Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 9): Ngày xưa, vua quan đi lại trong kinh thành Huế bằng gì?

Thứ Hai, 04/10/2021 19:36 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đương nhiên, trong kinh thành vẫn có những không gian để người đứng đầu triều đình dạo bộ. Nhưng ở cương vị có quyền lực nhất, Ngài phải có những phương tiện đi lại cho tương xứng, khác và hơn người thường.

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 8): Cuộc trình diễn máy bay đầu tiên tại Kinh đô Huế

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 8): Cuộc trình diễn máy bay đầu tiên tại Kinh đô Huế

Sau cuộc trình diễn máy bay đầu tiên của phi công Van den Born ở Sài Gòn thành công vang dội vào ngày 10/12/1910 (xem Thể thao & Văn hóa kỳ trước), các xứ khác của Đông Dương cũng sôi sục muốn làm theo.

Ngựa sẽ là phương tiện phổ biến nhất, sách vở có nói đến việc vua cưỡi ngựa đi trong kinh thành, nhưng chưa từng thấy cái ảnh nào, nhìn chung từ Tự Đức đến Khải Định đều là những người có thể chất yếu ớt, trừ ông Bảo Đại sau này thì chỉ có cưỡi ngựa thể thao, còn khi ông về chấp chính thì ngoài ngồi kiệu, cái ô tô trở nên phổ biến rồi. Kiến Phúc tại vị có 8 tháng để lại tấm ảnh duy nhất trên cỗ xe ngựa nhỏ.

Chú thích ảnh
Kiến Phúc trên xe ngựa

Voi là con vật có vóc dáng to lớn, uy nghi mà vua ở xứ ta đời nào cũng sở hữu nhiều voi to nhất, đẹp nhất nước. Vua Khải Định vào dịp “tứ tuần đại khánh” (sinh nhật lần thứ 40, năm 1924) được Toàn quyền Merlin tặng một “bạch tượng” (voi trắng) bắt được trên rừng Tây Nguyên… Nhưng chưa thấy hình ảnh nào Ngài Ngự cưỡi voi, ngay cả trong dịp theo đoàn rước ra Đàn Nam Giao hành lễ. Trong khi đó, dùng voi để cưỡi đã có nhiều vị đại quan cỡ từ tổng đốc trở lên được sử dụng. Kinh thành nằm bên sông Hương, nên Ngài Ngự có thuyển rồng, nhưng cũng chỉ để vãn cảnh trên sông mà thôi.

Phương tiện thông dụng nhất là dùng kiệu, nói đơn giản là cái ghế di động trên vai của những phu khiêng, tất nhiên đồ ngự dụng thì gỗ thật quý, chạm trổ sơn thiếp thật tinh vi… Có 2 loại kiệu chính, dựa vào hình loại để tạm gọi là kiệu hở và kiệu kín. Kiệu hở tức là chỉ có mái che đầu còn toàn thân thể của đức vua không có gì che khuất, vì việc đi lại chủ yếu trong cung cấm. Còn khi đi ra ngoài thì vua dùng loại kiệu kín tựa như ngồi trong xe ngựa hòm của người phương Tây. Kiệu có khung cửa kính nên người trong nhìn rõ bên ngoài, còn người ngoài chỉ có thể nhìn thấy hình bóng mà khó nhận rõ dung nhan.

Có người nói rằng cỗ kiệu này có từ thời Vua Gia Long, vì xung quanh có nhiều quần thần là người Âu tư vấn nên trông thiết kế và trang trí mang phong cách Tây phương; có người còn đồ rằng nó được phỏng theo cỗ xe ngựa của Vua Louis XVI tặng, mà cũng có thể nó được cải tiến từ cái xe ngựa ấy (!?). Nhưng dù sử dụng loại kiệu nào thì tháp tùng nó vẫn đầy đủ 4 lọng vàng và một số người cầm quạt phe phất để che nắng hay tạo gió mang tính tượng trưng cho oai quyền của đấng đế vương ngồi trong kiệu. Trong một bản vẽ thuyết minh cơ cấu của đoàn Lễ Nam Giao còn có cả xe do voi kéo nhưng chưa ai thấy bao giờ.

