(Thethaovanhoa.vn) - Thứ Arsenal thiếu không phải là hảo thủ. Thứ họ thiếu là một cơ chế niềm tin chung của các hảo thủ mà họ có trong tay.
1. Bàn gỡ hoà 3-3 của Giroud ở trận gặp Bournemouth kéo theo rất nhiều tranh cãi. Khi ấy, thời gian bù giờ có thể coi là vẫn còn đủ để Arsenal kiếm tìm 3 điểm trong hi vọng mãnh liệt của họ. Nhưng Giroud không làm điều bình thường là nhặt lấy bóng chạy nhanh về phía vạch vôi giữa sân. Anh ăn mừng, kiểu bọ cạp. Trong khi đó, có những đồng đội tiếp tục kêu gọi anh quay trở lại với cuộc chiến.
Đó là hình ảnh cho thấy sự đối lập. Một bên là những cầu thủ Arsenal tin vào chiến thắng cuối cùng và một bên là Giroud, với quan niệm 3-3 là đã đạt mục đích ban đầu. Không phải là Giroud không muốn thắng mà cơ bản là anh cho rằng, gỡ hòa ở tình thế ấy là có thể đạt yêu cầu, đã đến đích.
Có nhiều điều để bênh vực Giroud cũng như có nhiều lý do để chỉ trích anh nhưng tựu trung lại, chúng ta nhận ra rằng, dường như bản thân Giroud không tin vào khả năng cạnh tranh ngôi vô địch ở Arsenal. Anh ở Emirates đủ lâu để hiểu đội bóng mình khoác áo là một đội mạnh, có sức tham dự Champions League, nhưng để vô địch Premier League thì chưa.
Đó chính là dấu hiệu của một sự thiếu vắng cơ chế niềm tin ở Arsenal. Khi cầu thủ thiếu niềm tin chinh phục, đội bóng không thể chinh phục.
Khi Alexis Sanchez tỏ thái độ bực bội khi bị thay ra, anh cho thấy một phản ứng với sự thỏa mãn của ban huấn luyện với tỷ số đang có. Sanchez nghĩ rằng đội bóng cần phải thắng đậm hơn nữa, và anh còn cần nâng cao thành tích ghi bàn hơn nữa. 2.
Bị thay ra, cầu thủ thường có phản ứng không hài lòng. Thứ nhất, họ cho rằng mình không thể đóng góp hơn nữa cho đội bóng. Hoặc thứ hai, họ cho rằng mình không đủ sức để thay đổi tình thế. Và Sanchez muốn ở lại sân đến phút cuối là vì lẽ gì? Anh nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn. Anh không tin rằng nếu vắng anh, đồng đội cũng có khả năng giữ tốt thế trận, và ghi thêm bàn thắng. Anh cho rằng mình là cầu thủ chủ chốt trong lối chơi của toàn đội và không có mình, đội có khi sẽ chẳng có gì.
Cái tôi của cầu thủ lớn, cầu thủ ngôi sao luôn là thế. Song, ở cái tôi lần này của Sanchez, soi chiếu lại với sự đủng đỉnh của anh và Oezil trong chuyện ký hợp đồng mới với CLB, chúng ta có thể thấy họ cũng có vấn đề về niềm tin. Họ không tin vào đội bóng. Họ chỉ tin vào họ.
Khi cầu thủ thiếu niềm tin, nhất là tin vào đồng đội mình, đội bóng không thể chinh phục.
3. “Biến sang Trung Quốc đi!”, đó là điều Conte nói với Costa. Và Costa không được ra sân ở trận gặp Leicester vừa rồi. Chelsea vẫn thắng, dù chưa chắc đã thuyết phục như khi có Costa. Nhưng đó là dấu hiệu tích cực của niềm tin. Đội bóng tin vào chính họ, chứ không phải vào một cá nhân ngôi sao nào có thể giúp họ đổi thay tình thế, lật ngược thế cờ.
Wenger nên hiểu đó là thứ mà Arsenal đã mất suốt nhiều năm qua. Và để thay đổi nhằm kiếm tìm lại niềm tin đã mất, ông chỉ có một cách: Sẵn sàng cắt bỏ những gì cần cắt bỏ, kể cả đó là ngôi sao trụ cột.
Người ta vẫn nói Arsenal chưa thành công vì thiếu ngôi sao lớn nhưng thực tế, họ chưa thành công vì không còn niềm tin. Và bây giờ, ở lúc Sanchez tỏ thái độ, Giroud chỉ nghĩ đến mình, Wenger nên dũng cảm cắt bỏ nếu cần. Tháng Giêng còn đủ thời gian, Arsenal cũng còn đủ tiền để dám chơi một cuộc liều đại phẫu ở những tế bào đã mất niềm tin. Sanchez muốn đi ư? Hãy để anh ta đi. Giroud thích bọ cạp ư? Cứ cho anh ta nhấm nháp nỗi vui ấy trên ghế dự bị. Lacazette, Mueller đang sẵn sàng đó, chỉ cần Arsenal chịu chi tiền mà thôi. Nếu họ tới, dù đắt, nhưng mang theo niềm tin, Arsenal sẽ được nhiều hơn mất, dù có thể xộc xệch ở thời gian đầu.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags