(LTS) Tháng 10 vừa qua, trong dịp thăm con gái lấy chồng ở Ấn Độ, nhà phê bình Nguyễn Hòa đã có một số chuyến ngao du thú vị trên đất nước có hơn 1,4 tỷ dân này. Với ông, chuyến đi ấy cũng là một cuộc du khảo văn hóa nho nhỏ, bởi tác giả không chủ ý đi tìm những cái kỳ lạ, gây sốc, mà thực sự muốn giải mã và tìm hiểu những gì mình chứng kiến.
1. Xuống sân bay là gặp nắng chói chang, ra đường nắng còn gắt hơn. Ngồi trên ô tô, tôi giật mình thon thót vì thấy xe cứ lao sang bên trái, sau nhớ ra ở Ấn Độ, thuận chiều là bên trái. Giữa vô vàn ô tô đang vun vút là vô số xe túc túc màu vàng, lúp cúp len lỏi ngang dọc. Nếu nói ở Hà Nội ra đường gặp grab thì nói ở Delhi ra đường là gặp túc túc cũng không ngoa.
Nhớ thông tin về ô nhiễm môi trường ở Delhi đọc trên báo chí Việt Nam, tôi quy ngay túc túc là một thủ phạm khí thải. Hóa ra không phải, túc túc không chạy xăng dầu mà chạy gas. Mỗi kg gas khoảng 25 nghìn tiền Việt, chạy khoảng 32 - 35 km. Hết gas có trạm nạp gas bên đường sẵn sàng phục vụ, bác tài rẽ xe vào, nạp đầy bình lại phóng tiếp.
Có hôm đang đi đường, ngó phía sau thấy một chiếc túc túc độc nhất vô nhị có mái xanh rờn, vì bác tài biến nóc xe thành khuôn viên mini. Ở đó bác trồng rau cỏ, hoa lá, và đặc biệt có hơn chục cây ngô mập mạp cao cỡ 1 mét. Không biết để hơn chục cây ngô đứng vững trên nóc xe bác luôn phải đi chậm, gặp mưa gió thì nghỉ, hay giống ngô đó chịu được gió. Tôi đồ rằng bác tài là người yêu thiên nhiên, hoặc bác tạo vườn rau trên nóc làm "máy lạnh" cho người trong xe.
Túc túc ở thành phố thường chở 3 người, khi cần bác tài ghé mông nhường nửa ghế nhận thêm 1 khách. Rồi bác vặn người, vừa lái xe vừa giơ tay chém gió. Còn trên đường cao tốc, nhiều xe túc túc lèn cứng khách, trên nóc thì chằng buộc hòm xiểng, bì bọc, y như xe lam lèn khách ở Việt Nam ngày trước.
Ở Delhi người đi lại như mắc cửi, taxi truyền thống khá thưa vắng, ngoài buýt công cộng, tàu điện ngầm có taxi công nghệ, túc túc. Ô tô điện, ô tô chạy gas rất nhiều, đôi chỗ thấy cả đoàn ô tô chờ nạp gas. Chỉ không hiểu tại sao bơm gas ở đầu xe mà bình gas lại đặt cuối xe? Gọi taxi công nghệ, mấy phút sau xe đến. Mở cửa thấy ghế còn bọc ni lông, các ghế khác cũng cùng tình trạng. Trong xe mát lạnh mà lưng đầy mồ hôi, vì ngồi thẳng thì không được lâu, mà dựa lưng vào ni lông chỉ một lúc là mồ hôi dấp dính. Đã thế ni lông lại dày, sột soạt rất khó chịu. Lái xe hỏi chuyện luôn miệng, con gái tôi ngồi ghế sau phải nhô người lên làm phiên dịch. Hỏi tại sao không bỏ mấy cái ni lông, bác tài bảo xe mới mua chưa cúng, phải giữ nguyên hiện trạng, hôm nào cúng xong mới được bóc ni lông.
Ở Ấn Độ, không chỉ nhiều người mới mua ô tô tiến hành nghi lễ cúng xe, mà mua xe máy mới cũng tổ chức cúng. Đang đi bác tài ghé trạm bên đường, hóa ra ô tô chạy gas, mỗi kg gas chạy khoảng 25 - 30 km. Giá chiếc ô tô của bác khoảng 250 triệu tiền Việt, so với giá ô tô bình dân ở Ấn Độ là khá cao. Trước khi chia tay, đề nghị bác mở cốp xe, thấy bình gas trắng phau gắn trong cốp, chụp luôn kiểu ảnh.
2. Tôi biết về người Ấn Độ từ thời nhiều người Hà Nội gọi họ là "Tây cuốn thừng". Tôi đồ rằng cách gọi này là từ cái khăn vấn trên đầu mà ra (có phải mọi người Ấn Độ đều vấn khăn hay không, tôi sẽ lý giải trong các kỳ sau).
Đầu những năm 60 thế kỷ trước, thi thoảng gặp chiếc xe Jeep sơn trắng chạy ngoài đường, trên xe có ông mặc quân phục, đầy đủ lon gù nhưng lại vấn khăn, tôi thắc mắc, mẹ tôi bảo đó là sĩ quan Ấn Độ trong Ủy ban quốc tế giám sát đình chiến.
