(Thethaovanhoa.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà Man United chơi bết bát sau khi Sir Alex Ferguson giải nghệ năm 2013. Dù đã chi cả đống tiền và thay đủ các loại HLV, Man United vẫn chưa thể lấy lại hình ảnh của họ ngày nào. Lý do? Man United đang phải trả giá cho mấy chục năm thành công với Sir Alex.
- Sir Alex: '27 năm ở Man United, tôi chỉ 'sấy tóc' có 6 lần'
- Man United và Pogba: Khi Giá trị thương hiệu quan trọng hơn việc bán áo
- Man United thất bại vì thiếu 'chất Mourinho'?
Sau khi nghỉ hưu, Sir Alex để lại một Man United với bộ máy mà giới chuyên gia ở Anh nhận xét là cực kỳ lạc hậu. Trong thời gian dẫn dắt Man United, Sir Alex quyết tất mọi thứ ở Old Trafford, từ lò đào tạo trẻ, mua sắm, ký hợp đồng mới với ai, đá thế nào. Tóm lại, Sir Alex là một “đại tổng quản” ở Man United và nhúng tay vào tất cả mọi thứ, tức “Quỷ đỏ” không cần đến chức danh giám đốc thể thao mà các đội bóng lớn của châu Âu vẫn thường có.
Sir Alex là một “đại tổng quản” ở Man United
Cứ cho là David Moyes, Louis van Gaal và Jose Mourinho đều không thích hợp để dẫn dắt Man United vì họ quá bảo thủ hoặc lạc hậu, nhưng vấn đề của “Quỷ đỏ” chắc chắn không chỉ nằm ở chiến thuật hay phong cách của HLV. Trong khi chức vô địch hay thậm chí là Top 4 có thể là mục tiêu xa vời với Man United mùa này, thì câu chuyện của họ bên ngoài sân cỏ vẫn rất khả quan.
Cho dù Mourinho có không đạt được mục tiêu đặt ra mùa này, Ed Woodward, phó chủ tịch kiêm GĐĐH của Man United, vẫn xoa tay hài lòng vì lợi nhuận và giá trị thương hiệu của “Quỷ đỏ” vẫn tăng đều. Và có vẻ như đó mới là điều quan trọng với Man United, khi mà BLĐ của họ không có bất cứ một người hay chuyên gia nào am hiểu tường tận vấn đề chuyên môn. Từ trước tới nay, gia đình nhà Glazers vốn vẫn đặt niềm tin vào những chuyên gia tài chính hay luật sư tài ba, để đảm bảo sự vững mạnh về tài chính.
Man United lúc này giống như một đội bóng không có tầm nhìn, không bản sắc và cũng không có luôn một chiến lược bài bản. Trong vai trò phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành, Ed Woodward đang sở hữu quá nhiều quyền lực ở Man United, trong khi lẽ ra ông chỉ thích hợp với vai trò phát triển thương hiệu, ký các hợp đồng tài trợ, hay tóm lại là kiếm tiền.
Ed Woodward (trái) chỉ hợp việc kiếm tiền
Vì vai trò quá lớn của Ed Woodward, Man United rơi vào một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Các HLV đến Man United đều ép Ed Woodward phải mua ngôi sao nọ, ngôi sao kia để đạt được mục tiêu vô địch hoặc Top 4, như trường hợp của Mourinho là bản hợp đồng kỷ lục thế giới Paul Pogba hay một Ibrahimovic hưởng lương cao ngất ngưởng ở tuổi 35.
Vấn đề là Ed Woodward sợ nếu Man United không được dự Champions League, doanh thu, hợp đồng tài trợ của đội bóng sẽ bị ảnh hưởng nên Mourinho yêu cầu ai, ông đều mua nếu có đủ tiền. Hơn nữa, Ed Woodward không dám phản biện vì ông không quá am hiểu về chuyên môn. Đó là câu chuyện đã xảy ra dưới thời Van Gaal và giờ là Mourinho.
Tại sao cần một giám đốc thể thao?
Ở các đội bóng lớn, sự thay đổi trên ghế huấn luyện thường không đồng nghĩa với sự thiếu ổn định hay mâu thuẫn. Barcelona, Bayern Munich, Borussia Dortmund, Juventus và Manchester City là những CLB quản lý các HLV của họ thông qua các giám đốc thể thao. Họ đảm bảo cho sự liên tục trong cách vận hành đội bóng, hoạch định chiến lược hay lớn hơn là “triết lý bóng đá”. Vì vậy, cho dù có ai là HLV đi chăng nữa, triết lý của họ cũng sẽ không thay đổi quá nhiều.
Đã qua rồi cái thời một HLV làm tất cả mọi thứ như Sir Alex từng làm. Trường hợp của Arsene Wenger (đã gắn bó với Arsenal 20 năm) là rất hiếm. Bóng đá bây giờ quá điên rồ và phức tạp để một người có thể giải quyết tất cả, mà họ cần có sự giúp đỡ, chia sẻ về trách nhiệm. Các HLV bây giờ thường chỉ tập trung vào vấn đề chuyên môn, thứ mà họ giỏi nhất, chứ không dàn trải ra quá nhiều. Ngay cả Sir Alex cũng phải giao lại một số công việc cho những người khác trong thập kỷ cuối cùng dẫn dắt Man United, để họ không rơi vào tình trạng sụp đổ hoàn toàn sau khi ông giải nghệ.
