(Thethaovanhoa.vn) - Bundesliga đã chính thức tái xuất sau hơn hai tháng tạm dừng vì đại dịch Covid-19. Premier League có thể học hỏi được điều gì từ hạng đấu cao nhất Đức cho kế hoạch Project Restart của mình?
Sự rộn ràng bắt đầu xuất hiện trên các sân cỏ nước Đức, dù đại dịch buộc bóng đá nước này phải khởi đầu với một trạng thái mới: Những trận đấu không có âm thanh từ trên các khán đài. Đó là kịch bản không thể khác nếu Premier League chính thức trở lại dự kiến vào giữa tháng tới.
Bóng đá Anh từng thích nghi với những cuộc chiến
Đã 10 tuần trôi qua kể từ lần gần nhất một trận đấu bóng đá chuyên nghiệp diễn ra tại xứ sở sương mù. Đây là khoảng thời gian tạm dừng bóng đá dài nhất trong lịch sử kể từ khi giải VĐQG Anh đầu tiên diễn ra vào năm 1888. Kể cả những cuộc thế chiến cũng chẳng làm bóng đá Anh gián đoạn trong khoảng thời gian dài đến như vậy.
Năm 1939, thời điểm diễn ra Thế chiến thứ nhất (World War I), bóng đá Anh chỉ tạm dừng thi đấu trong hai tháng trước khi trở lại bằng các giải đấu nghiệp dư cấp vùng (Regional League). Còn trong Thế chiến thứ hai (World War II), nước Anh đã lập ra một giải đấu lâm thời có tên Wartime League.
Rõ ràng, sức sống của bóng đá vẫn được duy trì trong mọi hoàn cảnh, bất luận thời chiến hay thời bình. Các giải đấu hoàn toàn có thể được điều chỉnh cho phù hợp với thời đại, bao gồm những quy định cho các cầu thủ hay giới hạn khán giả vào sân. Nhu cầu tổ chức các trận đấu bóng đá là rất rõ ràng, từ cả phía chính quyền cho đến các khán giả đam mê túc cầu.
Tất nhiên, tình hình lúc này rất khác so với lúc các cầu thủ vừa đá, vừa phải nghe ngóng thông tin chiến sự. Các sân bóng hoàn toàn có thể trở thành ổ dịch cho virus corona phát triển. Dễ hiểu cho những lo lắng của các cầu thủ như Danny Rose khi phải thi đấu trong một thời điểm nhiều rủi ro như thế này. Một cuộc thăm dò ở trang web YouGov cho thấy có đến 73% người tham gia khảo sát không tin tâm trạng của họ sẽ được cải thiện nếu bóng đá quay trở lại.
Thử một hình dung về Premier League thời đại dịch
Mặt khác, trong bối cảnh nhiều ngành nghề tại Anh đang sẵn sàng cho sự trở lại nếu lệnh cách ly xã hội sớm được nới lỏng, thì tại sao bóng đá không lên kế hoạch chuẩn bị cho thời điểm ấy? Sự trở lại của Bundesliga cuối tuần qua đem đến một hình mẫu cho Premier League tham khảo. Giám đốc điều hành CLB Dortmund, ông Carsten Cramer, khẳng định bản quy tắc bảo vệ các cầu thủ có mức tiêu chuẩn cao hơn nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Mặt khác, theo lời ông này, nếu không đặt ra tiêu chuẩn như thế, những vấn đề phát sinh sau đó sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Vậy nhìn từ những gì Bundesliga trải qua trong vòng đấu đầu tiên sau đại dịch Covid-19, Premier League thời đại dịch sẽ mang hình hài nào? Mọi sự trở lại tất nhiên không có gì hoàn hảo. Những khán đài trống vắng là thứ tất cả các HLV cũng như cầu thủ phải làm quen. Khi bạn theo dõi bất cứ trận đấu nào, có giọng bình luận viên trên sóng hay không, tất cả mọi âm thanh trên sân bóng đều được cảm nhận rõ ràng. Từ tiếng la hét của các cầu thủ, HLV, âm thanh chói tai cho đến mỗi tiếng còi của trọng tài chính. Chuyện các cầu thủ dự bị ngồi giãn cách nhau, đeo khẩu trang sẽ không còn là thứ hiếm thấy ở Premier League. Các trọng tài ngoài nhiệm vụ chuyên môn sẽ còn phải đảm nhận việc khử trùng những quả bóng từ trước giờ bóng lăn cho đến lúc nghỉ giữa hai hiệp. Những thách thức khác cần phải vượt qua bao gồm quãng đường di chuyển của các đội bóng, các trọng tài sẽ chỉ được thông báo trước chừng nửa ngày về trận đấu mình điều khiển.
Còn trên sân thì sao? 90 phút thi đấu là một quãng thời gian bất di bất dịch. Nhưng việc cho phép thay đổi tối đa 5 cầu thủ một trận đấu sẽ mang đến cảm giác lạ lẫm, đặc biệt nếu người vào sân thứ 4 hay thứ 5 của một đội lại trở thành người ghi bàn quyết định kết quả trận đấu. Các cầu thủ sẽ thấu hiểu một chút sự không thoải mái trong cách ăn mừng bàn thắng, như trường hợp Erling Haaland ăn mừng bàn mở tỷ số vào lưới Schalke bằng động tác nhảy múa nhưng vẫn đảm bảo khoảng cách cần thiết với các đồng đội. Các cổ động viên Đức gọi các trận đấu Bundesliga mùa dịch là những “trận đấu ma”. Nhưng trong lúc chờ đợi vắc xin hoặc một cách thức nào để đưa virus corona vào tầm kiểm soát, thì Premier League vẫn phải tìm đường trở lại, như lời bình luận của cựu cầu thủ Owen Hargreaves trên kênh BT Sport: “Chúng tôi cần phải bắt đầu (kế hoạch Project Restart) từ một nơi nào đó”.
Linh Sam
Tags