Khi lớn lên, tôi đọc Mahabharata, Ramayana, đọc thơ R. Tagore, và đã bị cuộc sống buồn tẻ của nhân vật "Tây thuộc địa" ở Ấn Độ trong truyện của W.S Maugham ám ảnh đến mức thi thoảng nhắc tới Ấn Độ là lại nghĩ đến họ. Do công việc tôi từng tìm hiểu kinh Vệ đà, đạo Bà-la-môn, đạo Hindu (Ấn Độ giáo), đạo Jaina, đã biết đạo Bahai'i, đạo Hồi, đạo Kitô du nhập vào Ấn Độ ra sao, đạo Sikh ra đời thế nào…
Thế nhưng khi đến Bảo tàng Quốc gia (National Museum) ở Delhi thì tôi nhận ra những gì đã biết chỉ là hạt cát giữa trùng điệp sinh động, đa sắc của văn hóa - văn minh Ấn Độ từ quá khứ đến hiện đại. Và khi ngắm bức tượng Shiva Linga, nhớ Ba vị thần tối cao (Trimurti) của đạo Bà-la-môn gồm Brahma - đấng tạo hóa, Vishnu - đấng bảo hộ, Shiva - đấng hủy diệt, tôi nghĩ về niên đại thì có lẽ đó là bộ 3 xa xưa nhất được khái quát trong lịch sử văn hóa - văn minh nhân loại?
Và muộn hơn về lịch sử, sự khái quát gắn với số 3 huyền bí đã hiện diện từ Đông sang Tây, như đạo Kitô có tín điều Ba ngôi là một (Tam vị nhất thể: Chúa cha - Chúa con - Thánh thần), đạo Do Thái có 3 vị tổ phụ là Abraham - Isaac - Jacob; trong đạo Phật bộ 3 còn xuất hiện nhiều hơn như Tam tạng kinh (Tripitaca: Kinh tạng - Luật tạng - Luận tạng), Tam độc: Tham - sân - si, Tam học: Giới - định - tuệ, Nghiệp: Thân nghiệp - khẩu nghiệp - ý nghiệp…
Từ xa xưa ở Việt Nam đã có bộ ba Thổ công - Thổ địa - Thổ kỳ, có quan niệm "Tam tài giả thiên - địa - nhân"… Nhìn rộng ra, bộ 3 còn xuất hiện trong logic học khi suy luận diễn dịch gián tiếp có Tam đoạn luận; trong Di truyền học có bộ 3 mã di truyền (triplet code); quyền lực tối cao của một quốc gia chia thành Tam quyền: Lập pháp - hành pháp - tư pháp; âm nhạc có 3 nốt nhạc cơ bản đô - mi - son; sonate có cấu trúc 3 chương gồm: Trình bày - phát triển - tóm tắt; sân khấu cổ điển lại có luật Ba duy nhất: Duy nhất hành động - duy nhất địa điểm - duy nhất thời gian; hội họa có 3 màu cơ bản: Đỏ - vàng - xanh dương…
Ngẫm ngợi về các khái quát quy nạp về số 3, sực nghĩ người Ấn Độ cổ đại thật tài tình khi đặt đấng Vishnu bên cạnh đấng Shiva để chỉ ra một vấn nạn như "nghiệp chướng" của loài người. Bởi xuyên suốt lịch sử từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim hầu như ở đâu cũng có người xây dựng và cũng có người phá hoại. Cũng về lịch sử, hàng nghìn năm trước con người biết đếm từ 1 đến 9, dần dà đếm tới hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn… nhưng số 0 ngày nay chúng ta sử dụng lại được mô tả bằng các ký hiệu khác nhau. Phải tới năm 628, với phát kiến của nhà toán học người Ấn Độ Brahmagupta thì số 0 mới được xác định. Đến thế kỷ 19, với sự ra đời của lý thuyết tập hợp, số 0 được khẳng định là số tự nhiên. Để rồi chúng ta sử dụng số 0 một cách cũng tự nhiên mà mấy ai biết tới vai trò của một nhà toán học người Ấn Độ từ 16 thế kỷ trước.
Còn Ấn Độ hôm nay, từ những nơi đã đến, từ những gì quan sát được, tôi nghĩ đất nước này đang sinh tồn một cách rất sinh động theo một biên độ rộng từ thành tựu văn minh cổ xưa đến các thành tựu văn minh ra đời ở Bangalore - nơi được coi là "Thung lũng Silicon của châu Á". Có thể là thô thiển thì tôi vẫn liên tưởng bối cảnh ấy với vô số xe túc túc lúp cúp len lỏi giữa vô vàn Volkswagen, Hyundai, Suzuki… và Mahindra, Altroz (ô tô do Ấn Độ sản xuất). Hoặc, nhiều người Ấn Độ giờ mua ô tô mới dù hiện đại thế nào thì chủ nhân vẫn thực hành nghi lễ cúng xe.
(Còn nữa)
Tags