Ngày 9/11, Cơ quan quản lý truyền thông của Anh (Ofcom) nhấn mạnh các công ty công nghệ phải tập trung vào việc bảo vệ trẻ em trước các nội dung liên quan tới bạo lực, lạm dụng tình dục và tự sát trên không gian mạng.
Ofcom nêu rõ trẻ em là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong quá trình triển khai Luật An toàn trực tuyến có hiệu lực từ tháng trước. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng, Ofcom sẽ buộc các công ty như Facebook và Instagram phải giải quyết các nguyên nhân gây mất an toàn trên không gian mạng.
Giám đốc điều hành Ofcom Melanie Dawes khẳng định Ofcom sẽ tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn hơn, nhất là đối với thanh thiếu niên, bằng các biện pháp như ngăn chặn tin nhắn từ những người lạ không có tên trong danh sách bạn bè của trẻ em và không hiển thị thông tin vị trí của trẻ em. Theo Ofcom, các công ty cũng cần sử dụng công nghệ để xác định các hình ảnh về lạm dụng tình dục trẻ em.
Ofcom cho biết sẽ tham khảo ý kiến đóng góp của các bên liên quan về các biện pháp nói trên, trong đó có cả một số biện pháp về chống gian lận và khủng bố, trước khi hoàn thiện dự thảo quy định vào năm sau và trình Quốc hội thông qua. Khi những quy định mới có hiệu lực, các công ty không tuân thủ có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 18 triệu bảng Anh (22,1 triệu USD) hoặc 10% tổng doanh thu trên toàn cầu hằng năm.
Trong khi đó, một nguồn thạo tin ngày 8/11 cho biết Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kỹ thuật số, ông Thierry Breton sẽ yêu cầu YouTube và TikTok cung cấp thông tin về cách thức bảo vệ trẻ em trước các nội dung bất hợp pháp và có hại trên các nền tảng này theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) mới của EU.
Đạo luật DSA của EU yêu cầu các công ty công nghệ lớn làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các nội dung trực tuyến bất hợp pháp và có hại, đặc biệt là nhằm vào trẻ vị thành niên. Nếu vi phạm đạo luật DSA, các công ty có thể đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu.
Tags