(Thethaovanhoa.vn) - “Khi mọi thứ không diễn ra thuận lợi với Jose Mourinho, ông ta sẽ không đi theo con đường đội bóng vạch ra, mà đi theo con đường của Jose”. Đó là một câu trong cuốn sách của nhà báo Diego Torres viết năm 2014 về Mourinho: “Người đặc biệt: Mặt tối của Jose Mourinho”.
- 'Mourinho còn làm HLV, M.U sẽ không mua nổi ngôi sao sáng tạo nào'
- Góc Marcotti: Vì sao Mourinho chỉ trích cầu thủ M.U?
- Khi Mourinho 'trị' Pogba bằng McTominay
Nhìn vào sự nghiệp huấn luyện của Mourinho, câu trên là sự đúc kết không thể chính xác hơn về Người đặc biệt, nhất là với những gì đang xảy ra ở M.U.
Một Mourinho bị ám ảnh bởi bản thân
Khi chuẩn bị mời Mourinho về Old Trafford, M.U đã lo ngại rằng cá tính của ông có thể ảnh hưởng tới đội bóng, khi HLV người Bồ Đào Nha luôn cho rằng chẳng có thể chế nào lớn hơn bản thân ông. Nhưng vì khủng hoảng, vì danh hiệu và vì cuộc chạy đua với Man City, M.U đã chấp nhận đánh bạc, bất chấp mọi cảnh báo.
Và ở mùa thứ hai ở Old Trafford, Mourinho đang bộc lộ cá tính đặc biệt ấy, đặc biệt là qua cách cư xử với các cầu thủ. Ông không ngần ngại chỉ trích học trò trước dư luận, thậm chí là nhiều lần như với Luke Shaw, khiến bầu không khí ở Old Trafford luôn căng thẳng.
Đó chẳng phải là điều gì mới mẻ. Ở một Real Madrid đầy rẫy tài năng tấn công, Mourinho vẫn gạt bỏ hết những cái gọi là triết lý tấn công ở Madrid để tạo ra đối trọng với Pep Guardiola, người quá thành công trong thời gian dẫn dắt Barca. Ở đó, Mourinho bị ám ảnh bởi cái gọi là anti-Barca, anti-Guardiola và làm mọi thứ để phục vụ cuộc chiến của mình. Trước khi Juan Mata, Kevin de Bruyne và Mohamed Salah bị Mourinho loại bỏ ở Chelsea, HLV người Bồ đã từng hắt hủi Kaka để Real có thể ra sân với 3 tiền vệ phòng ngự, nhất là ở các trận lớn.
Sau khi M.U bị Sevilla loại khỏi Champions League, ông nhắc nhở tất cả về thành tích cá nhân của ông. Sau trận thắng nhọc Brighton ở FA Cup, ông thẳng thừng chỉ trích học trò thiếu đẳng cấp và cá tính. “Khi Mourinho không thể đưa mọi thứ đi đúng quỹ đạo, ông ta bắt đầu giải quyết thông qua truyền thông và tất cả những gì ông ta làm là để bảo vệ bản thân. Thực sự là Mourinho không thể bắt kịp với bóng đá hiện tại. Ông ta không thể tìm ra một hệ thống sáng tạo nào và không khai thác được hết khả năng của những cầu thủ tấn công”, nhà báo Stewart Robson của tờ The Times viết.
Kể cả khi Chelsea vô địch Premier League cách đây 3 mùa trong nhiệm kỳ thứ hai của Mourinho ở đây, ông cũng ngay lập tức hướng sự chú ý về phía mình bằng cách khơi lại sự kình địch với Guardiola.
Những dấu hiệu về một Mourinho lúc nào cũng chỉ muốn bảo vệ mình, đẩy tội lỗi cho người khác thực ra đã xuất hiện từ 2007, khi ông đang là nhân vật “hot” nhất của bóng đá Anh. Khi không thể kiểm soát được phòng thay đồ của Chelsea, Mourinho đã thẳng thừng nói với các học trò trước khi ra đi: “Tôi chúc tất cả các bạn và gia đình gặp nhiều may mắn, kể cả là với những kẻ đã phản bội tôi”.
Cái giá M.U phải trả
Claude Makelele, hồi 2009 từng nói về ông thầy cũ Mourinho rằng: “Trong mùa giải thứ ba ở Chelsea, tôi đã choáng váng với cách mà Mourinho quên hết giá trị của các cầu thủ. Với ông ấy, các cá nhân không làm đội bóng tốt hơn. Sau cùng, Mourinho tạo ấn tượng rằng ông ấy sợ một ai đó sẽ nổi bật hơn mình”. Cựu thủ thành của Real Jerzy Dudek tiết lộ trong cuốn tự truyện về khoảnh khắc Mourinho bước vào phòng thay đồ và nói như ra lệnh: “Con chuột đó đâu rồi? Đó là ai? Ai có thể làm chuyện đó”.
Mourinho yêu thích quyền lực và sự kiểm soát. Trong thời gian nắm Chelsea và Real Madrid, những cầu thủ mà ông chiêu mộ đều có người đại diện là Mendes, cũng là đại diện của ông. Đó là cách hữu hiệu để ông kiểm soát họ.
Trong năm cuối cùng ở Chelsea, khi cảm thấy mọi thứ không ổn, ông chuyển hướng dư luận bằng cách nặng lời với Arsene Wenger rồi sau đó là công kích chính một thành viên của Chelsea, bác sỹ Eva Carneiro.
Ở M.U bây giờ, Luke Shaw, Paul Pogba và nhiều cầu thủ khác đang bị Mourinho đối xử như vậy. Nhưng đó là cái giá mà M.U phải trả khi chiêu mộ ông.
Mạnh Vũ (Theo Fox Sport)
Tags