Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam

Thứ Hai, 21/08/2023 16:40 GMT+7

Google News

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã xác lập cho dân tộc Việt Nam nền độc lập và thể chế dân chủ cộng hòa. Cuộc cách mạng ấy cũng xác lập lại vị thế của Hà Nội tiếp nối Thăng Long trở lại là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngay trong những ngày độc lập đầu tiên, để ứng phó với biết bao nhiêu thử thách "ngàn cân treo trên sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huy động đến tối đa không chỉ nguồn lực vật chất nhờ vào sự đóng góp của toàn dân, nhờ vào sự chấp nhận hy sinh vô bờ bến của người dân mà còn huy động tối đa nguồn lực to lớn là sức mạnh tinh thần bao gồm cả sức mạnh tâm linh của một dân tộc luôn nặng lòng với  đạo nghĩa cùng những di sản tinh thần của quá khứ.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 1.

Giỗ Tổ Hùng Vương tại Hà Nội

Trong một thời gian không dài của những năm tháng đầu tiên của nền độc lập non trẻ, chúng ta có thể ghi nhận được một số sự kiện chứng minh cho điều đó diễn ra tại Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và qua những tấm ảnh…

Chỉ hơn 3 tuần lễ sau Ngày Độc lập, ngày 25/9/1945 là giỗ Đức Thánh Trần. Thấm nhuần tập quán dân gian "Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ", ngày 22/9, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu đã có thông tri tới các địa phương yêu cầu tổ chức ngày giỗ Đức Thánh Trần một cách trọng thể.

Tờ Dân quốc đương thời đưa ra lời đánh giá về chủ trương này: "Một chứng cớ hiển nhiên là hàng năm, cứ đến ngày 20/8 âm lịch, hàng vạn dân Việt Nam nô nức về Kiếp Bạc chiêm ngư­ỡng Đức Hưng Đạo Vương. Từ năm này sang năm khác, cái sóng ngư­ời làm ngập đền Kiếp Bạc đã giữ vững cho chúng ta cái kỷ niệm của bậc danh tướng đời Trần, đã luôn luôn bắt chúng ta không đ­ược quên cái chiến công oanh liệt trên sông Bạch Đằng.

Năm nay, lần thứ nhất chúng ta đ­ược tự do làm giỗ Đức Trần H­ưng Đạo có tính cách  quốc gia. Cái quyền yêu n­ước, cái quyền sùng kính danh nhân Việt Nam, chúng ta đã lấy lại đ­ược rồi... Dựa vào những tầng lớp thanh niên đầy quả cảm, dân tộc Việt Nam lại thắng một lần nữa, cũng như­ các vị anh hùng cứu quốc khi xư­a".

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ cầu hồn cho đồng bào và chiến sĩ hy sinh vì nước tại Nhà thờ Lớn Hà Nội

Mô tả của báo chí đương thời là hàng vạn quần chúng đã tề tựu trước Nhà hát Lớn Hà Nội theo các tổ chức như Phụ nữ cứu quốc, Tự vệ thành, học sinh Trường Quân chính... và đội hướng đạo sinh mang tên Vạn Kiếp. Các tầng lớp nhân dân và đoàn thể sau những nghi thức trang trọng và hào hùng tinh thần "Sát Thát" của quân tướng thời Trần đã lần lượt dâng lên Đức Thánh những lễ vật của mình và kết thúc buổi lễ. Ban tổ chức đã vận động thực hiện "đời sống mới", khuyến nghị nhân dân không đốt vàng mã, nhưng tiếp nhận được 5 tấn đồ lễ gồm gạo, bánh trái để mang đi phát cho người nghèo và chuyển cho quân sĩ.

Tên vị người anh hùng cứu quốc thời Trần - Trần Quốc Tuấn - còn được đặt tên cho một khu rừng ở Cao Bằng, nơi khai sinh Đội Tuyên truyền Giải phóng quân; một chiến khu gắn liền với vùng mỏ Đông Bắc và Trường Võ bị, nơi đào tạo đội ngũ chỉ huy cho quân đội quốc gia.

Vào thời điểm thực dân nổ súng xâm lược ở phương Nam, để khích lệ quân sĩ xông pha nơi chiến trận, Chủ tịch nước đã đến dự lễ cầu hồn cho các chiến sĩ trận vong tổ chức tại Vương cung thánh đường trong Nhà thờ Lớn Hà Nội. Trong lúc đó, tại các ngôi chùa lớn ở Hà Nội cũng vang lên lời cầu siêu và vào lúc nền chính trị của quốc gia cần đến khối đại đoàn kết dân tộc, ngày 5/1/1946, trước ngày tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với người đứng đầu những đảng phái đối lập, đứng trước ban thờ trong chùa Bà Đá cầu nguyện cho nền độc lập dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nguyện: "Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ".

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 3.

