Như báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã đưa tin, vừa qua, bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân (1930 - 2018) được UNESCO ghi danh là Di sản Tư liệu thế giới với hơn 700 tác phẩm âm nhạc được sáng tác trong gần 60 năm (1951 - 2010).
Di sản của Hoàng Vân đa dạng về chất liệu, phong phú về hình thức và thể loại âm nhạc, đặc biệt là luôn phản ánh sự biến chuyển của đất nước và gắn với đời sống tinh thần của nhân dân ta qua nhiều thời kỳ.
Người nhạc sĩ, chiến sĩ, người thầy
Tôi may mắn được đồng hành cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong nhiều sự kiện, cuộc họp và gặp gỡ nhiều nhạc sĩ nổi tiếng mà tôi vô cùng yêu quý như nhạc sĩ Huy Du, Văn Ký, Trần Hoàn, Trọng Bằng, Văn Dung, Doãn Nho, Quang Thọ, Đỗ Hồng Quân, An Thuyên, Đức Trịnh... Trong đó, cuộc gặp với nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại trong tôi bao cảm xúc.

Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930 - 2018)
Ông thân thiện, tinh tế, ôn hòa, dễ gần, kiệm lời, nhưng nói chuyện rất có duyên. Bức ảnh chụp lưu niệm với nhạc sĩ tại lễ tưởng niệm 10 năm nhạc sĩ Trần Hoàn viễn du miền mây trắng tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp đẽ...
Nhạc sĩ Hoàng Vân họ Lê: Lê Văn Ngọ, sinh ngày 24/7/1930 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức nho học, thừa hưởng truyền thống hiếu học từ gia đình có ông nội và cha đều là nhà nho, tư chất, năng khiếu nghệ thuật được bộc lộ từ sớm. Chất Hà Thành trong ông bám bện vẻ lịch lãm, tinh tế.

Tác giả bài viết chụp ảnh với nhạc sĩ Hoàng Vân (trái) nhân dịp Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trần Hoàn, năm 2013
Ngoài bút danh Hoàng Vân gắn với trọn sự nghiệp, ông còn có bút danh Y - Na gắn với tình riêng: Y là Yêu, Na là Ngọc Anh. Y - Na là "Yêu Ngọc Anh" (Ngọc Anh là tên người bạn đời của ông). Bút danh Y - Na được ông sử dụng trong nhiều ca khúc như Tiếng cồng giải phóng - Tiếng cồng chiến thắng, Trên đường tiếp vận...
Sớm đến với cách mạng, năm 1946, cậu thanh niên Hà Nội bước vào tuổi 16, tình nguyện tham gia Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế. Ông đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, từng phụ trách văn nghệ Sư đoàn 312.
Cơ duyên âm nhạc bắt đầu từ ca khúc Hò kéo pháo đã làm nên bước ngoặt trong cuộc đời khi ông được Tổng cục Chính trị cử đi học tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau 6 năm học, về nước, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, kiêm chỉ đạo nghệ thuật.

Bìa tác phẩm “Guồng nước quay” của Hoàng Vân
Ngoài công tác ở đài, ông tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Sự nghiệp giáo dục đã giúp ông đào tạo được nhiều học trò giỏi, như: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang... Năm 1975, ông đi thực tập tại Nhạc viện Sofia (Bulgaria). Từ 1963 đến 1989, ông là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam; làm Trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác ở hội cho đến năm 1996.
Gia tài âm nhạc gắn với lịch sử, văn hóa đất nước
Hoàng Vân là một tên tuổi hàng đầu trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, với hơn 700 tác phẩm, sáng tác bền bỉ trong gần 60 năm (1951 - 2010), gồm ca khúc, hợp xướng, hòa tấu, khí nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, nhạc phim, nhạc kịch...
Nhìn vào gia tài âm nhạc của ông, điều dễ nhận thấy là mối quan hệ gắn bó đặc biệt với lịch sử, văn hóa và xã hội của đất nước qua các thời kỳ. Sáng tác của ông chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn chiến tranh vệ quốc giành độc lập và thống nhất tổ quốc (1951 - 1975); giai đoạn đất nước hòa bình (1975 - 1990) và giai đoạn những năm cuối đời của ông (1990 - 2010).

Tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, từ năm 1951, Hoàng Vân đã viết một số ca khúc như Chiến thắng Tây Bắc, Chiến thắng Hòa Bình, Tin chiến thắng... nhưng phải đến ca khúc Hò kéo pháo (1954) với sức lan tỏa mạnh mẽ từ chiến dịch Điện Biên Phủ, lại đoạt giải nhất tại Đại hội Liên hoan toàn quân (1954) mới đưa tên tuổi ông đến gần với công chúng và ghi danh ông vào lịch sử nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Khi sáng tác Hò kéo pháo, Hoàng Vân là chính trị viên, sự hiểu biết về âm nhạc còn ít ỏi, mới chỉ là những kiến thức cơ bản học ở trường phổ thông. Nhưng nghe câu chuyện xúc động về liệt sĩ Nguyễn Văn Chức, Tô Vĩnh Diện "chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm" (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu) khiến người chiến sĩ Điện Biên trăn trở, day dứt không yên. Thấm đẫm nền văn hóa dân tộc, ông đã ngẫm ngợi, tìm cách sáng tạo ca khúc dựa trên nhịp điệu hò quen thuộc gắn với hoạt động kéo pháo của các chiến sĩ Điện Biên "Hò lơ, hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đi hò lờ...".

Đêm đó trời lạnh giá, ông đau đáu, ngẫm ngợi và viết xong khúc đầu mang âm hưởng hùng tráng, có sức mạnh động viên quân dân ta rất lớn: "Hò dô ta nào/ Kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào/ Kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù...". Tỉnh giấc, bật dậy lúc 3 giờ sáng, bỗng tiếng gà eo óc gợi cho ông niềm xúc động đặc biệt. Tiếng gà ấy đã đi vào ca khúc một cách tự nhiên: "Gà rừng gáy trên nương rồi/ Dấn bước ta đi lên nào/ Kéo pháo ta qua đèo trước khi trời hửng sáng".
Nhạc sĩ quan tâm tìm chất liệu cuộc sống qua các cuộc thực tế sáng tác. Ông nắm bắt vấn đề rất nhanh, tìm ra chất liệu "vàng ròng" để có những ca khúc phong phú về đề tài. Định hình một phong cách, ca khúc của ông vừa mang âm hưởng sử thi hào hùng, hào sảng, vừa tha thiết, thấm đượm chất trữ tình. Các ca khúc về ngành nghề của ông đi vào đời sống, lâu bền qua năm tháng như Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân, Tôi là người thợ lò, Tình ca người thợ mỏ, Bài ca giao thông vận tải, Bài ca người thủy thủ, Bài ca người chiến sĩ áo trắng, Hát về cây lúa hôm nay, Guồng nước quay, Trên đường tiếp vận (bút danh Y - Na), Tình yêu của đất và nước...