Chú thích ảnh
Khải Định yên vị trên kiệu

Chỉ từ Hoàng đế Khải Định, người đã từng sang Pháp (1922) và chịu ảnh hưởng nhiều phong thái Tây phương là người chấp nhận nhiều thay đổi như trang phục và kể cả phương tiện đi lại. Xem ảnh chụp trong dịp “tứ tuần Đại khánh” (9/1924), bất ngờ thấy Ngài ngồi trên một chiếc xe (chắc tự thiết kế) ngày nay thấy thô sơ nhưng hồi đó là tân tiến lắm. Đó là chiếc xe khung sắt đặt trên 4 bánh xe thép bọc cao su tựa như bánh xe đạp và có người đẩy phía sau (không khác xe đẩy cho người già hay khó khăn đi lại ngày nay). Nhưng cũng trong lễ trọng cùng năm là Lễ Nam Giao thì Ngài lại ngồi kiệu kín (hòm). Qua ảnh thấy trong đoàn xa giá vẫn mang theo cái kiệu hở, lại có thêm một cỗ xe ngựa hoàn toàn kiểu Tây, chắc để phòng xa hay có lúc cần thiết phải thay đổi.

Có một phương tiện được coi là phổ biến nhất đương thời là cái xe tay (xe kéo hay pouse-pouse) biến thể từ chiếc xe của người Nhật nhập đầu tiên vào nước ta. Loại này được coi là phổ biến nhất trong các đô thị. Năm 1886, triều Đồng Khánh đã có quyết định cho phép các quan trong triều sử dụng để đi lại trong kinh thay cho voi (các đại quan) và chủ yếu là thay cho võng. Lý do giải thích quyết định này được ghi trong Đại Nam thực lục là nằm võng rất bất tiện mỗi khi gặp quan trên, hay quan Pháp phải nhỏm dậy để hành lễ… Trong lễ cưới của Hoàng đế thì người sắp được phong Nam Phương hoàng hậu ngồi xe kéo tới lễ thành hôn, còn vị hôn phu thì vẫn ngồi kiệu.

Xe đạp trước những năm 40 của thế kỷ 20 vẫn chưa phổ biến, mặc dầu, từ cuối thế kỷ 19, ta đã thấy ảnh Đức Thành Thái khi vào Sài Gòn đến Phủ Toàn quyền của Pháp tỏ ra thích thú được chơi với một chiếc xe đạp lạ lẫm. Tờ Họa báo (L’Illustration) chụp được đã đăng hình trên số ra ngày 22/1/1898. Nhưng Thành Thái sau đó bị đi đày vì chống Pháp, còn xe đạp thì mãi đến giữa thập kỷ 30, thuở có phong trào “vui vẻ trẻ trung” mới thấy những người trẻ bản xứ tiên phong sử dụng.

Báo Nam Phong đưa tin, ngay sau lễ nhậm chức làm Khâm sứ Trung kỳ (17/5/1921), P.Pasquier đã đến bệ kiến Khải Định và thông báo sẽ chuyển quà tặng của Tổng thống Pháp cho Ngài Ngự là một chiếc Limousine được thửa riêng với nội thất thiết kế màu vàng của hoàng tộc. Trong "Tứ tuần đại khánh", Ngài Ngự ngồi xe đẩy, nhưng lại thấy ảnh các bà trong nội cung thì ngồi ô tô. Hiếm thấy ảnh Khải Định ngồi ô tô đi trong thành nội.

Qua thời Bảo Đại, người có cả tuổi trẻ sống, học hành và ăn chơi tại Pháp khi về chấp chính (1932) thì Ngài xài đủ thứ từ đi xe kéo đến cưỡi voi đi săn thú ở Tây Nguyên và sắm cả máy bay riêng… nhưng đó thuộc về một câu chuyện khác.

Chú thích ảnh
Bảo Đại trong kiệu hòm
Chú thích ảnh
Hoàng đế Thành Thái với chiếc xe đạp
Chú thích ảnh
Xe tự chế độc đáo của Hoàng đế Khải Định sử dụng trong Tứ tuần đại khánh
Chú thích ảnh
Đàn voi của triều đình phủ phục trước cổng Viện Cơ mật chờ đón quan chức về
Chú thích ảnh
Vị hôn thê của Hoàng đế Bảo Đại trong lễ cưới dùng xe kéo
Chú thích ảnh
Xe ngựa dự phòng trong đoàn Lễ Nam Giao 1924
Chú thích ảnh
Kiệu dự phòng treo đoàn rước đến Nam Giao
Chú thích ảnh
Hoàng đế Khải Định dùng ô tô, hơi lạ là tay lái nghịch (bên phải)

(Còn nữa)

QXN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›