Tờ Telegraph hôm 20/10 cho biết chính phủ Anh đã công bố tài liệu Đánh giá Chiến lược Quốc phòng và An ninh (SDSR) của Chính phủ, trong đó hé lộ nhiều kế hoạch chi tiêu ngân sách quốc phòng trong tương lai.
Tàu sân bay hiện đại có thời gian phục vụ “siêu ngắn”
SDSR cho biết 1 trong 2 tàu sân bay lớn nhất, đắt tiền nhất và hiện đại nhất nước này sắp hoàn thành sẽ không được trang bị máy bay phản lực khi đi vào hoạt động mà chỉ có máy bay trực thăng. Đó là chiếc HMS Queen Elizabeth dài 284m, rộng 73m, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016. Sau 3 năm hoạt động, con tàu sẽ bị đưa ra khỏi kho trang bị. Một số nguồn tin Chính phủ khẳng định Queen Elizabeth sẽ không trở lại phục vụ nữa và có thể bị bán cho một số quốc gia khác để thu hồi khoản vốn khổng lồ mà chính phủ Anh đổ vào việc xây dựng con tàu.
Theo thiết kế ban đầu, một tàu sân bay thuộc loại này sẽ chứa 36 máy bay chiến đấu liên hợp JFS-F35B hoặc các máy bay Eurofighter Typhoon, F/A-18E/F Super Hornet và Rafale M, bên cạnh 4 máy bay cảnh báo sớm AWAC.
Không “hẩm hiu” như Queen Elizabeth, chiếc tàu thứ hai thuộc loại này là HMS Prince of Wales sẽ đi vào hoạt động từ năm 2019 và có thể sẽ được trang bị đầy đủ như thiết kế.
Ngoài 2 tàu sân bay kể trên, Anh cũng đang có kế hoạch loại ngay khỏi trang bị chiếc tàu sân bay đang hoạt động mang tên HMS Ark Royal. Chiếc tàu sân bay còn lại, HMS Illustrious, sẽ tiếp tục hoạt động trong vai trò một phương tiện vận chuyển máy bay trực thăng trước khi nghỉ hưu vào năm 2014.
Những thông tin này cũng có nghĩa Anh sẽ không có khả năng “tấn công từ tàu sân bay” một cách hiệu quả, theo đó tàu sân bay phải được trang bị máy bay phản lực, cho tới năm 2020.
Cắt giảm hàng loạt nhân lực, vũ khí
Trong kế hoạch giảm thiểu chi tiêu quốc phòng từ nay tới năm 2020, SDSR còn đề xuất việc cắt giảm quy mô của quân đội Anh. Theo đó, kế hoạch thay thế các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Trident sẽ bị trì hoãn cho tới cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm 2015. Việc trì hoãn này được cho là giúp tiết kiệm 750 triệu bảng. Số đầu đạn hạt nhân cũng bị cắt giảm từ 225 đầu đạn xuống còn 180.
Không quân Hoàng gia (RAF) sẽ giữ 134 chiếc máy bay chiến đấu đa nhiệm Tornado, nhận thêm 12 chiếc trực thăng Chinook, 40 chiếc máy bay chiến đấu liên hợp JFS-35. Tuy nhiên họ mất đi tới 5.000 nhân sự và 15 chiếc máy bay vận tải, tiếp liệu. 2 căn cứ không quân của RAF sẽ phải đóng cửa.
Tương tự, số lượng tàu chiến của hải quân sẽ giảm từ 24 tàu khu trục xuống còn 19 tàu. Toàn bộ 80 máy bay Harrier cất và hạ cánh thẳng đứng trên tàu sân bay sẽ bị loại bỏ. Khoảng 4.000 nhân viên hải quân sẽ phải đi tìm nơi làm mới.
Liệu Anh còn sức để tung ra cú đấm
Mặc dù có thể tiết kiệm cho Chính phủ nhiều tỷ bảng, những kế hoạch cắt giảm kể trên đã vấp phải không ít chỉ trích.
Tờ Telegraph không ngần ngại đặt tít “Xem xét lại quân đội, liệu Anh còn sức để tung ra cú đấm”. Còn tờ Daily Mail tuyên bố “Anh sẽ không bao giờ còn có thể chiến đấu một mình”.
Bất chấp những lời phản đối, Thủ tướng Cameron khẳng định Anh vẫn duy trì một sức mạnh quân sự hạng nhất thế giới. Hiện các kế hoạch cắt giảm của ông và nội các còn phải chờ sự phê duyệt từ Quốc hội Anh.