Ra đi và chìm nghỉm
Ai cũng biết cả Arsenal lẫn Dortmund đều không có nguồn lực tài chính dồi dào để giữ chân các cầu thủ. Arsenal, kể từ khi chuyển đến sân Emirates, liên tục bán máu cầu thủ mỗi mùa giải. Trong khi đó, Dortmund từng đứng bên bờ vực phá sản năm 2005 trước khi trở lại mạnh mẽ ở ba mùa gần đây. Việc các tài năng của hai đội bóng lần lượt ra đi cũng là bình thường. Nhưng có một điều kì lạ, không nhiều người trong số họ thành công khi đến miền đất mới.
Với Arsenal, có thể kể đến những cầu thủ tên tuổi ra đi gần đây như Samir Nasri, Cesc Fabregas (2011-12) hay mùa trước là Alex Song và Robin van Persie. Điểm chung giữa họ là đều không chơi nổi bật khi đến với các đội bóng mới. Samir Nasri không đá chính thường xuyên ở Man City, khi không thể cạnh tranh nổi với David Silva. Cesc Fabregas cũng gặp rất nhiều khó khăn khi trở về Barcelona, khi cái bóng của Xavi và Andres Iniesta còn quá lớn. Đồng đội của Fabregas là Alex Song thậm chí hoàn toàn mất hút. Robin van Persie có khá hơn những người trên khi trở thành chân sút chủ lực của Man United mùa trước với 26 bàn trong 35 trận ở Premier League. Nhưng đến mùa này, anh đang có dấu hiệu xuống phong độ do bị bắt bài.
Van Persie, cầu thủ chơi tốt nhất khi rời Arsenal, đang có dấu hiệu xuống phong độ.
Tương tự, không ít cầu thủ rời Dortmund đều không còn là chính mình. Shinji Kagawa khó tìm được chỗ đứng trong đội hình của Man United, khi HLV David Moyes ưa trọng dụng những cầu thủ giàu thể lực. Lucas Barrios, chân sút chủ lực của Dortmund mùa 2011-12, thì trôi dạt đến tận Trung Quốc, rồi sau đó phải tìm lại sự nghiệp ở Nga. Trước đó thì Nuri Sahin tỏ ra hoàn toàn bị ngợp khi gia nhập Real Madrid, và chỉ được ra sân vỏn vẹn 4 lần. Cầu thủ người Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng làm nên trò trống gì khi được trao cơ hội ở Liverpool, dù chỉ là theo dạng cho mượn trong nửa đầu mùa trước. Cực chẳng đã, anh lại phải trở về Dortmund để cứu vãn sự nghiệp.
Sahin phải trở lại Dortmund để cứu vãn sự nghiệp.
Khi các cầu thủ không chịu học cách thích nghi
Nguyên nhân nào dẫn đến bi kịch này? Trước hết, có một điểm chung đáng chú ý ở Arsenal lẫn Dortmund: Cả hai đều là những đội bóng "một người". Cụ thể hơn, cả Arsenal lẫn Dortmund đều đề cao vai trò của các cá nhân. Một mình van Persie tả xung hữu đột là đủ để Arsenal duy trì vị thế có mặt trong top 4 Premier League. Cũng như vậy, Dortmund chỉ cần sức sáng tạo của Kagawa là có thể nâng cao chiếc đĩa bạc Bundesliga ở hai mùa giải 2010-11 và 2011-12.
Nhưng ra khỏi những đội bóng như thế để đến với các tên tuổi lớn lại là chuyện khác. Man United hay Real Madrid đều là những đội bóng không thiếu tài năng. Để có thể thích nghi được ở những đội bóng như thế, những cầu thủ tài năng như Kagawa hay Van Persie cần phải học cách thích nghi, biết biến cái tôi của mình hòa vào với cái chung của cả một tập thể. Ở những đội bóng như thế, sức mạnh tập thể là điểm tựa quyết định, chìa khóa cho những danh hiệu. Đáng tiếc, hầu như các cầu thủ của Dortmund lẫn Arsenal đều không đủ khả năng để học cách làm việc theo nhóm. Họ nhanh chóng bị gạt bỏ khỏi hệ thống vận hành, trở nên lạc lõng và dần dần không thích nghi nổi với cuộc sống mới.
Những cầu thủ như Kagawa vẫn chưa học được cách thích nghi với sức mạnh tập thể.
Trường hợp của Arsenal là ví dụ rõ ràng nhất. Mathieu Flamini gặp nhiều khó khăn trong 4 năm khoác áo Milan. Anh không chơi tốt ở mùa giải 2008-09 khi phải đá ở vị trí hậu vệ cánh phải, trong bối cảnh Milan thiếu hụt trầm trọng nhân sự ở vị trí này. Flamini không thể cạnh tranh ở vị trí tiền vệ phòng ngự sở trường, khi thủ quân Massimo Ambrosini chơi quá ổn định. Một ví dụ khác là Cesc Fabregas, người vẫn chưa hòa nhập hoàn toàn ở các đồng đội tại lò La Masia. Khi Xavi và Iniesta vẫn chưa có dấu hiệu hết thời, Cesc Fabregas buộc phải chơi dạt biên, hoặc có lúc phải lên đá trung phong, đóng vai trò của một "số 9 ảo" trong việc thu hút hậu vệ đối phương. Đáng tiếc, anh không làm tốt những vai trò trên, khiến HLV Pep Guardiola lẫn Tito Villanova chỉ biết đẩy cựu tiền vệ Arsenal lên ghế dự bị. Mãi đến mùa giải này, khi Gerardo Martino lên nắm quyền, Fabregas mới có đôi chút cơ hội được đá ở trung tâm hàng tiền vệ.
Tình hình ở Dortmund cũng như vậy. Nuri Sahin không biết cách thích nghi với cuộc sống dưới triều đại Jose Mourinho, với áp lực từ việc tuyến giữa quá nhiều tài năng như Xabi Alonso, Sami Khedira hay Mesut Oezil. Còn với Shinji Kagawa, cuộc sống ở Premier League rõ ràng khắc nghiệt hơn rất nhiều. Tuyển thủ người Nhật vẫn chưa tìm ra được cách thức nào để có thể tỏa sáng trong một giải đấu đòi hỏi nhiều thể lực và sức mạnh. Anh bị David Moyes, người vốn ưa thích mẫu cầu thủ cần mẫn, giỏi tranh chấp, coi là người thừa ở sân Old Trafford.
Một nhân viên không biết cách thích nghi với hệ thống vận hành của một công ty thì anh ta sẽ sớm bị cô lập, rồi đào thải. Thế nên những cầu thủ không chịu học cách thi đấu ở những chân trời mới khắc nghiệt như Flamini hay Sahin phải trở về đội bóng cũ cũng chẳng có gì bất ngờ cả.