(Thethaovanhoa.vn) - Đúng như dự tính, FLC Thanh Hoá đã lại có thêm 3 điểm trước SLNA để tiếp tục duy trì cuộc đua với đội đầu bảng B.Bình Dương, khi khoảng cách giữa 2 đội lúc này chỉ là 1 điểm.
Người ta không bất ngờ vì xứ Thanh thắng xứ Nghệ, trong trận derby Khu IV (cũ), mà bất ngờ bởi cái cách mà SLNA thua trận. Nó cũng hệt như lần thúc thủ trước S.Khánh Hoà BVN trước đó.
Không phủ nhận FLC Thanh Hoá đã có một trận đấu tốt, nhưng SLNA không đáng thua, nếu họ tiết chế được những sai lầm có thể nói là cố hữu nơi hàng phòng ngự.
Đầu tiên là Mạnh Hùng (lại là Mạnh Hùng), với việc phán đoán sau điểm rơi của trái bóng, để Đình Tùng thoát xuống và ra chân rất nhanh, khi trận đấu chưa qua phút thứ 10. Và cũng chính Mạnh Hùng đã nhận thẻ vàng thứ 2 trong một tình huống không đáng có ở phút 57, buộc SLNA phải thi đấu trong thế 10 chống 11.
Ở bàn thua thứ 2 về cuối trận, toàn bộ hàng phòng ngự SLNA đứng làm khán giả để Pape Omar thoải mái lắc đầu trong thế không bị kèm, ấn định chiến thắng 2-1.
Tại sao phải nhắc cái tên Phạm Mạnh Hùng, đương kim tuyển thủ QG? Khi SLNA gặp S.Khánh Hoà BVN ở vòng 18, cũng chính sai lầm trong phán đoán của Mạnh Hùng đã khiến SLNA thất bại ngay tại chảo lửa Vinh.
Ở tình huống đó, Mạnh Hùng, trung vệ cao gần 1m80, đã để Quốc Chí, một cầu thủ chỉ cao hơn 1m60 như Đình Tùng của FLC Thanh Hoá, chớp bóng trên đầu, thoát xuống và ghi bàn.
2 bàn thua ở 2 trận đấu liên tiếp đến theo cùng một kịch bản và sai số ở cùng một vị trí trung vệ thòng Mạnh Hùng khiến người xem không thể không đặt câu hỏi.
Trên thực tế, những rạn nứt của SLNA đã bắt đầu từ trận hoà đội chót bảng Đồng Nai 1-1 tại Biên Hoà (vòng 16). Giới thạo tin cho rằng, đội bóng xứ Nghệ đã phung phí chiến thắng chứ không phải Đồng Nai mạnh tới mức cầm hòa được SLNA.
Ở Đồng Nai khi ấy, SLNA đã sớm có bàn vượt lên dẫn trước ngay những phút đầu hiệp 1, nhưng lại bất ngờ chùng xuống và để Đồng Nai gỡ hoà trong hiệp 2.
Thắng thua trong bóng đá là chuyện bình thường, nhưng quả thật rất khó giải thích cho chuỗi trận đấu thất thường của SLNA thời gian qua, với các bàn thua chủ yếu bắt đầu từ sai lầm cá nhân đến tập thể.
Tất cả đều biết, SLNA là đội bóng sở hữu lực lượng CĐV đông số 1 cả nước. Phải nói là CĐV chứ không đơn thuần chỉ là người hâm mộ, khi chúng ta được chứng kiến các màn cổ vũ trên khán đài.
CĐV chính là tài sản quý giá nhất với một đội bóng, nhưng bao năm qua, SLNA dường như lại không biết cách khai thác hết nguồn nội lực này. Sẽ phải đặt thêm câu hỏi với những người làm bóng đá ở đây.
Và khi họ không thể khai thác tối ưu, biến đội bóng thành tình yêu vĩnh cửu với các CĐV ruột của mình, liệu nhà tài trợ có hài lòng?
Sẽ không loại trừ sẽ có một cuộc tháo chạy khỏi thành Vinh vào cuối mùa. Nhưng nếu xảy ra cũng chẳng phải là điều lạ lẫm, khi xứ Nghệ vẫn thường chứng kiến cảnh tượng như thế từ nhiều năm nay. Chỉ lo là một số cầu thủ đang tranh thủ!
Thời bóng đá bao cấp, xứ Nghệ vẫn văng vẳng câu vè rằng: “Hoan hô đội bóng tỉnh ta/Đi làm kinh tế ở xa mới về”. Một nỗi lo sợ, ám ảnh...
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Tags