(Thethaovanhoa.vn) - Một mùa xuân mới lại về. Hòa chung niềm vui thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, không khí Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang rộn ràng khắp nơi. Khi nhà nhà, người người cùng đón xuân sang với những lời chúc may mắn, bình yên thì các chiến sĩ đang công tác tại những vùng biển, đảo vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Với họ, những tình cảm, sự quan tâm chia sẻ từ hậu phương, gia đình, vợ, con ở quê nhà luôn là nguồn động viên lớn lao.
Tết Tân Sửu dường như đến sớm hơn với gia đình cô giáo Hoàng Thị Bích Tuyền (Trường Trung học cơ sở Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) khi năm nay, chồng cô là Thiếu tá Trần Văn Quân đã được về đón Tết với mẹ con cô. Là Trợ lý ban Phòng không, Phòng tham mưu Bộ Tư lệnh Vùng 5 - Phú Quốc (Kiên Giang), anh Trần Văn Quân đã có thâm niên đi đảo từ năm 2007. Suốt 14 năm qua, có đến 6 cái Tết anh vắng nhà.
Vừa chải đầu cho cô con gái 13 tuổi, cô Tuyền vừa tâm sự: “Hồi mới lấy nhau, mỗi lần Tết đến, tôi lại thấp thỏm, trông đợi, mong ngóng anh ấy về đúng dịp Tết. Những năm đầu anh vắng nhà, tôi cũng tủi thân lắm, sau dần quen vì càng ngày càng hiểu hơn về công việc của chồng”.
- Lời chúc Tết Nguyên đán 2021 hay và ý nghĩa nhắn gửi người thân bạn bè
- Văn khấn Tân niên mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
- Tết Tân Sửu 2021 chọn tuổi xông đất phù hợp với chủ nhà
Miệng nói quen, nhưng đôi mắt cô Tuyền lại rưng rưng khi nhớ về những ngày tháng các con còn nhỏ. Cả quãng thời gian mang thai và sinh hai con, anh Quân đều đang ở ngoài đảo. Những chuyến công tác dài ngày đã khiến anh không kịp về đón con chào đời. Mãi đến khi con biết đi thì mới biết mặt bố. May mắn, cô Tuyền được sự hỗ trợ từ hai bên gia đình, cùng với nỗ lực của bản thân để chồng mình yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng.
Có chồng là anh Chu Văn Thanh, chiến sĩ hải quân công tác 20 năm ngoài biển đảo, cô giáo Lê Thị Ngà, Trường Trung học cơ sở Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn xác định, là vợ lính thì phải luôn mạnh mẽ và can đảm. Cô tâm sự: “Là phụ nữ, ai cũng muốn được gần chồng, có chồng bên cạnh, nhất là khi trái gió trở trời. Con trai tôi cũng luôn ao ước, bao giờ bố mới nghỉ hưu. Những lúc ấy, dù mạnh mẽ thế nào cũng khó tránh khỏi chạnh lòng”.
Cô Ngà bảo, cô không thể quên cảm giác khi chuẩn bị sinh con thì chồng thực hiện nhiệm vụ, đi công tác xa một thời gian dài - một chuyến đi không phải muốn về là được về. Ngày anh đi, mắt hai vợ chồng đỏ hoe, cô không nói được câu gì vì sợ sẽ bật khóc.
“Đến cả tháng trời, tôi không giấu nổi cảm xúc mỗi khi có ai đó hỏi thăm. Sinh con rồi nuôi con nhỏ, tôi đếm từng ngày, từng ngày con lớn lên. Đó cũng là từng ngày tôi đếm đợi anh về. Ông bà nội, ngoại lại ở xa nên mỗi khi con ốm, đau, tôi lại một mình lo toan, sắp xếp công việc vẹn toàn. Lần ấy anh đi tận 2 năm, về nhà được ít ngày lại nhận nhiệm vụ mới”, cô Ngà kể lại.
Mắt cô Ngà chợt bừng sáng khi kể về những chuyến hai mẹ con vào thăm bố. Niềm vui của hai mẹ con là sự chờ đợi những chuyến anh Thanh về phép và những cuộc điện thoại vào ngày nghỉ.
“Sự chờ đợi để gặp nhau trôi rất nhanh nhưng sự chờ đợi mỗi lần chồng đi công tác đặc biệt thì thật khó tả. Anh đi đột xuất, lênh đênh trên biển, tôi như ngồi trên đống lửa. Chỉ đến khi nhận được điện thoại của anh, tôi mới thấy nhẹ nhõm trong lòng”, cô Ngà chia sẻ.
Vất vả là vậy, khó khăn là vậy, nhưng những cô giáo của ngành giáo dục Thủ đô hàng năm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cô đã thay chồng chăm sóc cha mẹ già và các con nhỏ, không những quán xuyến, đảm đang công việc gia đình, các cô còn đạt được nhiều thành tích trong công tác. Nhiều cô giáo cho biết luôn tự hào khi chồng mình đang làm nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ biển, đảo của đất nước. Niềm tự hào ấy đã được các cô ngày ngày truyền cho các thế hệ học sinh để các em thêm yêu quê hương, đất nước.
Từ nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành tổ chức những cuộc gặp mặt, tặng quà các nhà giáo là vợ, các học sinh là con chiến sĩ đang công tác ngoài biển, đảo. Đây là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa lớn lao, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, kịp thời động viên gia đình của chiến sĩ để các anh yên tâm công tác.
Bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội chia sẻ, bên cạnh việc quan tâm đến giáo viên và học sinh diện chính sách, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn có các hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành đã hỗ trợ 338 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 170 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.
Với những tình cảm và việc làm trách nhiệm, sự quan tâm chu đáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội, chắc hẳn những người chồng, người cha đang đón Tết ở nơi biển đảo xa xôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp từ quê nhà, nơi những người thân yêu của họ đang tràn đầy niềm tin, niềm tự hào thiêng liêng.
Nguyễn Cúc - TTXVN
Tags