Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 36): Vị hoàng đế suốt đời phụng sự Tổ quốc như vương hiệu của mình

Thứ Hai, 20/06/2022 19:33 GMT+7

Google News

Ba vị hoàng đế của triều Nguyễn được lịch sử vinh danh như những nhà yêu nước lớn của dân tộc đều lên ngôi trong hoàn cảnh nước đã mất chủ quyền về tay thực dân Pháp.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 35): Từng có 'Một con người Mới'

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 35): Từng có 'Một con người Mới'

Người ấy sinh ra cách nay đúng 140 năm (15/6/1882) và qua đời cách đây 86 năm (1/5/1936). Đó là Nguyễn Văn Vĩnh. “Một con người Mới” là cách phiên nghĩa tránh dùng Hán Việt một bút danh nổi tiếng từ rất sớm và một thời. Đó là bút danh “Tân Nam Tử” của một người có tên là Nguyễn Văn Vĩnh.

Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY

Với vị hoàng đế đầu tiên, Hàm Nghi (1871 - 1944) được các triều thần chủ chiến giúp rập đã ra chiếu kêu sĩ phu và dân chúng ứng nghĩa Cần vương cứu nước. Với vị hoàng đế thứ hai, Thành Thái (1879 - 1954), mới bộc lộ tư tưởng chống đối kẻ chiếm đóng đã bị thực dân vu là “điên rồ” để phế truất. Còn với vị hoàng đế thứ ba, được chính vua cha Thành Thái chọn làm người kế vị lên ngôi từ lúc còn thơ và được Khâm sứ Trung Kỳ giao cho một ông thầy người Pháp dạy dỗ, nhưng cho đến tuổi chớm thành niên đã bí mật liên kết với các thủ lĩnh chống Pháp, mưu nổi dậy khởi nghĩa lật đổ chế độ bảo hộ của thực dân. Đó là Hoàng đế Duy Tân (1900-1945).

Chú thích ảnh
Hoàng tử Vĩnh San lúc 5 tuổi và mẹ là bà Nguyễn Thị Định

Cả ba cuộc mưu cầu chống Pháp cứu nước của ba vị hoàng đề ấy đều bị thực dân Pháp dập tắt. Cả ba vị hoàng đế ấy lần lượt bị đi đầy ra những thuộc địa của nước Pháp ở Bắc Phi hay ngoài Ấn Độ Dương. Với cựu hoàng Hàm Nghi, Ngài tìm đến nền văn hóa phương Tây, làm học trò của danh họa Auguste Rodin, để trở thành một nghệ sĩ tạo hình tài danh và qua đời tại xứ người (Algérie). Với cựu hoàng Thành Thái, ông được trở về Tổ quốc năm 1945.

Riêng với Hoàng đế Duy Tân, như tên gọi vương hiệu, lại là người suốt đời tìm tòi cách cứu nước. Từ tinh thần “nước dơ thì chỉ lấy máu mà rửa”, Ngài đã tham dự như lãnh tụ tinh thần cuộc khởi nghĩa sau này được định danh là “Khởi nghĩa Duy Tân”. Bị thực dân truất phế, đầy ra đảo Réunion, cựu hoàng Duy Tân chọn lấy một nghề sống được trong thời bình và đắc dụng trong thời chiến, trở thành một chuyên viên kỹ thuật vô tuyến điện. Gắn mình với đời sống văn minh của thời đại mình đang sống, cựu hoàng học đua ngựa, chơi vĩ cầm… nhưng vẫn không nguôi tìm cơ hội cho Tổ quốc ở nơi rất xa xôi…

Chú thích ảnh
Huế, 5/9/1907, Đoàn kiệu rước Hoàng đế Duy Tân trong lễ đăng quang

Khi Thế chiến II bùng nổ, gặp lúc ra đời một nước Pháp mới, lưu vong, kháng chiến chống phát xít và luôn cổ động cho tự do của các dân tộc, cựu hoàng Duy Tân đăng lính, phục vụ ở chiến trường Châu Âu dưới ngọn cờ của Chính phủ Kháng chiến của tướng De Gaulle, đứng về phía Đồng Minh.

