(Thethaovanhoa.vn) - Vài tháng trước, sau khi công bố đã ký được hợp đồng thời hạn 3 năm với Pep Guardiola, ban lãnh đạo Man City đã cùng nhau đi đến một thỏa thuận về chính sách.
1. Đó là dưới thời một tân HLV danh tiếng như Pep, Man City sẽ khởi đầu bằng những cải tiến có tính toán chứ không phải sẽ thực hiện một cuộc cách mạng triệt để về nhân sự. Song, có vẻ như càng gần ngày Pep đến nhận ghế bao nhiêu, thỏa thuận ấy càng đi gần tới điểm đổ vỡ bấy nhiêu.
Lãnh đạo Man City đã nhận ra họ thiếu những gì, nhiều như thế nào, sau 180 phút chơi với Real ở bán kết Champions League. Cho dù đối thủ loại họ bằng 1 bàn thắng duy nhất, lại được tính là do hậu vệ Man City đốt lưới nhà đi nữa, Man City vẫn chưa ở tầm của các đội bóng chinh phục đỉnh cao Champions League.
Họ mới chỉ là một đội bóng có khả năng tạo thách thức mà thôi, và thách thức thì không đủ so với tham vọng và đầu tư của giới chủ.
Pep là con người không thích những cải tiến có toan tính. Điều ấy được thể hiện quá rõ trong phương pháp làm việc của ông. Ông cầu toàn, kỹ đến từng chi tiết, và rất quyết liệt trong việc đòi hỏi người khác đáp ứng những chi tiết mình đưa ra.
Ngay mùa đầu tiên nhận Barca, ông đã mở ngay một “đợt bán buôn” cầu thủ, mà trong đó có những cái tên đã gắn bó với thành công dưới thời Rijkaard như Ronaldinho, Deco, Oleguer, Edmilson. Tiện tay, ông cũng “khuyến mại” luôn những cái tên Rijkaard mới đưa về như Thuram, Zambrotta. Và đợt “mua nguyên lô” của ông cũng bắt đầu với Pique, Keita, Alves…
Phải thừa nhận, Pep rất tinh khi những cầu thủ trong đợt mua nguyên lô ấy của ông đến nay vẫn còn tác dụng lớn như Pique, Alves và Busquets (đưa từ đội Barca B lên). Mùa kế tiếp, lại những ngôi sao lừng danh thời Rijkaard phải ra đi mà điển hình là Eto’o, Gudjohnsen và Sylvinho.
Cuộc cách mạng đi đến triệt để ở vào mùa thứ ba, khi lần lượt Henry, Toure, Marquez bị tống ra chợ. Và đó cũng là lúc triều đại của Pep ở Barca đi đến những ngày cuối cùng. Lúc bộ máy đã coi như hoàn thiện, con người hướng tới sự hoàn hảo như Pep sẽ cảm thấy mình không còn việc gì để làm. Ra đi là tất yếu nhưng ra đi ấy đáng giá với Barca bởi sơ sơ, 4 năm ở Nou Camp, Pep mang về 14 danh hiệu mà đáng giá nhất là 2 lần vô địch Champions League.2. Man City sẽ khó tránh khỏi một cuộc cách mạng từ những ý tưởng đang được hình thành từ Pep, nhất là khi họ có khả năng lớn giữ được vé dự Champions League, tức là vẫn còn tham vọng lớn cũng như giữ được sức hút trên thị trường chuyển nhượng.
Những cái tên mà Pep muốn trải đều cả ở 3 tuyến, mà chỉ cần nghe tới thôi là bất kỳ ông chủ nào cũng có thể phát hoảng. Họ là Aymeric Laporte, Antoine Griezmann, Ilkay Guendogan, John Stones, N’Golo Kante, Thiago Alcantara, Robert Lewandowski, Marc-Andre ter Stegen, Leroy Sane, 10 ngôi sao đủ cho Ranieri sắm được 3 đội hình cho Leicester như mùa vừa rồi.
Tất nhiên, Pep sẽ không thể nào mang về cả 10 hợp đồng mới trong một mùa hè. Nhưng ít nhất là ông cần cặp trung vệ Laporte - Stones, một tiền vệ trung tâm như Kante và một cầu thủ tấn công (Lewandowski chăng?). Và chỉ cần cặp trung vệ kể trên thôi, giá ước tính trên thị trường đã lên tới 90 triệu bảng (cặp Otamendi - Mangala đã từng ngốn của Man City 74 triệu bảng Anh). Số tiền ấy, cộng với tiền mua Kante và một ngôi sao tấn công, chắc chắn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng chấn động cả thượng tầng CLB.
3. Tất nhiên, để thay đổi triệt để, để làm cách mạng, người ta phải chấp nhận “mất máu”. Man City có thể sẽ tốn rất nhiều vì với họ, Pep đang là một niềm say mê thực sự. Nhưng hợp đồng 3 năm không đủ đảm bảo thời gian để mang lại thành công, nhất là khi cạnh tranh khắc nghiệt như lúc này. Man City sẽ còn tốn kém nữa, và liệu họ có gắn bó thêm nữa với Pep khi ông tiếp tục leo thang “tăng cường vũ khí”? Khó lắm. Bởi đầu tư bóng đá không chỉ vì thành tích đơn thuần.
Pep vĩ đại, được ủng hộ viên khắp nơi thần tượng rất nhiều. Song, Pep cũng nên nhớ đến Pellegrini, người mới rời đi, với buổi chia tay mà trên sân Etihad bỗng dưng chỉ còn lại 1/10 số khán giả nán lại với ông đến phút cuối cùng.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags