Nhìn lại năm 2022, âm nhạc truyền thống - dân tộc của Việt Nam có một sự khởi sắc đáng kể, với chuỗi hoạt động phong phú và da dạng. Ngỡ rằng đó chỉ là sự đột biến mang tính nhất thời, nhưng theo nhiều người am hiểu, trong năm 2023, âm nhạc truyền thống sẽ còn phong phú và đi vào chiều sâu hơn. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.
Khái niệm âm nhạc truyền thống - dân tộc ở đây bao gồm việc sử dụng nguyên bản, hoặc lấy cảm hứng, hoặc cách tân, kết hợp.
Xuất hiện trong chương trình âm nhạc lớn
Chương trình HOZO 2022 đã trở lại tại TPHCM. Đây là một sự kiện âm nhạc hoành tráng, thu hút khoảng 250 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế tham dự. Trong đó, có sự trình diễn của Babyface (nghệ sĩ đoạt 12 giải Grammy) và các nghệ sĩ tài danh như Alastair Mook, Ricky Kej, Johny Stimson... Tại đây, NSƯT Hải Phượng - một ngôi sao của nhạc dân tộc - được mời trình diễn cùng với ban nhạc rock bài Trống cơm. Sự phối hợp giữa đàn tranh và các nhạc cụ hiện đại đã tạo nên một tác phẩm vừa sôi động, vừa mang sắc màu riêng biệt, khiến khán giả Việt và bạn bè nghệ sĩ quốc tế thích thú.
Trước đó ít lâu, Nhạc viện TP.HCM đã tổ chức chương trình âm nhạc dân tộc mang tên Sắc màu. Ngỡ rằng sẽ chỉ có những nghệ sĩ am hiểu mới có mặt, nhưng công chúng đã mua vé đầy rạp. Chất lượng buổi diễn nhận được sự tán thưởng mạnh mẽ từ người xem và cả báo giới.
Hồi đầu năm 2022, K-ICM kết hợp với ca sĩ Phương Thanh tung ra MV Chân mây. Đây là sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và cây sáo trúc của âm nhạc dân tộc. Người hòa âm phối khí cũng là nghệ sĩ âm nhạc dân tộc. MV mang màu sắc liêu trai, cổ phong, đã tạo nên một xúc cảm đẹp mắt và lạ lẫm.
NSƯT Hải Phượng (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM) cho biết: "Về các cuộc thi có âm nhạc dân tộc tham gia, năm 2022 thật sự sôi động với rất nhiều liên hoan. Ví dụ Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1, các hội thi cải lương chuyên nghiệp và sân khấu tại 3 miền, Liên hoan Âm nhạc ASEAN… Tất cả các tiết mục được các đoàn, nhà hát và ban nhạc dân tộc đầu tư công phu. Về cộng đồng, Đại học FPT đã đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy như là môn học chính thức, đã tiếp cận hàng ngàn sinh viên. Ngoài ra, trường còn mang âm nhạc dân tộc đến các trường phổ thông, lại càng mở rộng sự quảng bá âm nhạc dân tộc đến giới trẻ. Về mặt biểu diễn, các chương trình ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, trước Nhà hát Thành phố, những chương trình của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, của Nhạc viện TP.HCM… đều tiếp cận được số đông khán giả, có tiếng vang lớn".
"Nói chung âm nhạc truyền thống - dân tộc đã có những bước phát triển và quảng bá được đến đông đảo quần chúng trong năm 2022" - Hải Phượng nhận định.
Chưa hết, đêm nhạc 31/12/2022 đón năm 2023, nhiều sân khấu tại TP.HCM và các tỉnh thành đã thấy sử dụng âm nhạc dân tộc kết hợp với âm nhạc hiện đại để làm mới chương trình, mang lại sự trẻ trung, gần gũi.
Trẻ hóa âm nhạc cổ truyền
Năm 2023, TP.HCM phát động phong trào sáng tác lấy cảm hứng từ âm nhạc dân tộc; thúc đẩy các chương trình ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà hát Thành phố dùng thêm âm nhạc cổ truyền - dân tộc...
Ngoài ra, các đoàn, các tổ chức, cũng như các cơ sở đào tạo gồm Nhạc viện TP.HCM, Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM sẽ kết hợp mở những ngành dành riêng cho đờn ca tài tử. Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đẩy mạnh các tiết mục có âm nhạc dân tộc, Nhà hát Trần Hữu Trang có những chương trình chuẩn bị kết hợp giữa âm nhạc dân tộc với cải lương…
Mục tiêu chính của những sự kết hợp này là mở rộng cách tiếp cận cho âm nhạc dân tộc đến với công chúng, mà ưu tiên nhất là giới trẻ.
Nhiều năm qua, những người có trách nhiệm tại lĩnh vực âm nhạc dân tộc luôn trăn trở trước sự lấn lướt của âm nhạc hiện đại. Đâu đó, có sự e ngại rằng vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc sẽ dần thu hẹp đến mai một. Nhìn từ thực tế năm 2022, có thể thấy rằng đối tượng quan tâm đến âm nhạc dân tộc đã được mở rộng hơn. Các nghệ sĩ trẻ đã có cảm hứng với giai điệu dân tộc, xem như việc tìm về ấy là một sáng tạo độc đáo, tạo nên dấu ấn đặc biệt cho tác phẩm của họ.
Phía nhà quản lý cũng có tâm huyết để duy trì các hoạt động nhằm nuôi dưỡng sức sống và tìm tòi cơ hội khôi phục giá trị quý báu này. Thành công của việc khai thác, lấy cảm hứng từ âm nhạc dân tộc của năm 2022 không phải là ăn may, mà là tình cảm được tích lũy từ lâu dài, nay có cơ hội bộc lộ mạnh mẽ.
Nhiều MV đã quay, chưa công bố, đã tập trung khai thác chất liệu từ âm nhạc dân tộc; nhiều nhạc sĩ trẻ đã đưa âm nhạc dân tộc vào sáng tác, hòa âm, phối khí... Ngoài ra, các nghệ sĩ còn chuẩn bị để mang âm nhạc dân tộc ra các sân chơi quốc tế, như vẫn diễn ra âm thầm nhiều năm qua.
Do đó, NSƯT Hải Phượng nói rằng có cơ sở để hy vọng một sự xuất hiện rõ nét hơn, nhiều dấu ấn hơn của âm nhạc cổ truyền - dân tộc trong năm 2023.
Tags