Âm nhạc ngồi chờ… nhà hát

Chủ nhật, 11/10/2015 19:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - LTS. Nhà hát 132 tỷ vừa xây xong đắp chiếu vì thiết kế sân khấu mới không đúng quy chuẩn yêu cầu của vở diễn. Trung tâm hội nghị, tiệc cưới, nhà thi đấu, triển lãm… tiếp tục là lựa chọn không có quyền đổi của các chương trình ca nhạc trong khi các nhà hát chuyển sang tổ chức tiệc cưới, hội nghị. Câu chuyện về không gian văn hóa nghệ thuật ở TP.HCM năm 2015 không chỉ có như vậy (*).

Có một nghịch lý đang xảy ra ở TP.HCM: nhiều nhà hát nhưng tối đèn và chuyển công năng thành nơi tổ chức đám cưới, tiệc hội nghị trong khi những trung tâm hội nghị, tiệc cưới, trung tâm văn hóa quận huyện… lại đang lại là không gian cho biểu diễn ca nhạc chuyên nghiệp.

Mướt mồ hôi tìm địa điểm

Bây giờ ở TP.HCM đi tìm địa điểm để tổ chức ca nhạc dễ nhất chỉ còn cách tìm về NTĐ, trung tâm hội nghị, tiệc cưới và các khách sạn lớn!

Năm 2014 nữ danh ca Patricia Kaas đến Việt Nam và ê-kíp của cô muốn được diễn tại một nhà hát có quy chuẩn quốc tế nhưng tìm không ra bởi Nhà hát Hòa Bình hay Nhà hát TP.HCM đều không còn giờ trống. Cuối cùng nhà tổ chức phải dời show nhạc này về Nhà hát Bến Thành, nơi quy chuẩn âm thanh và chất lượng biểu diễn chỉ tạm chấp nhận.

Nhưng Kaas còn may hơn nhiều chương trình khác. Chương trình Bài hát Việt tổ chức mỗi tháng một lần nhưng chưa bao giờ cố định được địa điểm, lúc ở Nhà hát Quân đội, lúc về Nhạc viện TP.HCM, lúc chuyển sang Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Queen Hall.

Chương trình Giọng hát Việt cũng nhảy cóc liên tục, từ NTĐ Phan Đình Phùng cho đến NTĐ Nguyễn Du, sau đó chạy tuốt xuống NTĐ Lãnh Binh Thăng xong lại ngược về NTĐ Quân khu 7 rồi mới đây lại chuyển sang Nhà văn hóa Tân Bình. Một loạt live show lớn nhỏ của Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường… được tổ chức ở Sân khấu 126 hay Trống Đồng, vốn chỉ là sân khấu tụ điểm ca nhạc hàng đêm.


Chương trình live show của ca sĩ Mỹ Tâm tại Queen Plaza vào năm 2013 với nhiều hạn chế về tầm nhìn, âm thanh, ghế ngồi...

Nhà tổ chức đã mệt mà khán giả cũng phải chạy mướt mồ hôi mới xem được chương trình mình yêu thích. Nhưng việc di dời những nhà hát vào trung tâm hội nghị, nhà hàng... sẽ khiến chi phí của các chương trình thường bị đội lên rất cao về thời gian lắp đặt và cải tạo địa điểm. Sân khấu, âm thanh, ánh sáng lắp đặt công phu nhưng phải làm từ đầu và vận chuyển hết từ nơi khác đến nên tốn kém cả sức người và của.

Và vấn đề được đặt ra là việc “di dời” như thế sẽ đem lại hiệu quả ra sao?

Những ai đã từng đi xem những show ca nhạc được xem là đẳng cấp của Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng hay Hồ Ngọc Hà tại các trung tâm hội nghị, triển lãm ở GEM Center,  SECC hay Queen Plaza đều thấy rõ rằng tất cả những nơi ấy đều thất cách về kỹ thuật dàn dựng, chỗ ngồi, chất lượng âm thanh, hậu đài…

Chẳng hạn như live show của Hồ Ngọc Hà tại GEM Center, một việc cơ bản là treo móc thiết bị âm thanh ánh sáng mà đơn vị sản xuất phải mất tới 3 ngày ròng rã do không có hệ thống hỗ trợ về tời điện và dàn không gian (hoàn toàn phải lắp đặt mới từ đầu và mang từ bên ngoài vào).

