Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền

Thứ Hai, 17/07/2023 18:45 GMT+7

Google News

"Tràng Tiền" là cách gọi dân dã về "xưởng đúc tiền" mà triều Gia Long lập ở Hà Nội năm 1808, thời điểm nơi đây không còn là kinh đô nữa. Tên gọi Tràng Tiền được đặt cho một đường phố được lập sớm nhất thời người Pháp thống trị, nhưng lại vào thời điểm người Pháp mất đi vị thế đó. 

Cụ thể, sau cuộc đảo chính của Nhật (9/3/1945), thị trưởng thành phố Hà Nội của Chính phủ Trần Trọng Kim đã quyết định dùng tên gọi Tràng Tiền để thay thế cho con đường vốn mang tên Paul Bert, Tổng trú sứ Trung và Bắc kỳ.

1. Paul Bert (1833 - 1886) từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi Viện sĩ Viện Hàm lâm Pháp, được cử sang làm viên quan dân sự đầu tiên đứng đầu 2 xứ bảo hộ là Bắc và Trung kỳ. Được bổ nhiệm vào tháng 1/1886, chỉ tại vị không đầy 1 năm, Paul Bert bị chết vì dịch bệnh (11/1886).

Là nhà cai trị thực dân đầu tiên chủ trương "hợp tác" với người bản địa để củng cố lợi ích của nước Pháp ở thuộc địa một cách bền vững, Paul Bert được tôn vinh như người đã khởi động cho công cuộc khai thác thuộc địa, nên tên tuổi được đặt cho nhiều công trình công cộng như tượng đài (ở Hà Nội) và đường phố (ở Huế, Nam Định, Hải Phòng…). 

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 1.

Biển tên phố bằng gỗ khảm ốc trai

Chỉ 2 năm sau khi Paul Bert chết, triều đình Đồng Khánh đã ký giao cho Pháp 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng (Tourane) làm đất "nhượng địa" để lập thành 3 thành phố thuộc địa. Đó chính là thời điểm mà chính quyền Pháp quyết định đặt tên Paul Bert cho đường phố đầu tiên khởi đầu từ khu nhượng địa (concession) để đóng quân và lập tòa lãnh sự ở khu vực Đồn Thủy, sát với sông Hồng và cửa ô Tây Long (1874), đi sâu vào khu đất mới tiếp quản cho đến sát bờ Tây hồ Hoàn Kiếm.

Đây chính là con đường xưa nối phủ Chúa Trịnh ở bờ Đông hồ Hoàn Kiếm đi thẳng theo trục Đông - Tây ra sông Hồng, qua cửa Tây Long. Con đường này đã tàn tạ từ lâu, nhưng nó được làm sống lại kể từ khi Pháp đặt nhượng địa ở Đồn Thủy. Từ nhiều vùng miền, người bản xứ đã kéo đến mở quán buôn bán với người Pháp, trong đó những người thợ khảm từ các làng nghề đến để tiêu thụ loại sản phẩm mà người ngoại quốc rất ưa chuộng và coi đồ khảm Việt Nam là tinh xảo nhất khu vực. Vì thế con đường này được người Pháp gọi một cách ước lệ là "phố thợ khảm" (rue des incrusteurs), nằm trên đất của tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương…

Sau năm 1888 và nhất là từ khi mang tên Paul Bert, thì tên gọi "phố thợ khảm" dần bị xóa sổ, dân sinh sống và buôn bán tại đây cũng bị dồn đuổi, sau này chỉ còn một bộ phận nhỏ rút về trụ lại ở phố Hàng Khay một thời gian. Còn phố Paul Bert không ngừng được nâng cấp về hạ tầng và thu hút người Âu đến đầu tư để nhanh chóng trở thành một phố thương mại điển hình của thành phố thuộc địa.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 2.

Tượng Paul Bert tại Hà Nội

2. Quá trình này được kích thích mạnh mẽ dưới thời Toàn quyền Paul Doumer, bắt đầu nhiệm kỳ từ 1897. Đẩy mạnh khai thác thuộc địa trên toàn Liên bang Đông Dương, với hệ thống hạ tầng nhanh chóng hiện đại hóa. Với Hà Nội, Paul Doumer không chỉ để lại dấu ấn bằng chiếc cầu thép mang tên mình hoành tráng, mà còn xác lập thành "thủ đô" của toàn xứ, trực tiếp làm cho con đường mang tên Paul Bert "thay da đổi thịt", khi chủ trương tổ chức cuộc Đấu xảo Hà Nội 1902.

Sách Le Tonkin En 1900 (Bắc Kỳ 1900) của Robert Dubois mô tả: "Phố Paul Bert là tuyến đường huyết mạch chính của thương mại Pháp. Những khách sạn lớn, tiệm cà phê sang trọng, hiệu sách, hiệu may, hiệu cắt tóc, hiệu bánh, hiệu thuốc Tây… đều tập trung trên phố này. Đây cũng là nơi gặp gỡ thường xuyên của giới thương nhân"…

Tuy nhiên sự mô tả ấy nhanh chóng trở nên nghèo nàn so với thực tế thay đổi của con đường này. Chỉ dài hơn 200 thước qua một ngã tư duy nhất, nhưng phố Paul Bert được cắt ngang bởi những đại lộ (boulevard) đều mang tên các quân nhân Pháp tử trận trong cuộc chinh phục Hà Nội: Bobillot (nay là phố Lê Thánh Tông), Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền) và Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng)… Đường sá được mở mang, trải nhựa, đèn điện công cộng được thắp sáng, nên cũng được chụp ảnh nhiều hơn cả.

