(Thethaovanhoa.vn) - Nếu Mourinho không phải là HLV xuất sắc nhất thế giới thì tầm cỡ của ông cũng đủ để coi là tiêu biểu cho ranh giới giữa mối quan hệ cầu thủ và HLV. Ông chủ quán trò chuyện cùng nhà báo Phạm Tấn.
- Mourinho ưu tiên Man United hơn Real Madrid
- Xavi chê cách huấn luyện của Jose Mourinho
- Vì sao CĐV Real không muốn Mourinho trở lại?
Nhà báo Phạm Tấn: Mourinho nói không sai rằng ông là HLV tốt nhất mà CLB Chelsea có thể có. Ông cùng với Chelsea giành tám danh hiệu trong đó có ba chức vô địch Ngoại hạng Anh, là người đưa CLB này vươn tới vị thứ của một CLB hàng đầu nước Anh và châu Âu. Mourinho gián tiếp đưa Chelsea vô địch Champions League. Xét về danh hiệu trên toàn thế giới, Mourinho là người xuất sắc thứ hai trong một thập kỷ qua, chỉ sau Pep Guardiola. Chelsea sa thải Mou lần một, họ cũng đã trải qua giai đoạn dài nhớ Mourinho, thấy khoảng trống mà ông để lại, thấy không ai có thể đi vừa đôi giày của ông. Đó là sự kiểm chứng. Nhưng sa thải Mou là điều không thể tránh khỏi. Đã có ít nhất hai cơ hội được trao để hàn gắn mối quan hệ giữa các cầu thủ và HLV, để rồi Mourinho chứng tỏ rằng ông không thể thực hiện được điều đó. Và việc còn lại phải làm sau khi Mourinho công khai nói các cầu thủ đã phản bội lại công sức của ông chỉ là "cân" giữa cầu thủ và HLV xem bên nào nặng hơn. Giống như ở Chelsea trước đây, ở Real Madrid cách nay hơn hai mùa, Mourinho không thể "nặng" hơn một tập thể cầu thủ.
* Và như thế, Mourinho không quá quan trọng như chúng ta vẫn nghĩ?
Nếu giữ lại Mou tức là Chealse sẽ phải thanh lọc gần như toàn bộ lực lượng nòng cốt ở đó. Họ sẽ phải bán đi Costa, Hazard, Matic, Fabregas, Ivanovic, Oscar, rồi thúc Terry giải nghệ nếu không cũng phải tiễn anh sang MLS để sum họp với Lampard. Liệu có thể tìm được ngần ấy những cầu thủ tương đương ngay trong một kỳ chuyển nhượng? Trong khi những cầu thủ hiện tại có thể thích ứng với các hệ thống, triết lý bóng đá khác nhau. Xét về lý thuyết, họ có thể chơi cả tấn công bởi khi có một Fabregas, Pedro, Hazard, Willian, Oscar, Matic, đội bóng sở hữu những cá nhân như thế có thể xây dựng cách chơi tuỳ thích, dưới sự dẫn dắt của bất cứ huấn luyện viên nào nằm trong số những HLV hàng đầu hiện nay. Thay Mourinho và đền bù khoảng 10 triệu bảng trong bối cảnh này không phải là lãng phí nếu so với việc Chelsea còn tốn khoảng 14 triệu bảng/năm cho một ngôi sao vô dụng như Falcao.
Nhưng thay HLV đôi khi cũng phải trả những cái giá rất đắt, nếu chúng ta nhìn vào Man Utd, đội bóng đã tiêu khoảng 300 triệu bảng kể từ khi họ có HLV Louis Van Gaal mà đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Đó lại là một bài học khác mà các CLB buộc phải chấp nhận trong một số hoàn cảnh. Khi lựa chọn một HLV có triết lý và kế hoạch tạo dựng một đội bóng có dấu ấn của riêng ông ta ngay từ khi lựa chọn con người, thì CLB phải chấp nhận phải thay máu cầu thủ. Nhưng một khả năng như Van Gaal với Man United rất khó xảy ra ở Chelsea. Đây là lúc chúng ta bàn tới vai trò của Giám đốc thể thao, một người quan trọng trong cấu trúc tổ chức một CLB của bóng đá thế giới hiện đại. Có thể vai trò của Giám đốc thể thao Michael Emenalo tại Chelsea mờ nhạt khi có Mourinho, nhưng nếu ông cũng nhìn nhận những con người hiện tại là phù hợp, và chỉ sàng lọc dần dần trong tương lai thì Chelsea sẽ chỉ kiếm về một HLV sẵn sàng để tổ chức lại những con người hiện có, trừ phi đó là HLV Guardiola.
* Và như thế, các HLV luôn ở dưới gót chân các cầu thủ?
Các HLV luôn phải chấp nhận điều đó. Nhưng cũng có những ngoại lệ. Sir Alex Ferguson khi dẫn dắt Man United là như thế. Có một HLV khác luôn bị đánh giá thấp hơn Mourinho rất nhiều là Arsene Wenger, người ở một trạng thái không thể bị cầu thủ đá ở Arsenal dù nhiều lúc có người tin rằng ông rất đáng bị sa thải sau chục năm không thể giúp đội bóng này trở lại với ngôi Vua bóng đá Anh. Cả Ferguson và Wenger dù có tính cách khác nhau và thể hiện bản thân ở mức độ khác nhau, nhưng đều tạo ra được ưu thế của mình với các cầu thủ nhờ tạo ra được tính hệ thống ở Man Utd và Arsenal. Cụ thể hơn, hệ thống ấy là lối chơi chủ động để các cầu thủ khai phá bản thân, để bất cứ ai đứng trong đó cũng chỉ là một mắt xích, để không có cá nhân nào quan trọng hơn tập thể chứ không phải cá nhân cầu thủ nào cũng phải đứng dưới HLV. Khi Man Utd không còn Ronaldo và Beckham, họ vẫn thành công là nhờ tính hệ thống. Khi Arsenal phải bán các cầu thủ trụ cột, họ vẫn không sụp đổ cũng là nhờ tính hệ thống, để luôn ở trong trạng thái chỉ cần bổ sung thêm một vài ngôi sao đẳng cấp là có thể vươn tới đỉnh cao. Đây chính là lý do tại sao một người như Mourinho được coi là xuất sắc cũng có những hạn chế, còn ông Wenger dù không đoạt được danh hiệu lớn nào vẫn đạt được sự kính trọng từ một bộ phận người hâm mộ và dân trong nghề.
* Còn với bóng đá Việt Nam?
Chúng ta chỉ có một người mang phong cách của Mourinho, là ông Lê Thụy Hải nếu chỉ xét về vấn đề cá tính và cái tôi cá nhân. Câu chuyện của Bình Dương để HLV Lê Thụy Hải ra đi giữa cũng khá tương tự như thế khi đội bóng này thấy họ thay HLV mà không cần phải thay máu cầu thủ, chất lượng cầu thủ ở trình độ cao và chỉ cần được tổ chức lại là sẽ đạt thành tích tốt. Trong khi đó, chúng ta lại không thấy có HLV nào tạo ra được tính hệ thống ngoài một HN T&T có Phan Thanh Hùng. Đó chính là lý do hầu hết các đội bóng ở V-League đều thiếu tính ổn định.
Phạm Tấn
Tags