Nếu ở một nhà hát đúng quy chuẩn thì việc này được hoàn thành nhanh chóng với chỉ một… nút bấm. Tất nhiên kèm theo 3 ngày để treo thiết bị âm thanh ánh sáng như thế là chi phí sản xuất đội lên.

Nhưng show vẫn phải diễn vì âm nhạc không thể chờ được địa điểm! Thực tế các địa điểm biểu diễn đã thiếu lại còn không đồng bộ và đắt xắt ra miếng vì luôn kín khách. Các nhà hát từ trên 1.000 chỗ hầu như không có hoặc xuống cấp, nhà hát nhỏ hơn thì không mang về đủ thu nhập hoặc kém độ hoành tráng. Thế là điệp khúc NTĐ và trung tâm hội nghị, nhà hàng… đến mùa lại được vang lên đều đặn.

Khi những điệp khúc ấy vang lên nó cũng cho thấy nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả chưa đủ khó về sự đòi hỏi tiêu chuẩn, điều kiện và còn khá dễ dãi.

Vấn đề thấy rõ hơn, là khi nhà hát, thánh đường của nghệ thuật, biểu tượng của âm nhạc, bị hạ chuẩn thì làm sao có thể đòi hỏi có được những lứa ca sĩ trình diễn thực thụ?

Nhà hát ở đâu?

Cả nước đang có 71 nhà hát cần được “cứu”, trong số đó nhiều nhà hát đã xuống cấp nghiêm trọng, một số thành trung tâm hội nghị tiệc cưới, một số thành không gian văn hóa, cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện, bán cả đồ gốm sứ... Hoặc có những nhà hát xây mới lại giá trị hàng trăm tỉ đồng nhưng không thể biểu diễn vì thiết kế sân khấu quá hẹp không thể trình diễn được.

Rất ít nhà hát được sống đúng với công năng của mình.

Ngay như Nhà hát TP.HCM nhiều người vẫn nghĩ đó là không gian của biểu diễn nhưng thực tế là không gian phục vụ cho đời sống văn hóa nói chung của người dân thành phố. Và bấy lâu nay Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) vẫn cứ mong mỏi để có một nhà hát, một nơi biểu diễn thật sự đúng quy chuẩn nhưng mong muốn nay vẫn còn rất xa vời.

Thành phố sau nhiều lần bàn bạc, tính toán đã quyết định sẽ xây công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM và đi vào hoạt động từ cuối năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Ban đầu từ lô đất 23 Lê Duẩn, sau đó lại chuyển sang phương án ở Thủ Thiêm, quận 2 rồi sau cùng chốt lại tại Công viên 23/9 với dự án trăm triệu USD nhưng đến nay, nhà hát biểu tượng văn hóa của thành phố vẫn nằm yên.

Giám đốc HBSO, nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho biết, sớm nhất thì dự án này phải đợi đến 2018 mới khởi công vì còn vướng công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1) của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được triển khai.

Bao nhiêu năm qua HBSO cùng những con người của nó phải sử dụng nhiều địa điểm để duy trì hoạt động, nhạc cụ được cất một nơi, văn phòng một nơi, tập luyện một nơi và điều này làm giảm hẳn hiệu suất công việc. Nhiều lần HSBO rơi vào hoàn cảnh phải chạy đua với lịch hoạt động của Nhà hát TP.HCM, sáng thuê, chiều tổng duyệt, tối diễn! Có những vở diễn được đầu tư tập luyện ròng rã nhiều tháng trời nhưng rồi cũng chỉ được biểu diễn một đêm duy nhất vì không thuê mướn được địa điểm. Xét về giá trị đầu tư thì đó là một khoản đầu tư quá rủi ro.

Hành trình của HBSO cũng giống như nhiều đoàn nghệ thuật khác, mong mỏi và đợi chờ. Và kéo nhau dạt về các trung tâm hội nghị, tiệc cưới, khách sạn, nhà văn hóa quận huyện… là một giải pháp của tình thế. Tình thế này không biết bao giờ mới được xóa bỏ?

Cả nước đang có 71 nhà hát cần được “cứu”, trong số đó nhiều nhà hát đã xuống cấp nghiêm trọng, một số thành trung tâm hội nghị tiệc cưới, một số thành không gian văn hóa, cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện, bán cả đồ gốm sứ...

Còn tiếp

Việt Cường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›