Hai người vừa chết do nhiễm liên cầu lợn, nhưng dịp đầu năm mới, nhiều người ở Hà Nội vẫn vô tư kéo nhau đi ăn tiết canh để lấy may, "lấy đỏ" cho cả năm.
Lòng lợn, tiết canh luôn được nhiều người ưa thích, nhất là nam giới - Ảnh: Bùi Thanh Xuân - Thanh Niên |
Ăn tiết canh “đỏ” cả năm
Sáng 20/2, tại một quán lòng trần cháo ở số 616 Đường Bưởi (Cầu Giấy, Hà Nội) lượng khách kéo tới quán gọi tiết canh đông kín. Số người tới quán đông hơn vào giờ nghỉ trưa. Ước tính, một ngày, quán có thể bán đến 500 bát tiết canh.
Tại các phố Nguyễn Văn Huyên, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Đội Cấn, Bạch Mai... những quán treo biển cháo lòng, tiết canh, lòng trần đông khách nhất vào các buổi sáng.
Chủ một quán cháo lòng tiết canh trên phố Đội Cấn (Q.Ba Đình, Hà Nội) cho hay, những ngày đầu tháng, đầu năm, cửa hàng bán được nhiều món tiết canh hơn để phục vụ thực khách.
Theo ghi nhận, tại những quán này, khách đến quán không chú ý đến việc món ăn được chế biến ra sao, chỉ cần thấy món ăn ngon mắt là sẵn sàng thưởng thức.
Tất cả các đĩa tiết canh đều được chủ cửa hàng chế biến sẵn từ trước, khách gọi là cho bưng ra. Tiết lợn được lấy từ đâu, nội tạng lợn được chế biến như thế nào, có hóa chất trong quá trình chế biến hay không thì không được ai để ý, quan tâm.
Tại chợ đầu mối Long Biên (Q.Long Biên, Hà Nội), chợ đầu mối phía Nam (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi cũng ghi nhận thực tế, từ 4-8 giờ sáng, các sạp hàng cung cấp thịt lợn luôn sẵn sàng những can tiết lợn đóng sẵn, để phục vụ “thượng đế” mua về tự chế biến tiết canh tại nhà.
Nhập viện sau khi ăn tiết canh
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), trong ba tuần qua đã có 12 ca nhiễm liên cầu lợn nhập viện, trong đó có hai trường hợp tử vong. Hiện vẫn còn năm bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có một bệnh nhân nữ 40 tuổi sống tại Hà Nội nhập viện sau khi ăn tiết canh.
Tiết canh thường được chọn là món khai vị cho bữa nhậu - Ảnh: Bùi Thanh Xuân |
Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu đến từ các tỉnh thành phía bắc như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội; phần lớn các bệnh nhân đều có liên quan giết mổ, chế biến, bán thịt hoặc ăn tiết canh.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh khởi đầu thường gây sốt cao, đau đầu, rét. Nhiều trường hợp nổi những ban tím dưới da nên có thể lầm tưởng là sốt xuất huyết. Các ban này có thể hình thành từng mảng lớn màu tím đen trên bề mặt da..."Liên cầu lợn nguy hiểm cho người, bởi nó có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim", bác sĩ Hà cho biết thêm.
Các bác sĩ cũng lưu ý, cần mang bảo hộ khi giết mổ, tiếp xúc với lợn, rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến, giết mổ. Đặc biệt lưu ý giữ vệ sinh các vết trầy xước trên da vì vi khuẩn dễ dàng xâm nhập khi tiếp xúc, nhiễm bẩn từ lợn, ngay cả khi đó là lợn khỏe. Tuy nhiên, ngoài lợn, loại vi khuẩn này còn có thể tồn tại ở ngựa, chó, mèo và chim.
Theo Thanh Niên