1. Cần nhắc lại, Hoàng đế Tự Đức (1829-1883) là người đã cử sứ đoàn do Khâm sai đại thần Phan Thanh Giản dẫn đầu, qua Pháp để thương lượng lại các điều khoản "nhường đất" cho thực dân Pháp. Chuyến đi thất bại, sứ đoàn không mang về một điều khoản nào mới mẻ và có lợi cho quốc gia, nhưng trong những vật phẩm mà sứ đoàn mang về được vị hoàng đế chú ý là các tấm ảnh của các thành viên trong đoàn kể từ chánh phó sứ, các quan cấp dưới, những thông ngôn hoặc người theo hầu sứ đoàn đều được người Pháp chụp như một thông lệ ngoại giao…
Biết vậy, nhưng Tự Đức một mặt rất e ngại cảnh giác với mọi thứ từ phương Tây (Tây Dương) tới vừa giữ quan niệm truyền thống cho rằng dung nhan hoàng đế là cái mà thần dân và những kẻ xa lạ không được phép chiêm ngưỡng. Ngay khi hoàng đế vi hành trên đường phố trong kinh thành, không ai được phép ngồi trên gác mà phải đóng cửa sổ hoặc xuống nhà dưới bái vọng xa giá…
Tuy nhiên, Tự Đức cũng thấy cần tiếp cận với văn minh Thái Tây để ứng phó. Chính ngài đã cử người sang Pháp học nghề ảnh và khi trở về mở một cơ sở nhiếp ảnh ngay trên đất Thần Kinh vào năm 1878. Việc này được ghi chép trong chính sử (thực lục).
2. Nhưng trước khi hiệu ảnh ở kinh đô Huế được mở ngót một chục năm (1878) và chỉ 6 năm sau sự kiện sứ đoàn Đại Nam được chụp ảnh ở Pháp (1863) thì đã có một viên quan vốn nổi tiếng là có tư tưởng duy tân -người mà sau này được Phan Bội Châu coi là "người gieo mầm duy tân" - sau khi được triều đình cử qua Đại Thanh để "do thám Dương tình" tại đảo Hong Kong,không những đã học nghề, mà còn mua thiết bị về Hà Nội mở cửa hàng chụp ảnh.
Người đó là Đặng Huy Trứ và hiệu ảnh của ông đặt tại phố Thanh Hà (sát cửa Ô Quan Chưởng, Hà Nội), lấy tên là Cảm Hiếu Đường. Đặt tên như vậy vì chủ nhân lập luận rằng với người phương Đông chữ "hiếu" được đặt lên hàng đầu. Nhờ bức ảnh chụp có thể lưu lại cho nhiều thế hệ con cháu chiêm ngưỡng người sinh thành ra mình và các bậc tiền bối nên chụp ảnh cũng là cách"dưỡng hiếu".
Cũng vì quan niệm như vậy, quy định giá cả tấm hình tùy thuộc vào cương vị của người chụp, tức là người càng danh giá trong xã hội thì phải trả giá công chụp càng cao (!?). Nhưng cũng giống như hiệu ảnh ở Huế, đến nay cũng chưa thấy nhà sưu tầm nào lưu giữ được sản phẩm của cửa hàng danh tiếng này (?!). Ngay chân dung Đặng Huy Trứ cũng do thợ Tàu vẽ khi chủ nhân ở Đại Thanh.
3. Sau khi Tự Đức qua đời, các vị hoàng đế kế nghiệp đều tại vị rất ngắn, bởi sức ép của Pháp và những rối ren trong nội bộ triều chính, nên chân dung các hoàng đế Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc hầu như không có hoặc không còn…Chỉ có một bức ảnh chụp một người đứng bên cỗ xe ngựa, mà một số ý kiến vẫn coi là Kiến Phúc, nhưng chưa rõ bằng chứng để xác nhận.
Vị hoàng đế đầu tiên nổi dậy hô hào dân chúng dùng vũ lực đánh Pháp là Hàm Nghi, cũng chỉ ở ngôi được một năm, nên đến nay chỉ lưu được những tấm ảnh chụp ở giai đoạn ngài đã trở thành "cựu hoàng", sau khi bị thực dân Pháp phế truất và đầy qua châu Phi.
Những bức ảnh chụp ở hải ngoại, trong thời gian bị lưu đầy, cho thấy cựu hoàng Hàm Nghi luôn mặc trên người bộ quốc phục, ngay cả trong ngày cưới một phụ nữ Algérie tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo, hoặc khi đã trở thành một nghệ sĩ tạo hình thành danh theo phong cách Tây phương. Chưa thấy một bức ảnh nàongài mặc triều phục, cũng như Âu phục.
Tiếp theo, người được thực dân Pháp chọn kế vị "đấng quân vương nổi loạn" Hàm Nghi, là Đồng Khánh, kẻ đã theo quân Pháp đánh dẹp các nghĩa sĩ Cần Vương, cũng chính là hoàng đế Đại Nam đầu tiên chấp nhận việc để người Pháp chụp chân dung của mình.
Chính sử triều Nguyễn chép: Ngày 5/1/1886, "để tỏ tình giao hiếu và theo quốc tục phương Tây", Đồng Khánh "chọn ngày quang tạnh, mặc mũ áo đại triều, ngồi ở Điện Văn Minh" cho người Pháp chụp ảnh, rồi chuẩn cho in thành 2 tấm, một để dâng lên Hoàng đế Đại Nam, một tấm gửi cho nguyên thủ của nước Pháp để "nhận diện". Tấm chân dung này được gửi về Pháp và được một số tờ báo đương thời đăng tải.
4. Đồng Khánh trị vì cũng chỉ được 5 năm thì băng hàvà người kế vị lại là một vị hoàng đế có tinh thần yêu nước là Thành Thái (1879-1954), trị vì hơn 18 năm (1889-1907). Đây là thời kỳ xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi lớn gắn với cuộc khai thác thuộc địa của nước Pháp. Là người có ý thức tiếp thu cái mới, Thành Thái để lại nhiều tấm ảnh không chỉ trên ngai vàng, khi mới 10 tuổi, mà trong các sự kiện xã hội, hoặc tại nhiều nơi vi hành, như chuyến vào Sài Gòn (1898), chuyến ra Hà Nội khánh thành cầu Doumer bắc qua sông Hồng (1902)…
Kể từ đây thì việc chụp ảnh đã trở thành một nhu cầu của xã hội và đương nhiên ở vị thế đứng đầu "xã tắc", hình ảnh các vị hoàng đế của triều đình Đại Nam thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ngày càng nhiều, đặc biệt đối với hai cha con vị hoàng đế cuối cùng là Khải Định và Bảo Đại.
Dẫu sao những tấm ảnh này đã trở thành một nguồn sử liệu quý giá…để chúng ta hiểu hơn về quá khứ, về các vị hoàng đế cuối cùng của nền quân chủ nước ta và cả một phần lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam.
Tags