An Giang, Bến Tre: Người dân vẫn tiếp tục nối đuôi nhau tự phát về quê

Chủ nhật, 03/10/2021 11:47 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù tỉnh An Giang đã có thông báo chưa có kế hoạch tiếp nhận thêm công dân về quê tự phát nhưng nhiều người dân về quê bằng phương tiện cá nhân vẫn nối đuôi nhau tại các cửa ngõ ra vào tỉnh.

An Giang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 7/9

An Giang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 7/9

Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang cơ bản được kiểm soát. Chiều 5/9, thông tin từ UBND tỉnh cho biết: tỉnh sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT- TTg trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 0 giờ ngày 7/9/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Ghi nhận tại khu vực tại chốt kiểm soát T2 thuộc khu vực Vàm Cống, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang - cửa ngõ chính vào tỉnh An Giang vào sáng 3/10, dòng người vẫn tiếp tục nối đuôi nhau đổ về đây. Lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã được tăng cường nhằm kiểm soát tình hình an ninh trật tự và yêu cầu bà con không được tự ý di chuyển sâu vào địa phận thành phố Long Xuyên.

Ngay tại khu vực tại chốt kiểm soát T2, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã tổ chức phát cơm, bánh mì, sữa và nước uống miễn phí cho người dân, đảm bảo cho người dân không bị đói, khát trong thời gian chờ địa phương bố trí vào khu vực tiếp nhận tạm thời, để sàng lọc và đưa về các khu cách ly ở các huyện, thị xã, thành phố theo địa chỉ thường trú.

Chú thích ảnh
Người dân về quê tự phát được tỉnh An Giang tiếp nhận và đưa về các khu cách ly tạm thời, chờ sàng lọc, phân loại theo từng nhóm đối tượng, địa bàn cư trú sẽ được trước khi bàn giao cho các địa phương đón về cách ly tập trung theo quy định. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Anh Nguyễn Quốc Thái (quê thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết: "Hai vợ chồng chạy xe máy xuyên đêm, về đến đây lúc 5 giờ sáng, được lực lượng chức năng hỗ trợ cơm, nước uống, sữa cho trẻ nhỏ mừng lắm; mặc dù phải đợi khá lâu mới được giải quyết cho qua chốt để về các khu cách ly tập trung nhưng không thể trách được, vì bà con về đông quá" – anh  Nguyễn Quốc Thái bộc bạch. 

Chú thích ảnh
Rất đông người dân An Giang di chuyển bằng xe máy về quê tập trung tại chốt kiểm soát dịch bệnh T2 của thành phố Long Xuyên gây ách tắc giao thông. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng tỉnh An Giang, từ ngày 1/10 đến 5 giờ 55 phút ngày 3/10, tỉnh An Giang đã tiếp nhận hơn 11.200 công dân di chuyển bằng xe máy tự phát về quê.

Lực lượng chức năng An Giang đã hướng dẫn người dân vào các điểm tập trung tạm thời trên địa bàn thành phố Long Xuyên để sàng lọc, phân loại từng đối tượng để bố trí cách ly hợp lý. Đồng thời, tổ chức test nhanh cho những công dân này, các trường hợp âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được bàn giao cho các huyện, thị xã, thành phố theo địa chỉ thường trú đón về và thực hiện cách ly theo quy định.

Chú thích ảnh

Riêng các trường hợp đã tiêm 2 mũi vaccine từ đủ 14 ngày trở lên hoặc là F0 đã khỏi bệnh, sau khi có kết quả test nhanh hoặc xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 sẽ thực hiện tự cách ly, theo dõi tại nhà, có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Theo Thượng tá Đặng Văn Thinh, Phó Trưởng Công an thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang: Mấy ngày gần đây, bà con từ các thành phố, các tỉnh miền Đông như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… ồ ạt về tỉnh An Giang qua cửa ngõ của thành phố Long Xuyên.

"Nhằm đảm bảo công tác an ninh trật tự và phòng, chống dịch, Công an thành phố đã tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự cũng như tạm thời trưng dụng các trường học trên địa bàn làm điểm tiếp nhận, sàng lọc, phân loại theo địa bàn cư trú, nhóm đối tượng cụ thể, sau đó phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trực tiếp đến đưa bà con về cách ly theo quy định", Thượng tá Đặng Văn Thinh cho biết thêm.

