Tây Kinh được hiểu là kinh đô của nước Pháp (Paris). Đó là vần mở đầu của một câu thơ vịnh về cảm xúc gắn với một sự kiện lịch sử xảy ra cách nay vừa tròn 160 năm. Câu thơ ấy tương truyền là của Thượng thư Phan Thanh Giản, người dẫn đầu sứ đoàn của nước Đại Nam, theo lệnh của Hoàng đế Tự Đức qua Pháp và Tây Ban Nha để thực hiện một sứ mệnh rất hệ trọng của triều đình.
Về chuyến đi sứ này, danh nghĩa chỉ là chuyển quốc thư của Hoàng đế Đại Nam cho các vị đứng đầu hai quốc gia đã ký kết một văn bản có cái tên rất hoa mỹ "Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị" vào ngày 5/6/1862 tại Sài Gòn. Nhưng thực chất đó là lại là một văn bản thỏa hiệp, nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ của Pháp và Tây Ban Nha bằng việc triều đình nhượng chủ quyền 6 tỉnh Nam kỳ và trả một món chiến phí không nhỏ cho đạo quân xâm lược. Với dân chúng, thì đó là một văn bản bán nước.
Việc ký kết này được Hoàng đế Đại Nam là Tự Đức giao toàn quyền cho Thượng thư Phan Thanh Giản thương lượng và ký kết. Nhưng nhận thấy những thỏa hiệp ấy đã xúc phạm tới các bậc tiên đế và làm mất lòng tin của thần dân, nên Tự Đức một mặt dồn trách nhiệm để mất đất cho viên đại thần vốn được tin cậy nhất. Đồng thời cũng phái chính Phan Thanh Giản dẫn đầu một sứ đoàn qua châu Âu gặp những vị "giám quốc" (người có quyền nhất) của 2 nước đồng ký kết nhằm xin được "xem sửa lại" những điều khoản liên quan đến đất đai, hoặc nói đơn giản là xin được "chuộc đất".
Đương nhiên, ý đồ của Tự Đức chỉ là một ảo tưởng, vì các thế lực thực dân vào thời điểm này còn đang mong mở mang thuộc địa rộng khắp hơn nữa.Thực tế, sau chuyến đi sứ bất thành này, cuộc chiến tranh mở rộng đất đai và ảnh hưởng của Pháp còn diễn ra quyết liệt hơn, khiến Phan Thanh Giản bất lực, phải mượn liều độc dược để "tự chuộc lỗi lầm"; còn Tự Đức băng hà (1883) giữa lúc lãnh thổ của vương quốc tiếp tục bị ngoại bang giành đoạt.
Chuyến đi sứ này được sử sách của triều đình ghi, được một số thành viên trong sứ đoàn viết thành văn, thơ truyền lại. Hoạt động của sứ đoàn ở châu Âu còn được một số cơ quan truyền thông của các nước phương Tây tường thuật… Đặc biệt, vào thời điểm này, chuyến đi của sứ đoàn còn được lưu lại bằng một công nghệ còn rất mới mẻ của Pháp, đó lànhiếp ảnh.
***
Cả đoàn đi sứ gồm có 88 thành viên, ngoài chánh sứ là Phan Thanh Giản, còn 2 phó sứ là Ngụy Khắc Đản và Phạm Phú Thứ, dàn tùy tùng có 64 người, chết 2 người ở dọc đường. Đoàn rời Huế ngày 21/4/1863, vô Đà Nẵng rồi vô Sài Gòn, được bổ sung thêm một số thông ngôn người Việt, trong đó có Trương Vĩnh Ký và Tôn Thọ Tường.
Ngày 5/7/1863, sứ đoàn theo tàu Européen rời Sài Gòn qua Singapore (8/7), qua kênh đào Suez (17/8), tới Alexandrie và thủ đô Le Caire của Ai Cập (8/8), chờ chuyển tàu để đi vào Địa Trung Hải. Mãi tới ngày 9/9 sứ đoàn mới cập cảng đầu tiên của nước Pháp (Toulon), đến ngày 11/9 mới lên bờ tại cảng Marseille và ngày 13/9/1863 theo tàu hỏa mới đặt chân lên kinh đô Paris…
Sứ đoàn được tiếp đón chu đáo, được thăm nhiều thắng cảnh, các khu công nghệ, vui chơi, được gặp gỡ các đoàn ngoại giao… và được chỉ dẫn để làm quen với những tập quán mới mẻ của xứ sở còn quá nhiều điều xa lạ. Nhưng chủ yếu là để chờ ngày Hoàng đế Pháp thu xếp thời gian tiếp.
