Với một đất nước có hơn 3.000 cây số bờ biển, vô số đảo nổi và đảo chìm, cùng nhiều dải san hô, thì việc chứng kiến những rủi ro đường biển là dễ thấy. Các thế kỷ xa xưa để lại bằng chứng là những xác tàu đắm mà giới khảo cổ quốc tế coi vùng Biển Đông của nước ta ngày nay là một kho báu ẩn dấu tài nguyên cổ vật.
Bước sang thời cận đại cũng là thời của hàng hải phát triển gắn với thương mại và các cuộc chinh phục thực dân, Biển Đông chứng kiến những chiến thuyền ngày càng hiện đại của phương Tây, đặc biệt là của nước Pháp đang tìm cách chinh phục bán đảo Đông Dương.
Và lịch sử hàng hải thuộc địa của Pháp ghi nhận những vụ đắm tàu "kinh điển" (ngoại trừ tàu đắm trong chiến trận) được chép vào sử sách.
Sớm nhất chính là một con tàu đã tham gia những trận đánh đầu tiên của cuộc xâm lược do thực dân Pháp và Tây Ban Nha tiến hành khởi đầu từ ngày 1/9/1858 tại cửa biển Đà Nẵng. Sự chống trả của quân và dân Đại Nam đã khiến quân xâm lược sau một năm bị "dẫm chân tại chỗ" đã buộc hạm đội Pháp -Tây Ban Nha phải rời bán đảo Sơn Trà để hướng vào đánh chiếm Nam kỳ.
Đây cũng là lúc Tây Ban Nha dần bị Pháp gạt ra khỏi cuộc đua giành thuộc địa tại khu vực này. Do vậy, tháng 3/1860 hơn 1.100 quân Tây Ban Nha (đại đa số lính là người Tagals, tức dân bản địa của Philippines từ lâu đã là thuộc địa của Tây Ban Nha) được hồi hương. Pháp đã điều chiếc tàu vận tải quân sự mang tên Europe (châu Âu) thực hiện công việc này.
Chiếc tàu chở cả ngàn người không gặp bão, nhưng bị các dòng hải lưu đưa đẩy vòng lên tận đảo Hải Nam, sau lại trôi xuống ngang với Đà Nẵng… rồi cuối cùng mắc cạn vào các dải san hô và cát ngầm gần đảo Tri Tôn, hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, gần nhất với bờ biển Vương quốc Đại Nam (Quần đảo Hoàng Sa đã được các triều đại phong kiến Việt Nam xác lập chủ quyền từ rất sớm). Con tàu đã không thể di chuyển, rồi bị sóng đánh hỏng, không thể sửa chữa và chỉ chờ một cơn bão là chìm hẳn.
Tình thế tưởng chừng tuyệt vọng cho hơn một ngàn thủy thủ Pháp và binh lính Tây Ban Nha. May mắn thay, sáng kiến của một nhóm 13 thủy thủ sử dụng một loại pháo hạm rất nhỏ của quân Tây Ban Nha được tàu Europe dắt theo để phục vụ, đã dũng cảm dùng chèo tay để tìm cách trở về tổng hành dinh của quân Pháp đóng ở Sài Gòn cầu cứu, không ngờ lại… thành công.
Nửa tháng sau, từ Sài Gòn, tàu Norzagaray vốn là một chiếc hộ tống hạm nhỏ mà người Pháp đã dùng để đánh chiếm và tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ sớm nhất là Côn Đảo đã được điều ra đảo Tri Tôn… Và như một sự may mắn thần kỳ, tất cả những người trên tàu Europe đã được cứu sống. Nó đã được tàu Norzagaray vốn chỉ chở được hơn 100 người nay đưa được hơn 1.000 người rời đảo Tri Tôn ra vịnh Xuân Đài (Phú Yên) để chờ các tàu lớn tới cứu giúp.
Phần lớn số người bị nạn được đưa về Manila, có khoảng hơn một trăm người Philippines trở lại Sài Gòn, họ không cầm súng mà hòa cùng cư dân bản địa kiếm sống, trong đó có một số người lại nhập vào hàng ngũ nghĩa quân Nam kỳ chống lại quân Pháp.
Tất cả chi tiết của vụ đắm tàu này đã được các nhân chứng thuật lại được đăng trên 4 số liên tiếp (từ 14/6 đến 5/7/1862) của tờ Le Monde Illustrée, tờ tuần báo có minh họa bằng hình nổi tiếng của nước Pháp ra mắt từ 1854 và phản ánh rất sát tình hình cuộc chinh phục của nước Pháp ở Đông Dương.
