(Thethaovanhoa.vn) – Louis van Gaal cần một buổi chiều chủ nhật đẹp trời tại Anfield. Tương lai của vị chiến lược gia người Hà Lan tại Man United đang rất bấp bênh. Họ có thể thi đấu tồi tệ trước những đội bóng chiếu dưới tại Premier League nhưng khi đối đầu với Liverpool, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
- 21h05, ngày 17/01, Liverpool - Man United: Klopp - Van Gaal, Cuộc chiến của hai cá tính
- Anthony Martial: 'Tôi sẽ bắn hạ Liverpool một lần nữa'
- TIẾT LỘ bí mật tại Liverpool: Klopp làm việc với các trợ lý như thế nào?
- Đội hình… tệ nhất trong lịch sử của trận Liverpool- Man United
Mọi thứ không đơn giản chỉ tới từ bóng đá. Mối hận thù đến từ những lý do sâu xa hơn rất nhiều. Gốc rễ tới từ nền văn hóa lâu đời của vùng Merseyside và thành phố Manchester.
Biểu tượng thành phố Manchester như cái gai trong mắt của vùng Merseyside. Liverpool từng là cảng giao thương lớn nhất tại Anh cho tới khi Manchester chuyển mình. Họ xây dựng một bến cảng lớn để phá vỡ sự độc tài của Liverpool. Cũng từ đây, những cuộc chiến về kinh tế bắt đầu nổ ra giữa hai thành phố trong thế kỷ 19. Và, sự thâm thù của người dân hai thành phố cũng bắt đầu tiến dần tới lĩnh vực khác: Bóng đá.
Gary Neville, cựu đội trưởng của Man United đã từng nói về Liverpool rằng: “Tôi không thích họ. Đừng bắt tôi làm bất kì điều gì cùng họ. Tôi không thể chịu nổi những điều chết tiệt ấy!”. Câu nói này đã gây nên một làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng người hâm mộ của cả hai CLB. Các CĐV Man United, phần nhiều thì cảm thấy thích thú. Còn về phần Liverpool, đương nhiên, họ cũng không phản đối, họ cho rằng Neville rất thẳng thắn. Đơn giản bởi các Liverpudlians cũng cảm thấy như vậy mỗi khi nhắc tới Man United.
Ngoài những giá trị về văn hóa, nghệ thuật và nhiều điều khác, đương nhiên chúng ta vẫn sẽ chú tâm để nói về bóng đá. Liverpool và Man United đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào to lớn của hai thành phố. Sau này, các cầu thủ và các HLV mới đến liệu họ có hiểu được nguồn gốc của mối thâm thù này? Muốn biết điều đó, hãy hỏi những Sir Alex Ferguson hay Kenny Daglish, cũng như Luis Suarez và Patrice Evra. Họ không sinh ra và lớn lên tại hai thành phố, nhưng họ hiểu được mối thâm thù này dù có ở trong hay ngoài sân cỏ.
United đã trở thành một thương hiệu mang tầm vóc toàn cầu. Họ cũng có thể tự hào khi sở hữu một lượng fan đông đảo hơn so với Liverpool. Nhưng họ không thể không quên những gì diễn ra trong quá khứ, vượt ra ngoài khía cạnh bóng đá đó là lòng cảm thông và tình cảm giữa con người với con người. Thảm họa Munich trong năm 1958 đã cướp đi của Man United 8 cầu thủ trong đội hình chính thức và 3 nhân viên làm việc tại CLB, để lại một nỗi đau quá lớn trong lịch sử CLB. Và thời điểm đó, Liverpool cũng là một trong những đội bóng đầu tiên đứng ra giúp đỡ Man United cả trên khía cạnh nhân sự cũng như kinh tế. Matt Busby – cựu đội trưởng Liverpool – trở thành HLV trưởng Man United, đưa CLB tìm lại ánh hào quang từ Châu Âu chỉ một thập kỉ sau thảm họa Munich.
Ở thế kỉ trước, Liverpool áp đảo so với Man United về mọi mặt. Đó là điều không phải bàn cãi. Nhưng mọi thứ đã dần thay đổi. Đó chính xác là một bi kịch sau thảm họa Hillsborough 1989. Các cầu thủ mất người thân, đội bóng mất CĐV, HLV của Liverpool thời ấy là Kenny Daglish khủng hoảng tâm lý và không còn muốn tiếp tục nghiệp huấn luyện. Liverpool bắt đầu chuỗi ngày khủng khiếp từ đó khi 25 năm không thể vô địch giải VĐQG Anh.
Một bi kịch cho vùng Merseyside nhưng cũng từ đây, lịch sử bắt đầu sang trang với Man United. Đội bóng đi đúng hướng và bắt đầu đem về những danh hiệu cũng như lượng fan khổng lồ. Tiến tới kỉ nguyên Premier League, Man United của Sir Alex Ferguson đã vô địch giải đấu 13 lần và giành thêm hai Champions League. Sau đó, Man United đã chính thức hạ bệ Liverpool để trở thành đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh. Và lại thêm một lần nữa, CĐV hai đội có lý do để thêm hận thù.
Người hâm mộ trung lập – hoặc chưa hiểu rõ về trận đấu được coi là “Derby nước Anh” - sẽ được nhìn thấy rõ hơn trong trận đấu hôm nay. Người viết dám cam đoan rằng, những pha va chạm sẽ mạnh mẽ, quyết liệt hơn và cái giá của thất bại cũng sẽ đau đớn hơn rất nhiều.
Steven Gerrard bị đuổi khỏi sân chỉ sau 38 giây thi đấu, trong trận đối đầu giữa hai đội ở mùa giải trước. Hình ảnh đó là ví dụ tiêu biểu cho tính quyết liệt của trận đấu này. Giống như Neville, Gerrard là một cậu bé địa phương và anh hiểu rõ truyền thống cũng như lịch sử của đội bóng. Dù thời gian trôi qua, Gerrard và Neville đều không còn ở đó, nhưng không vì thế mà tính máu lửa của trận đấu sẽ bị ảnh hưởng. Rồi sẽ lại xuất hiện những cái đầu chỉ trực chờ bốc lửa và rồi đi quá giới hạn cho phép, giống như Steven Gerrard.
Tối nay, sẽ có rất nhiều áp lực. Những lời phát biểu mang tính công kích của Louis van Gaal đơn thuần chỉ là chất gia vị không thể thiếu trong món ngon này. Ba điểm gần như là nhiệm vụ tối quan trọng mà HLV người Hà Lan đề ra cho các họ trò.
Hãy khoan, vấn đề không phải chỉ là điểm số. Đây là danh dự. Danh dự của hai thành phố có sự thù địch lớn bậc nhất nước Anh.
Không có sự khác biệt về chất lượng đội hình, cũng không phải là sự khác biệt trên băng ghế chỉ đạo. Tính chiến đấu và sự quyết tâm sẽ được đề cao hơn cả. Trận derby này đơn giản sẽ được quyết định bằng khoảnh khắc. Chỉ một khoảnh khắc sẽ làm thay đổi tất cả, giống như chiếc thẻ đỏ của Steven Gerrard hôm nào.
Hoàng Long
Lược dịch từ ESPN
Tags