Hy vọng vào một nước Pháp mới sẽ chiến thắng sẽ giúp số phận dân tộc Việt Nam cũng sẽ được nương theo, ngày 5/5/1945 , cựu hoàng Duy Tân mới được De Gaulle chấp nhận cho đăng lính thì ngày 10/6, cựu hoàng đã gửi một thông điệp qua đài Tatanarive tới đồng bào của mình với những lời lẽ thống thiết: “Khi đồng bào thực hiện được một quốc gia trong tâm hồn của mình, khi đồng bào đã tự tay mình xây dựng nên một Tổ quốc, lúc ấy đồng bào mới đi đến độc lập, một nền độc lập dành được mà không cần nhờ cậy ai… không phải đạt được nhờ sự phân tranh của các cường quốc…”.

Tháng 6/1945, cựu hoàng lập tức được triệu về Paris để điều sang chiến trường Đức (đã đầu hàng) và được De Gaulle coi như một “giải pháp dự trữ”…

Trong lúc chờ đợi cơ hội, cựu hoàng Duy Tân đã viết một bản “chúc thư chính trị” (đăng trên tờ Combat 16/7/1945) trong đó nêu lên những nguyên tắc lập Chính phủ Việt Nam là phải thống nhất 3 kỳ, độc lập hoàn toàn và liên minh chặt chẽ với nước Pháp, phản đôi việc lôi kéo Mỹ và Trung Quốc làm “trọng tài”… Cựu hoàng bày tỏ: “Tôi ước mong tất cả những người An Nam nhận thức lại mình có một Tổ quốc và ý thức ấy thúc đẩy đồng bào xây dựng một quốc gia xứng đáng với Tổ quốc ấy… Bất chấp sự đoàn kết dân tộc ấy được thực hiện trong một chính thể cộng sản, bảo hoàng hay quân chủ, cốt yếu là tránh cắt xé. Người Pháp phải nhất quyết biết rằng là bất cứ trong trường hợp nào tôi cũng hành động cho lợi ích của dân tộc tôi cũng như cho lợi ích của dân tộc Pháp”.

Nhưng nước Pháp thắng trận của tướng De Gaulle đã chọn những giải pháp khác, khi thực tế, nước Việt Nam vốn được coi là ba kỳ trong Liên bang Đông Dương thuộc Pháp đã tuyên bố độc lập như một quốc gia thống nhất và có đầy đủ chủ quyền vào ngày 2/9/1945. Ngày 26/12/1945, trên đường bay về đảo Réunion để chia tay gia đình hy vọng sau đó sẽ về nước, chiếc máy bay chở cựu hoàng và 6 người khác đã gặp nạn rơi xuống làng Bossaka (Cộng hòa Trung Phi) một cách bí hiểm.

Vụ tai nạn đến nay vẫn còn là một câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng. Nhưng cựu hoàng Duy Tân đã trở thành biểu tượng của một người yêu nước tận tụy cho mục tiêu phụng sự như tên của vương hiệu ngài mang, giành cho Tổ quốc Việt Nam của mình cho đến lúc kết thúc cuộc đời. Ngày 6/4/1987, di cốt của Ngài được đưa về cải táng tại cố đô Huế, nơi mà Ngài đã bắt đầu cuộc đời của mình.

Chú thích ảnh
Chân dung mẹ Duy Tân
Chú thích ảnh
Trang bìa tờ Illustration (họa báo) ngày 24/10/1907 đăng ảnh và tin Duy Tân đăng quang
Chú thích ảnh
Hình ảnh một vị hoàng đế với bộ mặt trẻ thơ
Chú thích ảnh
…được in trên cả giấy bọc chocolat món ăn mới đang tiêu thụ mạnh ở thuộc địa
Chú thích ảnh
Vị hoàng đế trẻ thơ luôn được xuất hiện cạnh Toàn quyền Đông Dương A.Sarraut
Chú thích ảnh
Tàu Guadiana của Hãng Messageies Maritimes từng chở 2 vị hoàng đế Thành Thái và Duy Tân đi đầy ngoài đảo Réunion
Chú thích ảnh
Chân dung cựu hoàng Duy Tân thời gian lưu vong
Chú thích ảnh
Học nghề và trở thành một chuyên viên vô tuyến điện thuần thục
Chú thích ảnh
Thích môn đua ngựa
Chú thích ảnh
Biết chơi violon
Chú thích ảnh
Cựu hoàng Duy Tân trong quân phục quân nhân của nước Pháp Kháng chiến
Chú thích ảnh
Thời gian trong quân ngũ
Chú thích ảnh
Ông George Vĩnh San đeo huân chương Dragon d'Annam thay mặt vua cha Duy Tân và là người thu xếp đưa di cốt cựu hoàng về Huế

  QXN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›