Chúng ta mải mổ xẻ về những sai lầm ngớ ngẩn của MU nhiều đến mức hoàn toàn lãng quên rằng đối thủ của họ đã làm việc cật lực thế nào, và đáng được nhắc đến ra sao.
Ba năm trước, sau khi Nhà Thờ Đức Bà Paris gần như bị thiêu trụi, ông trùm hàng xa xỉ của Pháp Francois-Henri Pinault đã quyên góp 100 triệu euro để tái tạo lại thứ mà ông gọi là “viên ngọc di sản quý giá của chúng ta”.
Chỉ khen người giàu
Bạn hẳn đoán được dư luận phản ứng ra sao: Lời khen tới tấp bay đến, cứ như thể đấy là một chiến dịch truyền thông. Tờ Le Parisien so sánh Pinault với… Oskar Schindler, tài phiệt đã cứu hơn một ngàn người Do Thái trong thời kỳ Đức Quốc Xã. Le Monde, tờ báo dành hẳn một chuyên mục dài kỳ cho các tỷ phú và gia đình họ, cho rằng Paris cần phải “biết ơn” nghĩa cử của Pinault.
Chuyện này có gì mà khó hiểu, bạn có thể thắc mắc vậy. Nhưng hãy thử làm một phép tính: Mặc dù con số 100 triệu euro là vô cùng ấn tượng với bất kỳ ai trong chúng ta, nhưng thực ra nó chỉ chiếm 0,3% tài sản của Pinault. Tức là nếu có số tài sản tương đương với một gia đình trung lưu ở Pháp, khoản quyên góp này là 840 euro. Nhưng đây là cách truyền thông vận hành: Các con số khổng lồ và nỗ lực của những có quyền lực hay danh tiếng luôn được đánh giá cao hơn. Đấy luôn là nơi sức chú ý ưu tiên.
Bây giờ hãy nhìn lại trận đấu đêm thứ Bảy: Đội chiến thắng là Brentford, và họ thắng BỐN-BÀN-KHÔNG-GỠ. Nhưng truyền thông chủ lưu và dư luận (có lẽ là chỉ trừ CĐV Brentford) không nghĩ vậy. Họ diễn dịch lại chiến thắng này đơn thuần một sai lầm khủng khiếp của Man United, cứ như thể Brentford chỉ ở đây vào một ngày đẹp trời, và chỉ tình cờ gặt được kết quả. Không ai kể về quá trình của họ.
Nhưng đây là đội bóng có thể khiến thượng tầng của MU phải nhìn lại chính họ. Kể từ khi Matthew Benham trở thành ông chủ CLB vào năm 2012, họ đã phải cố gắng sống sót bằng một chính sách không hề dễ chịu: Tập trung đào tạo các cầu thủ trẻ cho chín muồi rồi… bán họ kiếm lời. Năm 2019, Ezri Konsa, Romaine Sawyers và Neal Maupay lần lượt ra đi. Một năm sau, đến lượt Ollie Watkins chuyển sang Aston Villa và Said Benrahma đến West Ham United.
Hành trình kỳ diệu
Việc thăng hạng bất ngờ thay đổi mọi thứ. Lần đầu tiên kể từ khi trở thành HLV trưởng đội bóng vào tháng 10/2018, Thomas Frank mới được phép thở phào sau khi biết rằng lực lượng sẽ không bị chảy máu nữa. Tức là Ivan Toney, người đã ghi 31 bàn ở giải hạng Hai 2020-2021, sẽ không phải ra đi. Và đội bóng thậm chí có tiền để bổ sung người mới.
Brentford, tất nhiên là khác với mọi đội bóng nhà giàu khác, tiếp cận thị trường chuyển nhượng với một kế hoạch rõ ràng và ngắn gọn. Họ đã theo dõi Kristoffer Ajer và Frank Onyeka trong một thời gian rất dài, thậm chí trước khi… có đủ tiền mua hai anh. Brentford cũng không cảm thấy cần phải chi đậm như các CLB giành quyền thăng hạng khác. Fulham đã chi hơn 100 triệu bảng cho chuyển nhượng vào mùa hè 2018, nhưng chỉ đứng thứ 19. Sau khi lên Premier League, Pontus Jansson là cầu thủ duy nhất của Brentford trên 30 tuổi.
Tân binh Ajer, người cũng nhận được rất nhiều lời mời, đã chọn Brentford vì ấn tượng với sự quan tâm tỉ mỉ của CLB. Bộ phận tuyển trạch của Brentford đã theo dõi và đánh giá hơn 120 trận đấu của anh cho Celtic. Màn trình diễn của cầu thủ 23 tuổi này khi đó còn được chia làm hai loại: Màu xanh lá cây cho trận đá tốt và màu đỏ cho trận dưới phong độ. Khi bước vào sân nhà của Brentford, Ajer còn được bộ phận chăm sóc sân giải thích cách họ làm việc, để cải thiện điểm yếu và tận dụng tối đa khả năng của anh.
Mùa trước, HLV Frank đã nhiều lần nói rằng mục tiêu của CLB là “kết thúc với thứ hạng càng cao càng tốt”, chứ không chỉ là trụ hạng. Ông cũng không ngại thay người lẫn chiến thuật để tìm kiếm thêm điểm. Thái độ tích cực ấy là một trong những lý do khiến họ ghi được 12 bàn sau phút 81, điều mà chỉ Man City (19 bàn), Liverpool (16) và Chelsea (15) làm tốt hơn. Ngay cả khi đã trụ hạng, họ không muốn chỉ kết thúc ở vị trí thứ 17 trở lên. Trong phòng thay đồ, cả đội đã hết sức thất vọng sau khi thua Leeds ở vòng cuối và bỏ lỡ cơ hội kết thúc mùa giải với vị trí trong Top 10.
Brentford biết tin họ sẽ chơi mùa giải thứ hai liên tiếp tại Premier League sau trận hòa 0-0 của Watford với Everton vào ngày 11/5 năm nay. Hai ngày sau, HLV Frank đã tập hợp tất cả các nhân viên của đội bóng để cảm ơn họ. Ông khen ngợi không chừa một ai, từ các đầu bếp, người chăm sóc mặt sân, bộ phận trị liệu, các bác sĩ và trợ lý. Đây thực sự là một tập thể tuyệt vời, và ai cũng được ghi nhận. Kết quả trên sân chỉ là sự cô đọng lại từ tất cả những đóng góp kể trên.
Nếu bạn đã đọc đến đây, và vẫn còn hứng thú, thì câu chuyện thành công của một đội bóng bình thường và các tên tuổi bình dị có lẽ cũng không đến nỗi quá nhàm chán. Tất nhiên, bạn vẫn có thể tiếp tục mổ xẻ lỗi lầm của MU, nhưng bóng đá là một môn thể thao mà trên sân mọi thứ dường như đều bình đẳng. Brentford xứng đáng được nhắc đến nhiều hơn, vào đêm thứ Bảy. Bởi vì họ cũng có một quá trình với đầy nỗ lực và sự khôn ngoan, thậm chí đáng ngợi khen, hơn bất kỳ đội “nhà giàu vượt sướng” nào.
Phạm An
Tags