Tác phẩm “Tôi là người thợ lò”
Hoàng Vân sáng tác nhiều ca khúc tình ca đẹp nhất, mang dấu ấn từng địa phương, trở thành bài hát truyền thống đi cùng năm tháng như Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Tình yêu Hà Nội, Bài ca người đánh cá Quảng Ninh, Quảng Bình quê ta ơi, Từ Quảng Bình hát về Quảng Trị, Bài ca Vĩnh Linh, Bài thơ gửi Thái Nguyên (lời Lê Nguyên), Tình ca Tây Nguyên, Nổi trống lên rừng núi ơi, Tình ca Vũng Tàu... trong đó nổi tiếng nhất là bài hát Quảng Bình quê ta ơi.
Mang không khí thời đại, nhiều ca khúc của ông mang tính sử thi hoành tráng về dân tộc, đất nước, con người... Có thể kể đến các ca khúc Người chiến sĩ ấy, Chào anh giải phóng quân - Chào mùa Xuân đại thắng, Việt Nam muôn năm, Hai chị em, Không cho chúng nó thoát, Nghe anh thương binh hát...
Giai điệu Người chiến sĩ ấy (1969) chậm rãi, ngợi ca hình tượng anh bộ đội, người chiến sĩ cách mạng: "Người chiến sĩ ấy/ Ai đã gặp anh/ Không thể nào quên/ Không thể nào quên/ Bao nhiêu năm trường trên đường cách mạng/ Anh vẫn đi đi mãi không ngừng/ Như cánh chim trời không biết mỏi/ Mỗi bước đi biết mấy gian nan...".
Góp cùng các nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng với Tiến về Sài Gòn, Trọng Bằng với Bão nổi lên rồi... về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, nhạc sĩ Hoàng Vân có ca khúc Chào anh giải phóng quân - Chào mùa Xuân đại thắng sục sôi khí thế cách mạng: "Trông lên Trường Sơn/ Kìa gió đang nổi/ Trông ra biển Đông/ Kìa sóng đang gầm/ Đồng bằng sông Cửu Long ào ào như nước cuốn/ Khắp Tây Nguyên sấm dậy/ Toàn dân ta thừa thắng/ Một lòng cùng xốc tới/ Ào ào như thác đổ".

Bản thảo viết tay nhạc phổ của Hoàng Vân (tư liệu của Cục Di sản văn hóa)
Ông còn là tác giả nhiều tác phẩm khí nhạc cho các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng (nhạc thính phòng) và các nhạc cụ dân tộc như; viết nhạc cho nhiều phim truyện ghi dấu ấn nền điện ảnh Việt Nam. Những tác phẩm đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng ông viết được phổ biến rộng rãi, như Thành đồng tổ quốc (1960); dàn nhạc giao hưởng Hồi tưởng (1961 - 1962); hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Điện Biên Phủ (2004)... Các vở nhạc cho vũ kịch Chị Sứ (1968); kịch Nila; tổ khúc giao hưởng bốn chương số II Tưởng niệm (1991); bản thơ giao hưởng số II (1994) và số III Tuổi trẻ của tôi (2000) có tính hàn lâm còn ít khán/thính giả biết tới.
Ngoài ra, ông còn là "nghệ sĩ của tuổi thơ" với nhiều ca khúc dành cho thiếu niên nhi đồng như Ca ngợi tổ quốc, Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên, Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia, Mùa Hè (trích tổ khúc Bốn mùa)...
Nói như tiến sĩ Lê Y Linh (trưởng nữ của nhạc sĩ Hoàng Vân): "Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ chỉ cần điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông".
Sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc trong tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000 là sự ghi nhận của Nhà nước với những cống hiến quan trọng của ông. Thêm nữa, việc UNESCO ghi danh bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản tư liệu, lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam ra thế giới.
Tài năng của nhạc sĩ Hoàng Vân đã được ông Ngô Lê Văn (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) khẳng định: "Việc bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh không chỉ là vinh dự to lớn đối với cá nhân nhạc sĩ và gia đình, mà còn là sự khẳng định vị thế của nền âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy di sản trí tuệ nhân loại. Đây là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của âm nhạc Việt Nam, là ký ức sống động về một giai đoạn lịch sử, phản ánh tâm hồn, bản sắc và khát vọng của cả một dân tộc qua từng giai điệu".
Tác phẩm, sách nhạc đã xuất bản của Hoàng Vân gồm Hai chị em (1973), Sáu ca khúc Hoàng Vân (1980), Ca khúc Hoàng Vân (1986), Tuyển chọn ca khúc Hoàng Vân (kèm theo băng cassette, 1994)... Ngoài ra, một số cuốn sách được xuất bản ở ngoài nước như Tổng phổ giao hưởng Thành đồng tổ quốc (in tại Đức và Bulgaria), Hành khúc con voi (Voi kéo gỗ, Moskva)…
Tags