(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng thì bóng đã lăn trở lại trên khắp các sân cỏ Việt Nam. Đây là một điều được tất cả cùng chờ đợi, từ người hâm mộ đến giới chuyên môn và dĩ nhiên cả báo giới thể thao vốn thời gian dài "thất nghiệp". Nhịp đập - hơi thở bóng đá trở lại, chúng ta lại có bao việc để làm. Mở hàng là các trận đấu Cúp quốc gia 2020...
Nam Định tiếp HAGL là một trong những cặp đấu rất đáng xem. Người ta chưa quên các đợt vỡ sân Thiên Trường (mùa giải năm ngoái) và Chùa Cuối (mùa 2002-2003). Đã có một em bé phải đưa đi cấp cứu, sau khi bỏ ngoài tai khuyến cáo của BTC sân về việc không dẫn theo trẻ nhỏ vào sân và việc vé giả xuất hiện, khiến các khán đài Thiên Trường bị quá tải.
Sẽ không có cảnh khán giả lấp kín 4 khán đài ở Thiên Trường vào chiều mai (23/5), với sức chứa 20.000 chỗ ngồi, theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, CLB Nam Định sẽ chỉ phát hành khoảng 50% số vé, tức khoảng 10.000 vé. Tất nhiên, BTC sân sẽ mất một khoản rất đáng kể. Nhưng, không thể khác được.
Cúp quốc gia từ nhiều năm qua vẫn bị chính các đội bóng xem nhẹ cả về chuyên môn, lẫn giá trị, nay dù được chờ đợi như màn trở lại sau nhiều tháng bị "đóng băng" vì dịch Covid-19, thì câu hỏi - Ai mặn mà đá Cúp? vẫn treo lơ lửng. Người trong cuộc cố gắng vun vén để kiện toàn hệ thống giải quốc gia, giúp nó không bị "khuyết tật", còn chất lượng các trận đấu và thái độ tiếp nhận trận đấu của các CLB, cũng như người hâm mộ chỉ được tính đến sau đó.
Cúp quốc gia thường đi trước mà về sau, so với V-League. Năm ngoái và cả năm kia, nhà tổ chức đã phải liên tục sửa đổi, dời lịch vì nhiều lý do khác nhau. Và mùa này cũng vậy, với căn nguyên từ dịch bệnh. Thể thức thi đấu mới của V-League đã được ban hành, đặng phù hợp với thực tế, nhưng tính rủi ro rất cao, trong đó không loại trừ "lợi ích nhóm", kho điểm và dồn điểm.
Kể ra, cứ như Cúp quốc gia, không tính sân nhà hay sân đối phương và lợi ích rất mông lung của giải đấu, có khi lại hợp nhất trong hoàn cảnh này. Đánh nhanh rút gọn, miễn sao "về đích an toàn" để dồn sức cho V-League, hay giải hạng Nhất đã cận kề.
Trong khoảng thời gian Covid-19 hoành hành và sân cỏ bị đóng băng, hệ thống các giải bóng đá quốc gia nói chung và giải chuyên nghiệp nói riêng, BTC đã phải "chạy có cờ". Những nhà tổ chức họp hành liên tục, xong chạy nhiều không phải lúc nào cũng ra chiến thuật. "Hoàn cảnh thực tế" là cụm từ nhà điều hành hay nhắc đến, khi cần điều chỉnh hay thay đổi, ứng biến với thời cuộc, nên không bắt buộc phải làm hài lòng tất cả. Gói tài trợ các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không cao và tiền thu từ bản quyền truyền hình vẫn là thứ xa xỉ. Nhưng thời gạo châu củi quế, người đông việc khó, có hơn không!
Một năm đầy biến động của bóng đá Việt Nam và vì thế, các danh hiệu - danh vị ở mùa giải này, cũng khó bảo lưu giá trị thuần túy về mặt chuyên môn. Trong đó, tất nhiên có cả Cúp quốc gia, với đội vô địch cũng chưa chắc mặc định suất chơi AFC Cup vào năm sau. Ai đủ điều kiện và cử đội nào bơi ra đấu trường châu lục, là việc của các nhà quản lý, thậm chí là của chính "nguyện vọng" các CLB.
Đâu xa, năm ngoái, CLB Hà Nội thâu tóm mọi danh hiệu quốc nội, nhưng Than Quảng Ninh và CLB TP.HCM mới là những đội được đá AFC Cup 2020.
Thế nên, nói đôi khi là đá cho vui, cũng không phải quá lời. Vui vì bóng lăn trở lại, nhưng vui đấy mà lo đấy, nhất là với với các đội bóng thuộc diện "con nhà nghèo", lại vừa trải qua đại dịch. Đá Cúp mà canh cánh nỗi lo trụ hạng...
Tùy Phong
Tags