(Thethaovanhoa.vn) - Không ai có thể phủ nhận một thực tế rằng Louis van Gaal đang không đáp ứng được kỳ vọng của những người yêu Man United.
1. Đội bóng ấy là một thực thể không chỉ thỏa mãn với những trận đấu 3 điểm đơn thuần, mà nó luôn đòi hỏi người dẫn đường phải tạo ra cho nó một diện mạo thể hiện đúng tinh thần; tâm hồn và triết lý cống hiến mà nó đã theo đuổi rất nhiều năm qua. Và một khi người HLV trưởng không đáp ứng được kỳ vọng, tức là không làm tốt nhiệm vụ của mình, người ấy phải sống trước áp lực bị sa thải. Đó là một quy luật không thể thay đổi, một quy luật khắc nghiệt cho những người trưởng thành và của bất kỳ nghề nghiệp nào chứ không chỉ nghề huấn luyện viên.
Áp lực mà Van Gaal đang chịu đựng lại được cộng hưởng rất mạnh mẽ của giới truyền thông, những người luôn cố tình tạo ra câu hỏi cho giới hâm mộ bóng đá mỗi buổi sáng, khi họ mở tờ báo ra, câu hỏi “Xem nào, Van Gaal không biết đã bị sa thải chưa?”.
Chắc nhiều người đã quên ngày 04/10/2015, ngày Liverpool hòa Everton 1-1. Một tiếng đồng hồ sau trận cầu, Brendan Rodgers nhận quyết định sa thải chính thức, một quyết định mà ông chia sẻ “tôi biết từ trước khi bóng lăn”. Rodgers không trách cứ gì Liverpool mà ông trách cứ giới truyền thông Anh quốc. Ông khẳng định “Chính họ tạo ra câu chuyện này. Chính họ chờ đợi một ai đó bị sa thải. Chính họ đã tạo nên làn sóng chống lại tôi”.
Sự kiện đó mau chóng đi vào quên lãng bởi người Anh hưng phấn hơn hẳn với cái tên Juergen Klopp, người mang lại làn gió mới. Nhưng nếu Liverpool không thắng vài trận nữa, sau khi có dấu hiệu sa sút trong thời gian gần đây, báo chí lại đặt ra vấn đề sa thải HLV người Đức.
Tất nhiên việc Jose Mourinho bị Chelsea sa thải cũng có “công” của truyền thông Anh. Nếu họ bị ví với “bầy kền kền” thì liệu có oan uổng?
Câu chuyện tiếp tục với Van Gaal hôm nay. Và khi ông bực tức phản ứng trong buổi họp báo, kể cả những người quá chán nản với thứ bóng đá của ông cũng cảm thấy truyền thông thực sự bất nhẫn. 2.
Giữa buổi họp báo trước trận đấu, họ đặt ra câu hỏi về tương lai của ông (tất nhiên, báo giới chẳng vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp khi đặt những câu hỏi như thế) và nhận được câu trả lời: “Các anh nghĩ gì đến những tác động đến vợ con, bạn bè, người thân của tôi khi họ đọc những thứ các bạn viết hay không? Họ liên tục gọi cho tôi. Tôi tự hỏi, trong số các người, có ai cảm thấy có lỗi với tôi hay không? Tôi ở đây vì quy định của BTC chứ tôi cũng chẳng có nhu cầu gặp các người”. Câu trả lời đó nói lên tất cả. Truyền thông Anh chỉ cần câu chuyện cho họ mà thôi, bất chấp tác động của nó tới đối tượng tồi tệ thế nào. Dù gì thì Van Gaal vẫn còn là HLV Man Utd ở giây phút này, vậy mà họ hành xử cứ như Mourinho đang cầm quyết định bổ nhiệm chực chờ sẵn ở phía sau cánh cửa phòng họp báo.
3. Có thể có người sẽ cho rằng: “Nghề nghiệp nó vậy. Có gan chơi có gan chịu”. Van Gaal có bị sa thải hay không, theo cái đà này, ai mà chẳng phỏng đoán là điều đó sẽ tới. Nhưng cố tình thúc đẩy, tạo áp lực để nó tới sớm hơn thì có phần quá đà. Một người bản lĩnh như Van Gaal mà cũng chỉ chịu nổi 298 giây trong phòng họp báo thì đủ thấy cái áp lực tồi tệ ấy khủng khiếp đến mức nào.
Và ngay cả khi toàn bộ các HLV Premier League đều thuộc dạng “ngoan hiền”, truyền thông cũng sẽ cố tìm ra cho bằng được ai đó để sa thải. Đó là một thực tế, rất đáng buồn.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags