'Âm sắc Hương Bình' tôn vinh ca Huế

Thứ Năm, 17/04/2014 11:34 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên, chương trình tôn vinh nghệ thuật ca Huế “Âm sắc Hương Bình” được tổ chức tại Festival Huế 2014 vào tối 16/4 với những bài bản ca Huế, ca kịch Huế tiêu biểu của loại hình ca Huế do các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội trong làng ca Huế trình diễn phục vụ miễn phí cho hàng ngàn khá giả tại tại Nghinh Lương Đình, bên dòng sông Hương thơ mong.

Tri ân tiền nhân, tôn vinh tiền bối

Từ khi chương trình tôn vinh nghệ thuật ca Huế “Âm sắc Hương Bình” được chốt là một trong những chương trình của Festival Huế 2014 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những người yêu ca Huế. Từ đó, hoạt động hướng đến cội nguồn, Tổ nghề ca Huế, cũng như việc nâng tầm, hoàn thiên hơn nghề ca được các thế hệ nghệ sĩ ca Huế đề cao. Nói như NSND Ngọc Bình, Giám đốc nhà hát ca kịch Huế “Đây là cơ hội để nghệ sĩ chúng tôi tri ân các bậc nghệ nhân tiền bối, hướng đến cội nguồn, thể hiện niềm tự hào về giá trị nghệ thuật của một vùng đất, đồng thời góp phần khẳng định chất lượng nghệ thuật cũng như bản sắc độc đáo, riêng biệt của nghệ thuật ca Huế”.


Màn khai mạc của đêm hội "Âm sắc Hương Bình". Ảnh: Quốc Việt – TTXVN

Đặc biệt, đêm hội “Âm sắc Hương Bình” với mục tiêu phục vụ miễn phí những bài bản kinh điển của ca Huế cho người dân và du khách, tiết mục Long Ngâm – Kim Tiền – Ngựa Ô và Mái Xắp với lời ngâm “Nghiệp xưa tiên tổ dựng nền / Dày công khai sáng, ngày thêm rạng ngời / Cháu con nối nghiệp muôn đời / Rạng danh nguồn cội, một thời khai nguyên / Hương Bình khắc dạ lời nguyền / Tri âm khúc nhạc, lưu truyền ngàn năm” mở màng đêm hội như lời tri ân của thế hệ hôm nay với tiền nhân.

Tiếp đến bài hát Hò Mái Nhì Nam Ai vang lên với giọng ngân ca của nghệ nhân Thanh Tâm đưa người nghe vào giai điệu đặc trưng nhất của ca Huế. Làn điệu Hầu văn nổi tiếng trong dòng nhạc dân ca Huế gắn với sinh hoạt tâm linh, tín ngường thờ Mẫu của người Huế được NSƯT Thu Hằng gửi đến khán giả trong bài “Nhớ ơn công đức tiên tổ”. Cổ bản Non nước Hương Bình do NSƯT Khánh Vân trình diễn đậm chất ca Huế đã truyền tải được tâm ca của người nghệ sĩ gạo cội đã gần 45 năm găn bó với ca Huế. Làn điệu dân ca trong Giã gạo đêm trăng của các nghệ sĩ trẻ thể hiện nhiệt huyết nối nghiệp cha anh, vang danh ca Huế. Trích đoạn ca kịch Huế trong vở Ngọn lửa tình yêu do các nghệ sĩ thành danh trong làng ca kịch Huế diễn xướng đã khẳng định sự phong phú, đa sắc màu của nghệ thuật ca kịch Huế…

Đặc biệt, đêm hội đã tôn vinh 37 nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho ca Huế, trong đó có nhiều nghệ nhân đã gần 100 tuổi, có người đã gần 80 năm trong nghề. Trong phần tôn vinh các nghệ sĩ, có tiết mục của các em thiếu nhi hát làn điệu ca Huế, quay quần đầm ấp bên các bật tiền bối là hình ảnh tri ân sâu chuỗi thế hệ một niềm tự hào, một sở thích ca Huế.

