Người ấy sinh ra cách nay đúng 140 năm (15/6/1882) và qua đời cách đây 86 năm (1/5/1936). Đó là Nguyễn Văn Vĩnh. “Một con người Mới” là cách phiên nghĩa tránh dùng Hán Việt một bút danh nổi tiếng từ rất sớm và một thời. Đó là bút danh “Tân Nam Tử” của một người có tên là Nguyễn Văn Vĩnh.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Gọi ông là nhà báo cũng đúng vì ông là người sớm đưa báo chí hiện đại vào đời sống xã hội Việt Nam, trực tiếp làm nhiều tờ báo cả bằng Hán Văn, Pháp Văn, Quốc ngữ và đều là những tờ báo danh giá như Đại Nam Đồng Văn, Đăng Cổ Tùng Báo, Đông Dương Tạp Chí, L’Annam Nouveau, Trung Bắc Tân Văn….
Gọi ông là nhà văn hóa cũng đúng vì ông cổ xúy cho việc phát triển văn hóa dân tộc không chỉ bằng cách vận động cho Chữ Quốc ngữ lên ngôi, xây dựng nền tân học, hoạt động không biết mệt mỏi cho việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời lại truyền bá văn hóa nước ngoài, đặc biệt là của nước Pháp và Âu Tây vào nước ta. Ông là người cổ xúy và hoạt động tiên phong trong việc du nhập kịch nói, điện ảnh… vào Việt Nam.
Gọi ông là nhà hoạt động xã hội và chính trị cũng không sai khi ông là người sớm kêu gọi canh tân, đứng tên xin mở Đông Kinh Nghĩa Thục, chủ trương cả một đường lối không thỏa hiệp chống chế độ quân chủ, sẵn sàng chấp nhận nền trực trị của chính quyền thuộc địa mà ông cho rằng đó là con đường ngắn hơn để đến với nền dân chủ hiện đại…
Ông đương đầu với cám dỗ của chính quyền thuộc địa muốn ông thỏa hiệp với phái thủ cựu và chế độ quân chủ. Ông chấp nhận bị quy tội “khi quân” khi từ chối vái lạy mà chỉ chìa tay bắt tay Khải Định khi vị Hoàng đế bù nhìn ngự giá Bắc Hà… Và ông sẵn sàng trả giá cho sự kiên định quan điểm bất hợp tác với chế độ quân chủ theo cách sắp đặt của những kẻ chiếm đóng để chấp nhận cơ nghiệp bị phá sản và mất mạng trong cuộc phiêu lưu tìm lối thoát bằng các cuộc tìm kiếm vàng trên đất Lào…
Vậy mà trong một thời gian rất dài, nhân vật Nguyễn Văn Vĩnh luôn bị coi là gương mặt tiêu biểu của một khuynh hướng văn hóa vọng ngoại, một chính trị gia chấp nhận bị nô dịch cộng tác với thực dân… Cách đây 20 năm, có một cuộc hội thảo bàn về nhân vật lịch sử này với hy vọng mở ra được những cách đánh giá mới (không biết có được coi là sớm không?). Đến hôm nay, nhận thức về Nguyễn văn Vĩnh đã đi được một bước rất dài với rất nhiều cuộc hội thảo, nhiều công trình được công bố, mang tên một giải thưởng dịch thuật và một kho tàng các di sản “chữ nghĩa” và tư tưởng của ông.
Người đời nay dùng cách nói của chính ông để định danh Nguyễn Văn Vĩnh là “Người man di hiện đại” (le barbare moderne). Từ bút danh “Tân Nam Tử” đến tên báo L’Annam Nouveau (Nước Nam Mới), Nguyễn Văn Vĩnh hiển hiện như biểu tượng một con người luôn tìm đến cái Mới, tìm tòi con đường đổi mới (Canh Tân, Duy Tân) bắt đầu từ nên văn hóa của dân tộc của mình.
Sự đúng sai của con đường ấy đến nay, các nhà chuyên môn vẫn có thể còn tranh cãi, nhưng chỉ cần đọc lại những di cảo của ông, trong đó có một phần quan trọng bằng tiếng Pháp (đang được khai thác giới thiệu với người đọc) sẽ thấy có nhiều điều khiến người đời nay giật mình vì những quan điểm từ trên dưới trăm năm trước của ông đến nay vẫn mang tính thời sự, giải đáp những câu hỏi mà chính xã hội đương đại của chúng ta đã bước qua thế kỷ XXI còn đặt ra… Và chính cuộc đời chỉ sống có 53 năm trên trần thế (1882 - 1936) nhưng chứa đựng rất nhiều câu chuyện, bài học, chi tiết phong phú thường thấy ở một “vĩ nhân”.
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 34): Những bức ảnh chụp kỳ thi Hương, 1897
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 33): Bưu ảnh một thời vàng son
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 32): Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt
Trong cuộc phỏng vấn của nhà báo rất nổi tiếng đường thời là Thái Phỉ (đăng trên Tin Văn, số 1 và 2 năm 1935, theo trang trinhnhattuan 3/1/2022): chính Nguyễn Văn Vĩnh cho biết mình sinh năm 1882, tức là hai năm trước ngày Pháp đánh chiếm Thành Hà Nội, thì năm 1892, tức là khi mới lên 10, ông đã “tốt nghiệp” Trường Thông ngôn (xếp thứ 12). Nhưng vì tuổi còn quá nhỏ không thể “bổ” ra làm quan được, nên họ (người Pháp) bèn “đánh hỏng” bài thi, giữ lại thêm 4 năm, đỗ đầu kỳ thi rồi mới bổ lên Tòa sứ Lào Kai làm việc lúc mới… 14 tuổi. Còn những câu chuyện kể lưu truyền thì cho biết khi mới lên 5, Nguyễn văn Vĩnh đã có mặt tại Trường Thông ngôn (nay ở khu vực Trường Mạc Đĩnh Chi) không phài là học trò mà là “thằng bé kéo quạt” cho lớp học, nhờ vậy cậu bé được nghe và nhập tâm các bài giảng… cho đến khi các ông thầy phát hiện ra thì cậu bé kép quạt thông minh mới được nhập học chính thức…
Chuyên mục lần này không đủ dung lượng để viết về sự nghiệp và đánh giá tầm vóc của nhân vật này đối với lịch sử, nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh của “Nguyễn Văn Vĩnh - Tân Nam Tử”, chỉ xin giới thiệu một vài tấm ảnh (đến nay còn hiếm hoi) để chúng ta hình dung được phần nào cuộc đời vô cùng phong phú của ông.
QXN
Tags