Triển lãm Văn hóa Việt Nam

Ngày Tết Độc lập đầu tiên, Xuân Bính Tuất (1946), mở đầu bằng lời chúc đầu năm của vị Chủ tịch nước: "Trong năm Bính Tuất mới/ Mọi việc đều tiến tới/ Kháng chiến mau thành công/ Kiến quốc mau thắng lợi/ Việt Nam độc lập muôn năm!". Và được khép lại bằng một lễ hội rất có ý nghĩa: lễ hội Đống Đa.

Dưới chế độ cũ, anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ là kẻ thù "bất cộng đới thiên" của triều đình nhà Nguyễn. Nhưng Tết Bính Tuất (1946), lần đầu tiên người dân thủ đô đã biến tập quán "giỗ trận" - vốn của người Hoa, thờ chủ tướng cũ bại trận - thành đại lễ công khai tổ chức trọng thể chiến thắng Đống Đa, như để khích lệ tinh thần đánh giặc ngoại xâm.

Cũng mùa Xuân Bính Tuất, Tuần lễ văn hóa được phát động tại trụ sở Hội Khai trí Tiến đức xưa và một triển lãm lịch sử được tổ chức tại Bảo tàng Trường Viễn Đông Bác cổ.

Thực hiện Sắc lệnh số 22 ký ngày 18/2/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định các ngày quốc lễ, đến Giỗ Tổ Hùng Vương (11/4/1946), Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố và Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc bộ Nguyễn Xiển lên dâng hương trên Đền Thượng, tỉnh Phú Thọ.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Quảng trường Việt Nam học xá (nay là khu Đại học Bách khoa), nơi dựng trên lễ đài tấm bài vị mang dòng chữ Hùng Vương khai quốc, để tham dự lễ Giỗ Tổ lần đầu tiên trong lịch sử mang tính quốc gia. Tại đây, đông đảo thanh niên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã hô vang khẩu hiệu "Trung Nam Bắc Thống nhất!" và "Toàn dân đoàn kết!".

Trên Đền Thượng, trong những lễ vật dâng lên Tổ, có tấm bản đồ nước Việt Nam với nguyên vẹn ba miền Trung Nam Bắc và lá cờ đỏ sao vàng… Để rồi 8 năm sau, cũng trên vùng đất Tổ, Bác Hồ đã nói với những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chuẩn bị về tiếp quản Hà Nội câu bất hủ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Với mảnh đất Hà Nội, nơi đã chứng kiến hai cái chết lẫm liệt của hai vị tổng đốc chống giặc Pháp xâm lăng trên thành Cửa Bắc, nơi lưu dấu những vết đại bác của kẻ xâm lăng khiến lớp lớp trai trẻ nuôi chí phục quốc, ngay trong Năm Độc lập thứ hai, ngày 9/4/1946, đã diễn ra lễ tưởng niệm vị tổng đốc họ Hoàng, thu hút biết bao tầng lớp nhân dân của thành phố, đã được mang tên "thành Hoàng Diệu", đến biểu thị quyết tâm noi theo gương người xưa xả thân vì nước. Ngày 18/6/1946, những tấm gương ái quốc của Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thái Học được tôn vinh tại khu đấu xảo xưa và ngay trong lòng Nhà hát Lớn Hà Nội...

Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử, mảnh đất Hà Nội trở thành nơi tỏa sáng nguồn lực truyền thống của dân tộc Việt Nam như trong những ngày đầu của nền độc lập dân tộc, cách nay đã ngót 80 năm. Vào thời điểm đó, như vị Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam bộ Trần Văn Giàu sau này nhắc lại, không khí và tinh thần của Hà Nội đã cổ vũ cho Sài Gòn và Nam bộ niềm tin vào sức mạnh truyền thống của dân tộc "gươm Núi Sóc", "cọc Bạch Đằng" để phát động cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc non trẻ ngay từ ngày 23/9/1945 với lời phát động "Rước Ông Gióng vào Nam".

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 5.

Giỗ Đức Thánh Trần

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 6.

Giỗ Đức Thánh Trần tại Hà Nội

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 7.

Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 8.

Lễ truy điệu đồng bào và chiến sĩ hy sinh

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 9.

Kỷ niệm chiến thắng Đống Đa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 10.

Kỷ niệm chiến thắng Đống Đa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 11.

Tưởng niệm Tổng đốc Hoàng Diệu

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 12.

Tưởng niệm Tổng đốc Hoàng Diệu

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 13.

Thiếu nhi Hà Nội tổ chức đánh trận giả trên hồ Hoàn Kiếm, lập lại chiến công đánh thắng giặc trên sông Bạch Đằng

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 14.

Tưởng niệm Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thái Học

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 81): Cách mạng tháng Tám giải phóng những nguồn lực tinh thần của Việt Nam - Ảnh 15.

Tưởng niệm khởi nghĩa Yên Bái

QXN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›