Danh ca tên tuổi Thanh Tâm, 70 tuổi, người dành cả cuộc đời cho ca Huế, cho rằng: hơn 40 năm làm ca Huế, đã đi diễn khắp các vùng miền trong nước và nhiều sân khấu ở nước ngoài, tâm huyết nhiều, cống hiến nhiều với nghề nhưng đây là lần đầu tiên được tôn vinh đầy trạng trọng và lại nằm trong chương trình “đinh” của Festival Huế 2014. Tôi vui lắm, vinh dự lắm! Dù tuổi đã cao nhưng tôi quyết tâm cóng hiến, biểu diễn và trao truyền nghề ca đến hơi thở cuối cùng.

Nguyễn Thanh Nga, sinh viên Học viện âm nhạc Huế cho biết “Em vui lắm, em học ở trường từng nghe giới thiệu tên tuổi của các cô, các cụ với những giọng ca bất hủ, những ngón nghề nhấn nhá ma thuật làm vang danh ca Huế. Nay gặp thật ngoài đời tại sân khấu này, em thấy các cụ già thật nhưng nhiệt huyết về nghề còn mạnh hơn sức trẻ nhiều lần. Đây là điều làm em tâm đắc và cần học hỏi nhiều ở các cụ”

Xứng tầm di sản thế giới

Ca Huế là loại hình âm nhạc truyền thống, là tinh hoa của dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Trong giai đoạn Huế là kinh đô của cả nước, giữa sự giao thoa và tiếp nhận vốn văn hóa chung cả nước, xuất phát từ phong cách sống, tâm tư, tình cảm và ngữ âm bản địa, đã tạo nên một bản sắc riêng mang tính đặc trưng và độc đáo của mảnh đất và con người Huế. Ca Huế từ dân ca được phát triển vào cung đình, và từ cung đình lại lan tỏa ra dân gian, tạo ra 2 dòng âm nhạc: âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Hình thức diễn xướng ca Huế mang tính bác học được khởi nguồn từ các triều đại vua chúa tại kinh đô Huế, được diễn ra trong các dinh thự, phủ đệ của các bật quyền quý và giới thượng lưu, trong một không gian thính phòng, bằng những khúc ca tri âm, tri kỷ.

Với lịch sử gần 500 năm, ca Huế đã phát triển thêm nhiều loại hình diễn xướng độc đáo khác như: ca Huế - múa dân ca và ca kịch Huế, đã khẳng sự trường tồn của và phát triển. Ngày nay, hoạt động ca Huế đang được gìn giữ và phát triển, tạo nên sự lan tỏa và kế thừa truyền thống, giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông. Có thể nói, nghệ thuật ca Huế đã thực sự là một giá trị tinh thần, một cảm xúc thưởng ngoạn của du khách mỗi khi đến vùng đất cố đô.

Ông Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lậc bộ ca Huế cho rằng: “Giá trị nghệ thuật và truyền thống đặc sắc của ca Huế đã được xác định từ trong lịch sử và ngày càng gặt hái nhiều thành công và định hình rõ hơn trong xã hội hiện đại với nhiều người yêu chuộng ca Huế hơn. Điều vui mừng nữa là lực lượng diễn viên, nghệ sĩ trẻ ca Huế càng ngày nhiều, đó là lực lượng tiếp nối và phát huy mạnh mẽ nghệ thuật ca Huế, qua đó thấy sức sống của ca Huế chắc chắn sẽ còn vươn xa hơn. Riêng đội ngũ gần 500 nghệ sĩ, diễn viên ca Huế được cấp thẻ hành nghề là thành công trong quá trình phát triển nghệ thuật ca Huế.

Tôi cho rằng, ngoài phát triển thính phòng, thuyền rồng phục vụ ca Huế trên sông Hương cho những người yêu thích, nên chăng ngành giáo dục cần đưa chuyên đề ca Huế vào trong trường học, có thể là chính khóa hay ngoại khóa với tên gọi là “nghệ thuật ca Huế quanh trường học” vì đây là cách kế thừa ổn định nhất môn nghệ thuật này. Theo tôi nhận thấy, ca Huế hội đủ yếu tố để trở thành di sản thế giới và mong muốn chung của lực lượng những người làm ca Huế, yêu thích nghệ thuật ca Huế là ca Huế sẽ sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như những loại hình diễn xướng khác của Việt Nam và thế giới”.

Trần Ngọc

            


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›