Không còn nhiều HLV gắn bó với một CLB dài lâu như Wenger
Southampton là một trường hợp hoàn toàn khác so với Man United. Họ vẫn luôn đứng vững dù cầu thủ, HLV đến hay đi. Không như Man United, sự thay đổi HLV ở Southampton không có nghĩa là họ sẽ xoá sạch để làm lại từ đầu. Vị trí HLV với Southampton chỉ là một nhân tố hoàn toàn có thể thay thế trong một chiến lược dài hơi của họ.
Sau 2 năm gắn bó với Louis van Gaal, Woodward và nhà Glazers đã làm lại bằng việc đưa về Mourinho, khiến hàng trăm triệu bảng mà họ bỏ ra trước đó cho HLV người Hà Lan “đổ sông đổ biển”. Còn Southampton, dù có là ai ngồi trên băng ghế huấn luyện, Mauricio Pochettino, Ronald Koeman hay Claude Puel, họ vẫn băng băng tiến lên khi chỉ phải đi theo một chiến lược đã được định sẵn bởi giám đốc thể thao tài năng Les Reed.
Les Reed
Vì thế, có lẽ đã đến lúc Man United tìm một ai đó có đủ khả năng để trở thành giám đốc thể thao của họ, hay một nhân vật trong BLĐ có đủ tầm hiểu biết về chuyên môn để đảm bảo rằng họ không chỉ coi kiếm tiền là mục đích chính. Mourinho có thể ra đi hoặc ở lại, thành công hoặc thất bại, nhưng Man United sẽ còn là một mớ hỗn độn, chừng nào họ còn tiếp tục tập trung vào các hợp đồng tài trợ, thay vì một chiến lược bóng đá dài hơi. Nếu Man United bị các đối thủ của họ bỏ lại, thì đó chắc chắn không phải là lỗi của HLV.
Trước đây, hàng loạt đội bóng Anh không cần giám đốc thể thao/kỹ thuật vì HLV (manager – quản lý) của họ thường gắn bó nhiều năm, vì lợi ích dài hạn của CLB. Nhưng bây giờ, nhiều đội bóng Anh cần giám đốc thể thao vì tuổi thọ HLV ngắn, thường chỉ 2 hoặc 3 năm. Một giám đốc thể thao thường gắn bó lâu dài với một CLB, còn HLV bây giờ thì hiếm. Nên nếu Man United xác định dùng một HLV chỉ 2 hoặc 3 năm, họ cần một giám đốc thể thao để đảm bảo đội bóng không bị xới tung sau mỗi lần thay tướng.
Các khoảnh khắc của Sir Alex ở Man United
Chính một đội bóng bảo thủ như Liverpool cũng vừa phải bổ nhiệm giám đốc thể thao riêng của họ là Michael Edwards, người sẽ làm việc bên cạnh Juergen Klopp, sau nhiều năm The Kop gắn bó với cái gọi là “hội đồng chuyển nhượng”, vốn gây ra nhiều tranh cãi và rắc rối ở Anfield.
Michael Edwards là giám đốc thể thao thứ 8 ở Premier League Với việc Liverpool vừa bổ nhiệm Michael Edwards làm giám đốc thể thao, Premier League hiện đang có 8 đội bóng tồn tại vị trí này. Ngoài Liverpool, 7 đội khác có giám đốc thể thao là Manchester City (Txiki Begiristain), Everton (Steve Walsh), Southampton (Les Reed), West Brom (Richard Garlick), Leicester City (Jon Rudkin), Bournemouth (Richard Hughes), và Middlesbrough (Victor Orta). Trong số này, chỉ có Steve Walsh của Everton và Richard Hughes của Bournemouth từng là cầu thủ. Tức là một giám đốc thể thao không nhất thiết phải là một người từng đá bóng giỏi, mà đó phải là người có tầm nhìn chiến lược, tài bao quát và quản lý. Với Man United, trong mùa Hè vừa qua, họ từng được đồn đoán có liên hệ với giám đốc thể thao tài ba Monchi của Sevilla, nhưng cuối cùng ông này vẫn ở lại Sanchez Pizjuan. Trong nhiều trường hợp, một giám đốc thể thao thường chính là trụ cột một thời của đội bóng đó, chẳng hạn như Jorge Valdano ở Real Madrid hay Leonardo ở PSG trước đây. Nếu Man United cũng làm vậy, họ có thể mời lại Gary Neville, người không chỉ là thủ lĩnh cả về tinh thần lẫn chuyên môn của đội khi còn thi đấu mà còn có kinh nghiệm huấn luyện (từng dẫn dắt Valencia) và là một BLV tiếng tăm. |
Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags