Dù cập nhật tin tức là hành động không thể thiếu, nhưng suốt ngày kè kè điện thoại bên cạnh không phải là một thói quen tốt.
Đối với đại đa số người từ trẻ đến độ tuổi trung niên, điện thoại di động gần như là vật bất ly thân luôn phải mang bên mình. Không chỉ để nghe gọi, lưu trữ dữ liệu, hình ảnh, đây còn là phương tiện giúp cập nhật tin tức xã hội và những người xung quanh một cách nhanh nhất. Vậy nên nếu phải xa điện thoại một lúc, nhiều người không tránh khỏi hoang mang, lo lắng sẽ trở thành người tối cổ vì bị lỡ "cái gì đó quan trọng".
Ám ảnh với "nỗi sợ bị bỏ lỡ"
Tâm lý trên được gọi với cái tên "Nỗi sợ bị bỏ lỡ" - hay FOMO (Fear Of Missing Out), là hội chứng mà bất cứ ai cũng từng trải qua. FOMO khiến mọi người lo lắng mình bị lỡ cơ hội hay những điều thú vị mà người khác đang được trải nghiệm. Tâm lý này không chỉ thôi thúc họ không ngừng cập nhật tin tức trên mạng xã hội, hoạt động của bạn bè để xem mọi người đang làm gì, có gì "hot" không mà thậm chí còn làm nảy sinh lòng đố kỵ khi những người xung quanh có được thứ mà mình không có.
FOMO không chỉ diễn ra ở trên mạng xã hội mà còn bao trùm lên cuộc sống. Đó là cảm giác sợ bạn bè, đồng nghiệp thân thiết với nhau hơn là với mình, là không thể tập trung học hành, đọc sách hay xem phim vì sơ hở là cầm điện thoại check thông báo. Hoặc khi thấy những quán ăn ngon mọi người thi nhau đến, món đồ đẹp ai cũng mua thì mình cũng phải thử cho bằng được để kịp thời bắt trend.
Nói cách khác, "nỗi sợ bị bỏ lỡ" khiến mọi người luôn cảm thấy bồn chồn, tâm không "tĩnh", dành hàng giờ để lướt điện thoại trong vô vị, sẵn sàng bất chấp chạy theo xu hướng đám đông dù không cần thiết, chọn đi soi mói người khác thay vì tập trung cải thiện cuộc sống và tâm hồn của mình.
Không có điện thoại thì thành người tối cổ
Cùng chung tâm lý bị FOMO, Lan Anh (sinh năm 1999) - một độc giả chia sẻ: "Dù biết là không tốt nhưng mình gần như không thể rời xa điện thoại. Lúc mới ngủ dậy, trong giờ làm, khi ăn hay trước khi đi ngủ, mình đều quen tay lướt mạng xã hội trong vô thức. Từ Facebook qua Instagram rồi TikTok, mình dành nhiều thời gian trong ngày để xem từng bài đăng của người quen đến người lạ, ai đăng story là gần như mình check liền".
Còn Tiến Đạt (sinh năm 2002) cho hay: "Lướt Facebook là gần như biết được mọi chuyện lớn nhỏ đang diễn ra trên đời. Nhiều trường hợp lỡ không được cầm điện thoại thì khó chịu lắm, cảm giác như ai đó sẽ nhắn tin cho mình, có thông báo, tin tức mới, không kịp cập nhật thì thành người tối cổ mất".
Đây là thực tế thường thấy ở nhiều bạn trẻ, vậy nên không khó để bắt gặp hình ảnh những người đi đường, dừng đèn đỏ, nấu ăn, làm việc... nhưng vẫn luôn dán mắt vào điện thoại. Họ chỉ lặp đi lặp lại những thao quen thuộc là "F5" mạng xã hội, vô thức lướt hết bài viết này đến bài viết khác để chờ đợi trạng thái, thông báo mới. Nhiều người không thể rời xa điện thoại nửa bước, luôn trong tâm thế sẵn sàng hóng drama bất cứ khi nào, ở đâu.
"Lạc hậu" vẫn vui mà
"Nỗi sợ bị bỏ lỡ" gây nhiều ảnh hưởng khiến chất lượng cuộc sống giảm. Những ai bị FOMO sẽ khó tập trung vào công việc vì thói quen liên tục kiểm tra điện thoại, hoặc mua những món đồ không cần thiết, hay có nhiều mối quan hệ không quan trọng vì quá tập trung vào việc mở rộng vòng bạn bè thay vì phát triển những mối quan hệ thân thiết, chất lượng.
Thực tế, FOMO xuất phát từ tâm lý lo lắng không được trải nghiệm những thứ người khác có, chẳng cần biết mình có thích hay cần không. Đặc biệt, đối với người trẻ, hành động liên tục lướt mạng xã hội, dung nạp những thông tin không có giá trị cho cuộc sống của mình chính là một thói quen không tốt, vừa mất thời gian vừa khiến bản thân thiếu đi sự hấp dẫn, thú vị. Trong khi người khác thoải mái tận hưởng và chia sẻ lên mạng xã hội thì họ lại chỉ có thể ngồi xem cuộc sống của người khác và quên đi chính mình.
Vậy nên để thoát khỏi hội chứng FOMO, điều đầu tiên nên làm là thành thật với bản thân, thừa nhận mình đang "lo chuyện bao đồng", mang trong mình những cảm xúc không đáng có. Rồi sau đó, thay vì bất an, hóng chờ chuyện của người dưng thì hãy thử hạn chế sử dụng điện thoại để trải nghiệm cảm giác "lạc hậu" và tập trung vào bản thân.
Hãy nhớ rằng thay vì mải theo dõi người khác, bạn có thể tự tạo ra những trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc cho riêng mình, lắng nghe và tận hưởng cuộc sống của mình.
Để giảm tâm lý FOMO cũng như "cách ly" điện thoại di động và mạng xã hội, bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây:
1. Xác định ưu tiên: Biết đâu là hoạt động quan trọng và thực sự cần thiết trong cuộc sống của bạn để sau đó tập trung hơn vào chúng, tránh bị phân tán tư tưởng bởi thông tin không cần thiết trên mạng xã hội.
2. Đặt giới hạn thời gian: Thiết lập thời gian cụ thể cho việc sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội, thay vào đó là đọc thêm sách, nói chuyện nhiều hơn với người thân, bạn bè.
3. Tắt thông báo: Tắt hoặc giảm thiểu thông báo trên điện thoại di động, đặc biệt là từ các ứng dụng mạng xã hội để tránh bị xao nhãng và giữ tập trung tốt hơn.
4. Tìm hiểu về ý nghĩa thực sự của FOMO: Hiểu rõ rằng không phải thông tin nào cũng quan trọng.
5. Sử dụng mạng xã hội một cách tích cực: Theo dõi những người và nội dung lành mạnh, có giá trị để tăng cường trải nghiệm và kiến thức của bạn.
6. Dành nhiều thời gian hơn cho chính mình: Tự thư giãn và lắng nghe chính mình.
Tags