(Thethaovanhoa.vn) - 1. Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tuyên bố “treo thưởng” từ 1- 50 triệu cho ai cung cấp tin về thực phẩm bẩn khiến dư luận xôn xao. 50 triệu đồng được coi là một trong những con số kỷ lục mà các lực lượng chức năng treo thưởng cho nguồn tin.
Hiển nhiên, 50 triệu đồng cũng là con số dư luận đang mổ xẻ. Nguồn tin như thề nào mới đáng 50 triệu đồng? Ở bất cứ đâu trên dải đất này báo có thực phẩm bẩn là sẽ được thưởng tiền liệu ngân sách có đủ để chi trả khi nhìn đâu cũng thấy bẩn? Tin báo đúng được thưởng tiền vậy báo sai có bị... phạt tiền hay trừng trị nặng hơn không?
Chuỗi hồ nghi dài quanh phát ngôn thể hiện nỗ lực của Bộ NN&PTNT. Như mọi khi, cộng đồng mạng luôn “lo xa”, luôn phủ nhận mọi sự cố gắng đổi thay từ khi nó mới ở trong trứng nước, luôn than vãn hiện trạng song luôn phản ứng gay gắt trước bất cứ đề xuất giải quyết nào...
2. Câu hỏi đặt ra, sao cộng đồng mạng (vốn quen bàn những chuyện mang tầm... vũ trụ) lại “phát sốt” vì những vấn đề tưởng chừng “bếp núc” đến thế? Vì, đằng sau cộng đồng ảo ấy là những con người thật. Và đương nhiên, phàm đã là con người thì ai cũng phải ăn. Và nỗi hồ nghi của cộng đồng mạng nghe chừng thiếu xây dựng song có thể thông cảm được.
Chúng ta đã qua thời ăn cho no để đến thời ăn cho ngon. Nay, ta qua thời ăn lấy ngon tới thời ăn lấy sạch. Sạch phải lên hàng đầu. Sạch là điều kiện tiên quyết của bất cứ bà nội chợ cũng như gã ẩm sĩ hay la cà hàng quán nào.
Nghịch lý ở chỗ, chúng ta luôn tìm thực phẩm sạch nhưng nhìn đâu cũng thấy đồ bẩn. Từ gánh hàng rong tới nỗi hồ nghi siêu thị; từ bữa cơm gia đình tới những bữa tiệc ở các nhà hàng sang trọng; từ câu chuyện vỉa hè về quán phở ven đường tới các bài phóng sự về thực phẩm bẩn... “Khuất mắt trông coi” là thần chú phổ thông mỗi khi ăn vì con người không còn niềm tin vào hậu trường chế biến thực phẩm, hậu trường chăn nuôi, hậu trường nhập khẩu thực phẩm...
Hay nói như Lưu Quang Vũ trong vở kịch “Ông không phải bố tôi”: “Chúng ta đã sống qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, để rồi bước sang thời... đồ đểu”. Các món đồ đểu đều đáng sợ nhưng thực phẩm “đểu” là đáng sợ nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người, làm suy kiệt giống nòi dân tộc. Đáng buồn, thứ đồ đểu này nảy nở, sinh sôi và trở thành nỗi ám ảnh của toàn xã hội.
Theo số liệu thống kê, vấn đề an toàn thực phẩm năm 2015 không mấy cải thiện so với năm 2014. Thậm chí, vấn nạn trở nên ngày một nhức nhối. Cụ thể, theo số liệu năm 2015 vừa công bố, 16% mẫu thịt phát hiện có samonella, 10,3% mẫu rau có dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Những con số biết nói kể trên khiến con số 50 triệu đồng trấn an của Bộ NN&PTNN không đủ “sức nặng” để lấy lại lòng tin người dân nếu như chưa có những kết quả cụ thể để tận diệt thứ “đồ đểu” nguy hại này khỏi xã hội...
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Tags