Hiện tình hình dịch bệnh tại An Giang vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng tiếp tục tăng, đặc biệt các ổ dịch mới phát sinh trong thời gian gần đây tại các huyện Chợ Mới, Phú Tân và thị xã Tân Châu. Tính đến sáng 3/10, tỉnh ghi nhận 5.416 ca mắc COVID-19, riêng trong ngày 2/10 có 72 ca mắc COVID-19 được phát hiện trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang hỗ trợ đồ ăn, nước uống, sữa cho người dân tại chốt kiểm soát dịch bệnh T2 của thành phố Long Xuyên gây ách tắc giao thông. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Mặc dù nhiều lao động, sinh viên An Giang đang học tập, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng, Nai, Long An…đang gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng với điều kiện nguồn nhân lực y tế, cơ sở hạ tầng phục vụ phòng, chống dịch trong tỉnh còn hạn chế, tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19/dân số trong tỉnh chỉ đạt 21% mũi 1 và 7,5% mũi 2; các khu cách ly tập trung, thu dung điều trị trong tỉnh hiện nay gần như quá tải, tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát dịch rất cao.

Việc giải quyết cho người dân tự phát trở về quê vẫn đang được tỉnh An Giang thực hiện theo giải pháp tạm thời, trên tinh thần nhân văn, tình nghĩa, tránh cho bà con chịu cảnh vất vả, tiến thoái lưỡng nan khi đã lỡ về đến tận cửa ngõ An Giang. Lãnh đạo tỉnh An Giang mong muốn người dân cân nhắc kỹ trước khi tự về quê một cách tự phát tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Chú thích ảnh
Người dân mong muốn được về quê và thực hiện cách ly tập trung. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

* Theo UBND tỉnh Bến Tre, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, người dân từ các tỉnh, thành phố khác về tỉnh tự phát khá nhiều, nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể xảy ra. Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh, số người về quê sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo đó, để giữ vững được “vùng xanh" một cách bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam yêu cầu, ngành chức năng tỉnh kiểm soát chặt chẽ người dân về tỉnh, kể cả người dân được đưa đón theo kế hoạch hay tự phát; tiếp tục trưng dụng các trường học làm điểm cách ly; mỗi huyện đảm bảo ít nhất 500 chỗ cách ly.

Tỉnh Bến Tre sẽ chọn 3 điểm cách ly tập trung, gồm: Trung đoàn 895, Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi-Khu Đồng Gò, Trường Cao Đẳng Bến Tre, với khoảng 1.000 chỗ cách ly. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện cách ly tại nhà một số trường hợp như người già bệnh, phụ nữ sắp sinh và trẻ em nhỏ, giao ngành y tế địa phương theo dõi thật sát các trường hợp cách ly tại nhà. Theo quy định, hiện tỉnh áp dụng cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày đối với các trường hợp công dân về tỉnh.

UBND tỉnh Bến Tre giao ngành y tế tổ chức việc xét nghiệm đối với các hộ thực hiện cách ly. Ngành y tế đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sau khi tiếp nhận; trong đó, ưu tiên cho các nhóm đối tượng thuộc khối sản xuất, vận chuyển hàng hóa là công nhân, người lao động, tài xế... để phục hồi, phát triển kinh tế.

Giám đốc Sở Y tế Bến Tre Ngô Văn Tán cho biết, ngày 3/10, tỉnh sẽ tiếp nhận 200 ngàn liều vaccine Vero Cell. Đây là lượng vaccine về tỉnh nhiều nhất từ trước đến nay. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ được đẩy nhanh để tạo độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho hay, mục tiêu cao nhất của tỉnh trong thời gian tới là giữ vững “vùng xanh” bền vững; khoanh vùng hẹp nhất để truy vết, cách ly khi phát hiện F0; phân loại các F khác và cách ly phù hợp; chuyển trạng thái, mở cửa thích nghi với phòng, chống dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của ngành Y tế Bến Tre, hiện tỉnh có 9 huyện là “vùng xanh"; 157 xã, phường “vùng xanh"; 968 ấp “vùng xanh". Trong 14 ngày trở lại đây, có 2.275 trường hợp người từ các địa phương khác về tỉnh và người ra khỏi tỉnh về Bến Tre. Tất cả đều có khai báo y tế; trong đó có 1.280 người được cách ly tập trung, 995 người cách ly, theo dõi tại nhà.

Trong ngày 2/10, tỉnh Bến Tre đã đón và đưa vào khu cách ly tập trung 697 người dân Bến Tre từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh theo diện đồng hương. Bên cạnh đó, qua công tác kiểm soát tại các chốt cửa ngõ của tỉnh, lực lượng chức năng tỉnh đã tiếp nhận 395 trường hợp người Bến Tre ở các tỉnh, thành phố tự phát về tỉnh. Tỉnh cũng đã bố trí dẫn đoàn đưa 776 trường hợp tự phát về tỉnh Trà Vinh.

Công Mạo - Công Trí (TTXVN) 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›