Ẩm thực Hà Nội không chỉ cuốn hút du khách gần xa mà còn thuyết phục cả những chính trị gia nổi tiếng thế giới như cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Ngoại trưởng Mỹ Antony John Blinken hay các nhà ẩm thực uy tín như cố đầu bếp danh tiếng Anthony Bourdain… Nhiều món ăn được các trang du lịch nước ngoài vinh danh, đưa vào cẩm nang du lịch cho du khách khi đến Hà Nội.
Đây chính là động lực để Hà Nội đẩy mạnh khai thác văn hóa ẩm thực, đưa đến gần hơn với thực khách trong và ngoài nước, biến ẩm thực thành một sản phẩm công nghiệp văn hóa có lợi thế cạnh tranh.
Nguồn lực cho ngành công nghiệp văn hóa
Ẩm thực Hà Nội được coi là di sản văn hóa, hội đủ các yếu tố vật chất và tinh thần, từ chất liệu, mùi vị, nghệ thuật chế biến đến ứng xử, giao tiếp trong ăn uống. Những nét đặc trưng của ẩm thực Hà Nội không chỉ thể hiện chiều sâu văn hóa mà còn mang hiệu quả kinh tế xã hội, giúp quảng bá hình ảnh Hà Nội, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô.
Nhiều người đến Hà Nội đều mong muốn được thưởng thức ẩm thực, nhất là những món ăn truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Trong đó, nổi danh là phở, nem Hà Nội, bún ốc, bánh tôm hồ Tây, chả cá, bún thang, bún chả, cốm, cà phê trứng... Nếu lên khu vực phố cổ Hà Nội buổi tối mới thấy các phố chuyên doanh ẩm thực như: Tạ Hiện, Mã Mây, Cầu Gỗ, Đồng Xuân, Lương Ngọc Quyến, Tống Duy Tân, Hàng Cót… đều đông du khách. Cũng từ lợi thế đó, Hà Nội hình thành nhiều khu phố ẩm thực thúc đẩy phát triển du lịch. Bên cạnh các tuyến phố ẩm thực ở Phố cổ, thành phố còn có Không gian khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố ẩm thực khu vực Phủ Tây Hồ, các nhà hàng ẩm thực truyền thống...
Năm 2023, Hà Nội có 48/103 nhà hàng được Michelin Guide (Cẩm nang ẩm thực danh giá nhất thế giới) tuyển chọn, trong đó có 3 nhà hàng đạt 1 sao Michelin. Trang TripAdvisor bình chọn Hà Nội là một trong 25 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2022 và đứng thứ 3 trong danh sách 20 điểm đến cho người mê ẩm thực năm 2023.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương, Trưởng Bộ môn Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo, Khoa các Khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Trong hệ sinh thái của các ngành công nghiệp văn hóa, không thể không nhắc đến ẩm thực, bởi nó là một thành tố văn hóa vật chất và tinh thần quan trọng trong sự giao thoa giữa văn hóa và kinh tế.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, ẩm thực đang trở thành một lợi thế cạnh tranh và là nhân tố có tính quyết định trong quá trình xây dựng thương hiệu cho một quốc gia hoặc một điểm đến du lịch. Người ta biết đến Italia không chỉ với di sản nghệ thuật phục hưng mà còn biết đến là quê hương của Pizza. Pháp không chỉ là quốc gia có nền văn hóa và lịch sử giàu truyền thống mà còn là cái nôi của ẩm thực cổ điển với kỹ thuật chế biến phomai. Trung Quốc với bốn trường phái ẩm thực chính là Quảng Đông, Sơn Đông, Tứ Xuyên và Giang Tô...
Hà Nội đang sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ẩm thực thành một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, thời gian qua, việc khai thác ẩm thực Hà Nội cho phát triển công nghiệp văn hóa mới dừng ở bước manh nha hình thành, chưa có một kế hoạch bài bản cụ thể. Trong khi đó, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội "Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" xác định ẩm thực là một trong số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Đưa ẩm thực thành sản phẩm công nghiệp văn hóa
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng chỉ ra rằng: "Chúng ta cần có nhận thức trong việc định vị, xây dựng kế hoạch khai thác, đầu tư phát triển ẩm thực cho xứng tầm. Hiện, có rất nhiều cuộc thi về ẩm thực nhưng chỉ dừng lại ở hình thức game show (trò chơi truyền hình), chưa tạo ra được các giá trị văn hóa lớn để phát triển. Điều quan trọng, Hà Nội cần khai thác được giá trị tinh hoa của ẩm thực Hà thành để phát triển thành sản phẩm công nghiệp văn hóa có giá trị".
Như vậy, việc tìm ra hướng đi phù hợp để khai thác và phát triển văn hóa ẩm thực thành sản phẩm công nghiệp văn hóa cần sự vào cuộc một cách nghiêm túc giữa các cơ quan quản lý với các địa phương, các tổ chức, cá nhân đang nắm giữ văn hóa ẩm thực.
Thời gian qua, Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động khai thác, quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực đến với du khách trong và ngoài nước. Không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội với chủ đề "Tinh hoa ẩm thực Việt" diễn ra thường niên, quy tụ các hội nghề nghiệp, nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở ẩm thực, giới thiệu các món ngon Hà Nội và cả nước. Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội diễn ra thường niên đã tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch. Nhưng dường như các hoạt động đó mới dừng ở mức quảng bá văn hóa ẩm thực và cũng chưa đủ lực để đưa ẩm thực Hà Nội vươn tầm cao hơn.
Còn theo định hướng phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2030, sản phẩm dịch vụ ẩm thực sẽ được phát triển đa dạng, tập trung vào các loại hình mang tính chất độc đáo như các phố ẩm thực đêm, các làng nghề ẩm thực... bên cạnh hệ thống các nhà hàng phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch. Sở Du lịch Hà Nội sẽ xây dựng bản đồ Food Tour để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực.
Trên góc độ nhà nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Quyên, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, thành phố cần xây dựng chiến lược và kế hoạch phát huy văn hóa ẩm thực gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để các quận, huyện làm căn cứ triển khai nhiệm vụ. Một mặt, thành phố quy hoạch, đầu tư xây dựng các Food tour (tour trải nghiệm ẩm thực), sản phẩm văn hóa ẩm thực có trọng tâm, trọng điểm; xác định các thị trường khách du lịch mục tiêu để xây dựng các chương trình quảng bá phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, Hà Nội cần tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa ẩm thực; có các chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực để đưa ẩm thực thành sản phẩm công nghiệp văn hóa có lợi thế.
Người Hà Nội từ xưa đến nay được cho là sành ăn, sành mặc nên ẩm thực Hà Nội cũng mang một chất riêng hiếm nơi nào có được. Nhưng để chuyển hóa chất riêng đó thành một sản phẩm văn hóa có giá trị mang lại nguồn lợi cho Thủ đô thì cần có cái nhìn nghiêm túc, từ đó mới có sự đầu tư bài bản để biến tiềm năng thành lợi thế.
Tags