(Thethaovanhoa.vn) - Phải thừa nhận, Louis van Gaal thuộc diện quá may mắn. Cứ mỗi lúc ông đứng giữa tâm bão chỉ trích, giữa áp lực đòi sa thải từ CĐV thì ngay lập tức, ông lại có được một kết quả đủ để dập tắt những ý kiến chỉ trích.
1. Và khi Rashford ghi 4 bàn trong hai trận đầu tiên khoác áo đội hình 1 của Man United, gần như không còn ai nhắc đến Jose Mourinho nữa. Lác đác đã bắt đầu có những ý kiến xoay chiều khen ngợi tài năng của Louis van Gaal, những ý kiến kiểu như “hãy trả lại vị trí huyền thoại cho một huyền thoại”.
Đúng là Rashford đã ra mắt xuất sắc và các cầu thủ trẻ Man United đã chơi quá hay trước Midtjylland lẫn Arsenal ở hai trận cầu gần nhất. Nhưng nếu mổ xẻ sâu xa cái hay ấy ra, chúng ta sẽ càng thấy Louis van Gaal… lạc hậu ở thời đại của mình.
Xin quay lại với vị trí của Rashford, chúng ta thử kiểm đếm lại từ đầu mùa tới giờ, nhất là sau khi Chicharito bị tống khứ khỏi Old Trafford, đã bao nhiêu lần Man United đứng trước vấn đề hàng công quá mỏng, đặc biệt ở vị trí trung phong? Cả việc Rooney còn đầy sức ì và chưa thể nào chơi bóng đáp ứng đúng yêu cầu cũng đã diễn ra khá nhiều lần, tạo nên bức xúc không chỉ cho người hâm mộ Man United mà còn cho cả các cựu danh thủ của đội bóng này.
Nhưng Van Gaal luôn luôn tảng lờ, theo kiểu “tôi chỉ có những con người đó nên tôi buộc phải sử dụng trong giới hạn như thế”. Thử hỏi, nếu ông là một người tài năng thực sự, ông đã trao cơ hội cho Rashford và các đồng đội trẻ của anh khi những cầu thủ trụ cột của Man United chơi dưới sức mình. Van Gaal chỉ cố gắng sử dụng trong giới hạn đội hình 1 của mình mà thôi, kể cả là dùng một cầu thủ ở vị trí không phải sở trường của anh ta. Rashford và đồng đội cùng lứa chỉ được Van Gaal tung vào sân khi ông không còn lựa chọn nào khác và thực tế cho thấy, với những gì các cầu thủ ấy đã chứng tỏ, Van Gaal rõ ràng đã lãng phí nhiều tháng tích lũy kinh nghiệm cho họ.
2. Vậy mà chính ông đã từng tuyên ngôn rất dõng dạc rằng: “Tôi không phải mẫu HLV chỉ đi mua ngôi sao mà là mẫu người sẽ phát huy tối đa tiềm năng của các cầu thủ”. Vâng, chính Rashford và các đồng đội cùng lứa đã được phát huy tối đa khả năng như thế, theo kiểu chỉ khi nào không còn ai nữa để sử dụng thì khi ấy họ mới có cơ hội từ HLV của mình.
Van Gaal từng nói về chuyện cầu thủ của ông cần chơi “hứng tình” hơn và rõ ràng, các cầu thủ trẻ như Rashford đã rất “hứng” bởi với họ, những lần ra sân hiếm hoi chính là cơ hội để bung hết khả năng của mình nhằm chứng minh giá trị tiềm ẩn. Và chính họ đã khiến Van Gaal nổi cơn hứng tình khi nằm bò ra đường pitch để giễu nhại cầu thủ Arsenal. Nhiều người thích thú với hành động đó nhưng không ai đặt câu hỏi rằng: “Hai năm ở Old Trafford, tại sao không bao giờ ông bộc lộ cảm xúc như thế, thứ cảm xúc có thể kích thích cầu thủ trên sân chơi hứng khởi, thứ mà ông gọi là “hứng tình” một cách đầy chủ đích?”.3. Nói gì thì nói, Mourinho vẫn hơn Van Gaal ở khâu bộc lộ cảm xúc như thế. Nhiều người cùng cho rằng Mourinho có thể sẽ phá hủy giá trị cốt lõi và nền tảng văn hóa của Man United nhưng thực sự, Mourinho ở vị trí HLV trưởng của Man United còn hơn là Van Gaal cứ tại vị ở đó. Đơn giản, Mourinho cẩn trọng nhưng nhiều khi liều lĩnh hơn Van Gaal; Mourinho cũng là người ưa bộc lộ bằng hành vi gây chú ý hơn Van Gaal, thứ có thể khiến sân bóng trở nên sinh động hơn và cầu thủ thì cảm thấy hào hứng hơn.
Ít nhất trong ngắn hạn, Man United cần Mourinho hơn là một Van Gaal bỗng dưng chiến thắng, bỗng dưng bùng nổ bên đường pitch, bỗng dưng dùng cầu thủ trẻ.
Với Van Gaal, Man United “hứng” lên thì may ra thắng. Không thể chinh phục các đỉnh cao theo kiểu tùy hứng như thế được!
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags