Những thay đổi trong hoạt động tuyển dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đem đến cơ hội cải thiện quá trình tuyển dụng cho cả các công ty và ứng viên.
Các nhà tuyển dụng thường dành nhiều thời gian cho việc tìm kiếm các ứng viên lý tưởng. Việc sàng lọc các hồ sơ để để xác định người phù hợp cho một vị trí công việc là một công đoạn tốn thời gian và nhàm chán. Bên cạnh đó, việc viết các mô tả công việc vừa thu hút sự quan tâm của ứng viên vừa tuân thủ các quy định và nhiều yêu cầu khác cũng đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ năng. Ngoài ra, những người đi tìm việc cũng thường phàn nàn về quá trình tuyển dụng kéo dài quá lâu.
Trước những vấn đề này, việc tận dụng AI để tìm kiếm các ứng viên phù hợp nhất chắc chắn sẽ nâng cao trải nghiệm của tất cả các bên tham gia vào quá trình tuyển dụng. Nhưng công nghệ tiên tiến nào cũng thường đi kèm với những nguy cơ tiềm ẩn.
Các chuyên gia cảnh báo rằng dù ứng dụng AI vào quá trình tuyển dụng có thể giải quyết nhiều vấn đề nhất định, nhưng cũng không nên trông chờ AI sẽ làm một cuộc “cách mạng” hoàn toàn với cách thức công ty tuyển nhân viên mới. Theo báo cáo về tuyển dụng năm 2023 của Criteria, một công ty về phần mềm và nhân sự, hiện chỉ có 12% các chuyên gia tuyển dụng nhân sự sử dụng AI trong quá trình tuyển dụng và quản lý nhân sự.
Báo cáo của Criteria cho biết AI hiện đang được ứng dụng trong quá trình tuyển dụng để viết mô tả công việc, tìm kiếm ứng viên, thực hiện các bản đánh giá, theo dõi ứng viên mới, giao tiếp với ứng viên và đào tạo nhân viên mới. Các công cụ như ChatGPT của OpenAI, Bard của Google, các phần mềm chatbot tuyển dụng và các giải pháp phù hợp sẽ góp phần hỗ trợ công đoạn này.
Trong khi các tổ chức đang chờ đợi sự mở rộng của các quy định pháp lý, Trung tâm tự điều chỉnh ngành (CISR), một tổ chức phi lợi nhuận thuộc BBB National Programs, đã thiết lập một bộ các quy tắc và giao thức để đảm bảo công nghệ AI hoạt động một cách đáng tin cậy trong quá trình tuyển dụng. BBB National Program là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, giám sát nhiều chương trình tự điều chỉnh ngành quốc gia, cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp và trách nhiệm của bên thứ ba cho các công ty, cố vấn bên ngoài và nội bộ, người tiêu dùng và những đối tượng khác trong nhiều lĩnh vực.
Ông Eric Reicin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BBB National Programs, cho biết: “Khi các công cụ AI được thiết kế, triển khai và giám sát đúng cách, công nghệ này có thể giảm thiểu tình trạng phân biệt đối xử, thiếu công bằng trên diện rộng”. Khi được áp dụng với các công ty như Amazon, Unilever, Koch Industries, và Microsoft, các nguyên tắc này đã giải quyết được vấn đề minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử, và nhiều vấn đề khác khi ứng dụng AI trong tuyển dụng.
Dù sự phát triển của hoạt động tuyển dụng dự trên công nghệ AI là một cơ hội lớn để cải thiện trải nghiệm cho cả các nhà tuyển dụng và người tìm việc, nhưng điều tối quan trọng là các tiêu chuẩn về đạo đức và pháp lý phải được duy trì trong suốt quá trình này.
Tags