Từ ngạc nhiên tới bức xúc, ông không hiểu sao những người được coi là sao gần đây lại nhanh nhạy tới dễ dãi đến vậy. Họ cùng cởi đồ nhảy Gentlemen theo “anh hai Gangnam”; họ cũng theo nhau dội nước đá lên đầu (mà “quên” ý nghĩa chính là quyên tiền cho một tổ chức nghiên cứu y tế); rồi họ hùa theo điệu nhảy Harlem Shake để tự tạo những biến thể “thảm họa văn hóa”.
Tệ hơn, cộng đồng mạng còn nhớ hình ảnh một “hot girl”, một nữ sinh viên trường Dược hóa thân thành Phan Kim Liên, người dùng thuốc độc hạ sát chồng trong bộ truyện, phim Thủy Hử... Họ lao theo mọi thứ mà không hiểu (hoặc không thèm hiểu) nguồn gốc, căn cơ của vấn đề. Họ tự nguyện hóa thân, tự nguyện công bố hình ảnh của mình gắn với một hiện tượng nào đó trên thế giới mà không quan tâm tới những hệ lụy xã hội kéo theo khi khoác lên mình chiếc áo “người của công chúng”. Họ cũng bỏ qua những trách nhiệm nhân văn cần có đằng sau những trào lưu. Họ cần gây shock. Họ cần nổi tiếng.
Gần đây, khi dư luận Trung Quốc ồn ào chuyện phim Võ Tắc Thiên do Phạm Băng Băng thủ vai bị “cắt gọt” vì cảnh nóng thì các hot girl, ngôi sao Việt cũng lập tức hóa thân thành vị “nữ hoàng đế” ngàn năm công tội này của xứ người. Miễn bàn tới những điều to tát như xâm lăng văn hóa hay tự đồng hóa, thiếu hiểu biết hay “đạp lên dư luận mà nổi tiếng”... Điều thấy rõ từ các trào lưu này là các ngôi sao đang phơi bày một diện mạo văn hóa “ăn xổi” với những ánh hào quang ảo, cần “hà hơi” liên tiếp bằng những trào lưu phản văn hóa.
Bên cạnh những sự ăn theo nhanh như cắt của giới showbiz, có vô vàn ví dụ về sự chậm trễ của những thứ thiết thân cho giá trị thật của nền văn hóa nước nhà mà cả người quản lý lẫn những người đẹp trực tiếp hoạt động trong ngành văn hóa- giải trí ngó lơ như:
Thẻ hành nghề biểu diễn loay hoay hơn hai năm chưa tìm được lối ra. Phạt ăn mặc phản cảm nhiều năm song các người đẹp vẫn điềm nhiên hớ hênh trước mọi rào cản của “cây gậy quản lý”.
Quản lý lễ hội năm nào cũng báo cáo tốt nhưng năm nào cũng còn vô vàn điều chướng tai gai mắt cố hữu không thể khắc phục như: nạn mài tiền vào di tích, nạn chen lấn, nạn bưng đồ mặn lễ Phật...
Bà chủ nghe ông chủ liên hệ sự kiện nhỏ với các vấn đề to tát tát mà thở dài: “Chuyện trào lưu Võ Tắc Thiên dăm bảy ngày ăn nhằm gì. Trào lưu “đồng hương” với nó là con sư tử đá Trung Quốc vẫn nghễu nghện ở các di tích Thủ đô cả chục năm tới tận ngày nay dù lời hứa của ông PGĐ Sở VHTT&DL Hà Nội là sẽ dẹp sạch tại các di tích trước 30/11/2014 đấy thôi? Nhưng nói đi cũng phải nói lại, lời hứa hốt hết linh vật ngoại được đưa ra nhanh chóng trong bối cảnh cả ngành văn hóa đang hừng hực khí thế những tưởng dẹp được linh vật ngoại lai một sớm một chiều.”
Ông chủ nói đế: “Giá mà ông ấy vào showbiz!”
Remote
Thể thao & Văn hóa
Tags