Không thể không nói đến các tòa nhà thương mại được xây sớm nhất và lớn nhất tại đây. Ngay đầu phố là Garage Bobillot chuyên doanh các loại máy chạy hơi nước, cơ khí và xe đạp, có thời gian nó là đại lý độc quyền của hàng Peugeot danh tiếng.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 3.

Không ảnh, nhìn phố Paul Bert từ trên máy bay

Sát kề là tòa nhà thương mại của Hãng Charière, sau đổi tên là Poinsard & Veyret, chuyên bán các máy nông cụ, đồ kim khí, các loại thực phẩm nhập ngoại… Cuối phố, cùng dãy, là tòa nhà thương mại nổi tiếng nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, với nhiều lần thay tên đổi hiệu, nhưng danh tiếng nhất là Godard và Union Commerce…

Đối diện bên kia đường, cùng nhìn ra hồ, có thời là quán bar Royal Tavernier nổi tiếng nhất khu phố. Gần kề với khách sạn lớn và sang nhất khi đó là Métropole, dọc phố Paul Bert cũng có 2 khách sạn Coq d'Or (Gà vàng) và Hà Nội, cũng như quán Café de la Paix nổi tiếng ra mắt sau Thế chiến I, được coi là nơi gặp gỡ của những người Âu nổi tiếng ở thủ đô Đông Dương… Cũng trên lĩnh vực kinh tế, thập niên 1920 xuất hiện Ngân hàng Pháp - Á, đặt trụ sở tại địa điểm Bộ Công thương hiện nay và thập niên 1940 có thể là Trung Hoa ngân hàng.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 4.

Phố Paul Bert về đêm

3. Nhu cầu văn hóa cũng được đường phố này đáp ứng, danh giá nhất vẫn là nhà hát thành phố sang trọng ngay đầu phố, khai trương năm 1911 và giữa phố có rạp chiếu bóng Palace (sau đổi là Eden) cũng được coi là lớn và sớm nhất. Giữa phố có một tòa nhà lớn, với nhiều chức năng, khi là cửa hiệu dược phẩm lớn nhất Hà Nội, tức là trụ sở của hãng Debeaux, nhưng có thời lại là trụ sở của Đại học Đông Dương…

Kể từ khi có Nhà hát Lớn, phố Paul Bert có xu hướng nối dài ra ngoài cửa ô Tây Long - lúc này đã mang tên Cửa nước Pháp (Porte de la France) - lúc xây Bảo tàng Louis Finot trưng bày nghệ thuật Đông Nam Á và Đông Dương. Trên phố này có tới 2 nhà in lớn là Taupin và IDEO, một nhà sách và phát hành báo chí, đồng thời cũng là nơi đặt tòa soạn tờ tạp chí danh giá Revue Indochinoise

Lẽ tự nhiện, con phố thuộc địa sầm uất việc mua bán, chốn đô hội của người Âu và tầng lớp thượng lưu bản xứ này cũng từng chứng kiến nhiều sự kiện không thể quên. Đó là vụ đánh thuốc nổ diệt sĩ quan Pháp của nhà yêu nước Nguyễn Khắc Cần tại Khách sạn Hà Nội (1910), mà ngày nay tên của vị liệt sĩ đã được đặt tại chính địa điểm diễn ra sự kiện, sát với phố Tràng Tiền.

Đặc biệt là những ngày tháng 8/1945, cũng như những năm tháng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, thì phố Tràng Tiền cùng với Quảng trường Nhà hát Lớn trở thành tâm điểm diễn ra những sự kiện lịch sử…

Ngày nay, dù Thủ đô Hà Nội rộng mở và khang trang hơn rất nhiều, nhưng không gian của phố Tràng Tiền và Nhà hát Lớn thì vẫn vẹn nguyên những giá trị, dường như không hề thay đổi.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 6.

Trung tâm thương mại Godard nổi tiếng

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 7.

Toàn cảnh phố Paul Bert nhìn từ Đông sang Tây

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 8.

Lúc có đèn điện, nhưng đường chưa trải nhựa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 9.

Lúc đang chỉnh trang đường sá

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 10.

Thuở chưa có Nhà hát Lớn Hà Nội

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 11.

Công ty Charière khi đang hưng thịnh

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 12.

Trở thành đại lý

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 13.

Tòa nhà Đại học Đông Dương

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 14.

Đường sá được rải nhựa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 15.

Trung Hoa ngân hàng trên phố Paul Bert

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 16.

Nhà hát thành phố lúc mới xây

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 17.

Rạp chiếu bóng Palace

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 18.

Quán cà phê La Paix trong ngày hội

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 19.

Khách sạn Hà Nội, nơi diễn ra vụ đánh thuốc nổ năm 1910

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 20.

Hiệu sách và nhà in Taupin

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 21.

Bên trái là tòa soạn “Revue Indochinoise”

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 22.

Phố Tràng Tiền vốn trồng nhiều cây xanh, nhưng bị đốn chỉ vì người Tây sợ tiếng ve

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 23.

Tây diễu binh

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 24.

Quần chúng cách mạng trong ngày khởi nghĩa 19/8/1945

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 25.

Đường phố trong Tuần lễ vàng xếp hàng đóng góp

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 26.

Đón đoàn quân từ chiến khu về

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 27.

Khai mạc triển lãm Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám lần thứ nhất

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 77): Phố Paul Bert nay là Tràng Tiền - Ảnh 28.

Diễu hành tiễu trừ nạn đói trên đường phố Tràng Tiền

QXN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›