Rau muống có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt có loại chất có thể ngăn ngừa ung thư.
Rau muống là loại rau dân giã, quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Hầu hết ai cũng biết về loại rau này. Tuy nhiên, ít ai biết rằng rau muống có rất nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Theo bác sĩ y học cổ truyền Lê Thị Thảo Quyên, rau muống có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận tràng, chữa rôm sảy, mụn nhọt… nên ăn rau muống đúng cách sẽ loại bỏ được một số chất gây hại cho cơ thể.
BS Quyên phân tích, rau muống rất bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, hàm lượng protein cũng đặc biệt cao, cao gấp 4 lần so với cùng một lượng cà chua.
Trong 100g rau muống chứa: 3g chất xơ, 3g protein cùng nhiều khoáng chất canxi, phốt pho, sắt, kẽm, các vitamin C, B1, B2.
"Hàm lượng canxi trong rau muống cũng rất cao. Trong 100g nước rau muống chứa 115mg canxi. Với hàm lượng như vậy thì canxi trong rau muống tương đương canxi trong sữa, chuối. Vì vậy, ăn rau muống đúng cách là cách bổ sung canxi hiệu quả. Đặc biệt, ăn rau muống đúng cách cũng giúp cơ thể bổ sung nguồn sắt dồi dào, rất tốt cho những người mắc bệnh thiếu máu và phụ nữ mang thai.
Với bệnh nhân loãng xương đơn thuần, huyết áp thấp, ăn rau muống khá tốt vì rau có hàm lượng canxi cao", BS Quyên nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong rau muống có 13 loại hợp chất chống oxy hóa khác nhau. Những chất này có thể loại bỏ các gốc tự do gây hại ra khỏi cơ thể, từ đó cản trở quá trình nhân lên của các tế bào ung thư. Đặc biệt, rau muống rất hiệu quả trong việc hỗ trợ ngăn ngừa ung thư trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư da và ung thư vú.
Tuy nhiên, BS Quyên cũng lưu ý những người bị viêm đau, nhức khớp, bệnh gout (thống phong) và các viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, huyết áp cao không nên ăn rau muống.
Những người có vết thương hở, đang điều trị nội khoa, ngoại khoa cũng không nên ăn rau muống vì rau muống có thể kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi trên da.
"Ngoài ra những người có cơ thể yếu, đang uống thuốc đông y cũng nên hạn chế ăn rau muống. Vì loại rau này sẽ làm giảm tác dụng chữa bệnh của thuốc", BS Quyên phân tích.
Lưu ý khi sơ chế và sử dụng rau muống
BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, rau muống thường được nuôi trồng ở những khu vực ao hồ nên có nguy cơ nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Nếu rửa không kỹ, chế biến nhanh chóng thì khi ăn vào người ăn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, khiến cơ thể mệt mỏi hoặc gây suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, việc ăn rau muống sống hay tái cũng có thể tăng nguy cơ bị giun sán làm tổ trong người. Cụ thể, theo BS Thiệu, các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau nhút, cải xoong, rau cần, rau muống, ngó sen rất dễ có sán lá gan lớn, sán lá ruột ký sinh.
"Nhiều người có thói quen ăn sống các loại rau này hoặc nhúng lẩu sơ qua chưa chín kỹ để rau giữ được độ giòn. Thế nhưng cách ăn này có thể khiến các loại sán ký sinh trong rau chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, dẫn đến nguy cơ nhiễm sán", BS Thiệu phân tích.
Tags