc gia Mỹ Đình thu không dưới 50-70 tỷ đồng, nhưng khi Ban quản lý mới tiếp nhận vào năm 2020, thì trong két không còn một xu. Gần đây, ông PGĐ Trần Văn Chiên còn nói rằng - Đã phải giảm 50% lương của hơn 150 nhân viên từ tháng 8/2021, do đại dịch Covid-19 kéo dài và Trung tâm không có nguồn thu.

Tư duy nhiệm kỳ vốn đã trở thành căn bệnh trầm kha, với không chỉ ở địa hạt thể thao - bóng đá. Việc tận thu là điều rất thường thấy và khi có sự thay đổi hay điều chuyển công tác ở cấp quản lý, người kế nhiệm thường không được thừa hưởng bất cứ thứ gì, ngoài khoản âm. Trường hợp sân Mỹ Đình, theo lời ông Chiên, là như thế.

Người ta phải đặt câu hỏi, là tại sao và như thế nào, mặt cỏ một SVĐ quốc gia lại không được thay mới, mà chỉ duy tu, trong suốt hơn 10 năm?! Ở lần thay đầu, kể từ sau năm 2003, giá một mét vuông cỏ nhập từ Thái Lan đã được đội lên gấp nhiều lần, thì lợi nhuận ấy rơi vào túi của những ai?

Muốn có một sản phẩm bóng đá tử tế, yếu tố tiên quyết đầu tiên phải là chất lượng mặt cỏ sân thi đấu và sân tập, rồi mới tính đến con người. Thực ra, để thay mới toàn bộ mặt cỏ như ở Mỹ Đình, chỉ cần vài tỷ đồng. Hãy tham khảo Ban quản lý và nhà thầu sân Hàng Đẫy, Thống Nhất hay thậm chí Quy Nhơn, sẽ ra ngay con số.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, Việt Nam vs Trung Quốc, sân Mỹ Đình, lịch thi đấu vòng loại thứ ba World Cup, AFC, VFF, tu sửa sân Mỹ Đình, xếp hạng vòng loại thứ ba
Sân Mỹ Đình đang được khai thác theo tư duy nghiệp dư rất đáng chê trách.  
Ảnh: Hoàng Linh

Ông Phó giám đốc Chiên nói rằng, sân Mỹ Đình thường xuyên phải bù lỗ, khi cho VFF mướn đặng tổ chức các trận đấu của ĐTQG. Nào là tiền điện, tiền nước, tu bổ các phòng chức năng... Vân vân và mây mây. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, ngay cả việc bật đủ giàn đèn 4 giờ đồng hồ liên tục, cũng chỉ tốn đôi chục triệu tiền điện, không đáng kể.

Nhiều thời điểm, sân Mỹ Đình vẫn được thuê lại để tổ chức sự kiện âm nhạc, thậm chí phục vụ đánh golf và các tất nhiên, cả các trận bóng đá phủi. Bản thân người viết từng nhiều lần chơi các trận đấu phong trào ở đây rồi. Tiền thuê không hề rẻ, song liệu nó có được biên vào các khoản thu chi hay không, thì có trời mới biết.

Thanh tra, rồi điều tra thì sẽ ra ngay thôi, ai vi phạm (kể cả Ban quản lý cũ) sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng vấn đề hướng tới ở đây là, liệu tình hình có được cải thiện, để các ĐTQG được chăm sóc tốt hơn khi thi đấu tại Mỹ Đình và nền bóng đá cũng không phải mất mặt với bè bạn 5 châu thêm một lần nào nữa hay không? Hay là vẫn "cha chung không ai khóc?".

Thiên tai hay dịch họa nằm ngoài ý muốn của con người, và không ai mong đợi điều tồi tệ cả. Đại diện Khu LHTT quốc gia Mỹ Đình vin vào lý do này, mà nói ra câu, không có tiền để cải tạo mặt sân, thì thật chua chát. Mỹ Đình đã được khoán trắng tự thu/chi, tức là lời ăn lỗ chịu, song dường như chưa từng có một cuộc đấu thầu nào cả?!

Nó dẫn tới sự thiếu minh bạch và đó mới là căn nguyên của toàn bộ vấn đề. Đến ngay cả BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (lúc này là VPF) trong tương lai gần, cũng cần được mời thầu công khai, để tiến tới một giải đấu chất lượng hơn và chuyên nghiệp hơn, chứ như 10 năm qua thì không ổn. Và các ĐTQG cũng cần được chăm sóc tốt hơn, ít nhất về hình ảnh.

Những ngày này, HLV Park Hang Seo và các cầu thủ đang tập luyện tích cực cho các trận đấu quan trọng sắp tới với Trung Quốc và Oman, trước khi trở lại Mỹ Đình đón tiếp Nhật Bản. Nhưng bản hợp đồng gia hạn với HLV Park Hang Seo (sẽ kết thúc vào tháng 2/2022) lại chẳng ai đoái hoài tới. Khó thể bắt ông Park và cộng sự toàn tâm, toàn ý, mà không rung động.

Trong trường hợp Nhật Bản không chịu đá trên sân Mỹ Đình (11/11), nếu câu chuyện như ở trận đấu với Australia chưa có biến chuyển nào, thì sao? Họ hoàn toàn có quyền đòi hỏi một SVĐ đủ tiêu chuẩn, với thứ bóng đá đẳng cấp cao mà họ đang chơi, AFC lúc này cũng không thể bênh chúng ta được nữa. Và Việt Nam có thể bị tước quyền sân nhà, như hàng loạt các CLB ở V-League từng bị tước suất chơi các giải cấp châu lục, vì chưa đạt chuẩn vậy.

Thảm cỏ sân Mỹ Đình từng rất đẹp, hình ảnh các ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo cũng từng rất lung linh, sau bao chiến tích..., nhưng vẻ như giá trị sử dụng và nói thẳng ra là lợi dụng đã mai một đi nhiều, trong thời gian qua. Thắng thì ai cũng nhận phần, thua vài trận thì ngãng ra ngay.

Nói, cô đơn như thầy trò HLV Park Hang Seo vào lúc này, cũng là không quá lời.

CCKM

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›