Mãi cho đến ngày 5/11/1863, Hoàng đế Napoléon Đệ tam mới tiếp sứ đoàn Đại Namtại Cung điện Tuileries (Túy Liên). Nghi thức trang trọng, lời lẽ thiện chí, nhưng những mục tiêu mà Tự Đức giao phó cho đoàn thì chỉ nhận về bằng một lời hứa: Đó là sẽ giao cho một viên quan Pháp, vốn thiện chí với Đại Nam, xem xét để trình một phương án sửa đổi phù hợp.
Viên quan ấy là người rất quen biết với triều đình Việt Nam, học rộng, nhưng mưu sâu. Đó là Gabriel Aubaret, tên Hán-Việt là Hạ Bá Lý.Y nhận lời và tỏ ra ủng hộ triều đình soạn thảo văn bản mới,nhưng rề rà tựa "câu giờ"… Rút cục, lấy lý do những thực dân và quan chức ở thuộc địa chống đối quyết liệt nên việc sửa Hiệp ước không thành. Hơn thế nữa, quân Pháp còn tiếp tục gây hấn để mở rộng cuộc chiến và buộc triều đình phải ký những hiệp ước tiếp theo với những điều khoản còn tệ hại hơn trước.
Rời Paris ngày 10/11/1863, sứ đoàn còn qua Madrid, kinh đô Tây Ban Nha, nhưng chuyến đi chỉ thuần túy mang tính chất xã giao, vì trên thực tế, nước Tây Ban Nha cũng đã bị Pháp gạt ra khỏi những lợi ích liên quan đến Nam kỳ và trên toàn bán đảo Đông Dương… Gặp bão ngoài đại dương, nên mãi đến tháng Hai năm Giáp Tý (cuối tháng 3/1864), sứ đoàn mới về tới Huế.
Chính trong thời gian chờ đợi Hoàng đế Pháp tiếp đón, Chánh sứ và tất cả đoàn viên đều cố gắng tìm cách thực hiện lời Tự Đức dặn là "gây dư luận thuận lợi cho chính nghĩa của ta…làm cho chính phủ Pháp mềm lòng", nhưng không kết quả, thì rất nhiều sự việc đã tác độngvào nhận thức của những người lần đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây.
Từ việc mọi người trong sứ đoàn phải đi chụp ảnh để hoàn tất thủ tục ngoại giao được coi là bắt buộc và cũng là một thú vui mới lạ, đến việc tập đi…giày. Phía chủ nhà rất bất ngờ nhậnđược đề nghị của phía khách là Sứ đoàn sẽ đi…đất (chân trần) đến gặp Hoàng đế Pháp để… tỏ lòng kính trọng như tập quán ở Đại Nam.
Phải thuyết phục khó khăn lắm phía Việt Nam mới chấp nhận để chủ nhà đóng giày theo quy cách "chức càng cao thì ống giày càng cao". Do vậy, sau này khi Hoàng đế Khải Định thăm Pháp, trong bộ nhung phục được thiết kế có một đôi ủng mà ống cao tới sát đầu gối, như tập quán cuối thế kỷ XIX, trong khi nguyên thủ của nước Pháp vào năm 1922 chỉ đi đôi giày "hở mắt cá" (đươngnhiên là sang trọng).
Phía Việt Nam cũng được khuyến nghị và tập huấn để lúc dự tiệc biết sử dụng được các loại khăn và giấy ăn, khỏi khạc nhổ và dùng hai ngón tay vuốt mép...như tập quán ở nhà. Khi chép lại những câu chuyện này, chủ nhà không quên lịch sự nói rằng đây chỉ là việc sửa những thói quen mà mỗi xứ sở vốn khác nhau, cũng tựa như buổi đầu đến Pháp của các nhà ngoại giao Xiêm La hoặc Nhật Bản…
Những cái khác biệt tưởng như nho nhỏ ấy cùng với việc tiếp cận những thành tựu mới của khoa học, công nghệ, kinh tế, khí tài chiến tranh…của nước Pháp khiến cảm xúc của vị Chánh sứ cách nay 160 năm phải "hạ" tiếp một câu:"Từ ngày đi sứ tới Tây Kinh/ Trông chuyện Âu châu phải… giật mình".
Giật mình vì khiếp sợ hoặc để bừng tỉnh chính là câu chuyện tiếp theo của những thế hệ người Việt Nam khi tiếp xúc với nền văn minh phương Tây vậy.
* Ảnh trong bài có khai thác từ nguồn ảnh của Flicker Mạnh Hải
Tags