Vụ đắm tàu liên quan đến đảo Tri Tôn cũng cho thấy hoạt động hàng hải từ thời đó vẫn coi khu vực Biển Đông có quần đảo Hoàng Sa gắn với đất liền của Đại Nam không chỉ vì khoảng cách địa lý, mà việc tổ chức cứu trợ khi tàu thuyền gặp nạn cũng chủ yếu từ đất liền của vương quốc này.
Bước vào đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam thực chất đã trở thành thuộc địa của Pháp, vùng biển này càng trở nên sôi động. Chính đây là con đường hạm đội Nga hoàng đã "hành quân" và mượn cảng Cam Ranh để củng cố hậu cần trong cuộc chiến tranh với Nhật Bản (1905 - 1907) mà đỉnh điểm là trận hải chiến ở eo biển Đối Mã (Tushima). Do vậy, nước Pháp cần tăng viện cho Đông Dương để phòng thủ bờ biển và những lợi ích thuộc địa.
***
Năm 1904, hải quân Pháp quyết định điều sang Đông Dương một trong những chiến hạm vừa mới đóng và được coi là tiên tiến nhất của mình. Đó là chiếc tuần dương hạm (croiseur) "Sully", mang tên một vị thượng thư của triều đình Henri IV.
Chiến hạm có trọng tải 9.800 tấn, dài 139,8m, rộng 20,2m, trang bị hỏa lực rất mạnh, giá thành tới 32 triệu F. Tàu được khởi công đóng ngày 24/5/1899, hạ thủy ngày 4/6/1901, bắt đầu vận hành và biên chế vào hải quân Pháp đầu năm 1904.
Ngày 29/1/1904, tàu Sully được lệnh nhổ neo từ Cảng Toulon (Pháp) chạy thử nghiệm dự kiến hoàn thiện vào tháng 6 năm đó rồi điều sang Đông Dương.
Nhưng ngay trong chuyến hải trình đầu tiên, chưa kịp cấp bến Đông Dương (dự kiến là Hải Phòng) thì ngày 7/2/1905, tuần dương hạm Sully đã vấp phải đá ngầm trong vịnh Hạ Long tại khu vực gần đảo Carnot và hẻm Henriette (còn gọi là đảo Sà Lan), có tài liệu cho rằng vị trí gần hòn Con Cóc và làng chài Cửa Vạn, về sau này dân vẫn gọi là "vũng tàu đắm".
Pháp đã điều 2 hạm tàu Guyedon và Assas đến cứu hộ, nhưng không được, con tàu mới và hiện đại thuộc loại hàng đầu trong hạm đội Pháp đã bị gẫy làm đôi vì những cơn biển động, trở thành một "di tích" nửa chìm nửa nổi, trước khi bị chìm hẳn. Vụ đắm tàu gây chấn động, được giới làm bưu ảnh khai thác triệt để…
***
Cũng vào năm 1905, hàng hải Đông Dương còn chứng kiến một tai họa làm rúng động dư luận là chiếc tàu hành khách mang tên Châu Đốc của Công ty Hàng hải Quốc gia (Compagnie Nationale de Navigation) bị nạn.
Khởi hành từ cảng Toulon qua Đông Dương, chở 600 hành khách, sau khi qua kênh đào Suez, ngày 28/6/1905 đã bị mắc cạn ở vịnh Aden, sau đó bị cướp biển Somalia kéo ra chiếm tàu, tịch thu mọi hành lý, tư trang và đưa khách vào bờ làm con tin… Nhờ nỗ lực thương lượng, số hành khách được thả và nhờ tàu Smolensk của Nga đến giải cứu đưa về Đông Dương.
Xin nói thêm, Công ty Hàng hải Quốc gia là hãng tàu sớm nhất được chính phủ Pháp giao việc duy trì thường xuyên tuyến hàng hải nối thuộc địa với chính quốc, tất cả tàu của hãng này đều có tên bắt đầu bằng chữ "C", trong đó có các tàu "Chợ Lớn", "Cao Bằng"…
Trường hợp đắm một chiến hạm hiện đại và mới toanh như tuần dương hạm Sully cũng lặp lại 34 năm sau đó, khi chiếc tàu ngầm Fénix của hải quân Pháp tăng cường cho Đông Dương lúc Đại chiến II sắp bùng nổ thì bị chìm ngày 15/6/1939 và không bao giờ lên khỏi mặt nước tại vịnh Cam Ranh (xem báo TT&VH ngày 23/8/2021). Đó là một số vụ đắm tàu được ghi trong lịch sử Đông Dương thời thuộc Pháp.
Tags