(Thethaovanhoa.vn) - 8h00 sáng 18/12, Jose Mourinho tới phòng làm việc của Giám đốc điều hành Ed Woodward. Cuộc nói chuyện diễn ra trong khoảng 2 tiếng và theo một số nguồn tin thân cận thì nó rất căng thẳng.
10h10 phút, Mourinho rời phòng làm việc của CEO M.U. Ngay lập tức, trên trang web chính thức của đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh phát đi dòng thông báo chỉ vỏn vẹn có 65 từ với nội dung đơn giản là “CLB đã sa thải Mourinho và chúc ông thành công trên con đường phía trước”.
Sự bất lực của Mourinho
Mourinho bị Chelsea sa thải vào ngày 18/12/2015, dù mùa trước ông còn giúp đội này vô địch Premier League. Sau đó, Mourinho nhận được khá nhiều lời mời từ các CLB lớn, nhưng ông đều từ chối. Và ngày 27/5/2016, Mourinho kí hợp đồng 3 năm với M.U, hiện thực hóa giấc mơ được dẫn dắt đội bóng này. 7/8, Mourinho giúp M.U thắng Leicester City 2-1 trong trận tranh Siêu cúp nước Anh. Sau đó Mourinho còn giúp M.U có thêm cúp Liên đoàn Anh và vô địch Europa League để dự Champions League dù kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6.
Nhưng đó là tất cả những gì Mourinho làm được. M.U cứ như một chiếc xe thụt lùi. Họ tiến được một bước thì lại lùi 3 bước. 3 chiếc cúp Mourinho có được chỉ là những chiếc cúp hạng trung và nó không bao giờ là đích đến mà những CLB lớn hướng đến.
Mùa đầu tiên Mourinho giúp M.U cán đích ở top 6, mùa sau khá khẩm hơn khi về nhì. Những điều đó chẳng có nghĩa lý gì vì người ta kỳ vọng ông phải giúp M.U vô địch Premier League, phải trở về với thời kì hoàng kim của Alex Ferguson.
Năm ngoái, khi M.U giành vị trí á quân, Mourinho tuyên bố năm tới, họ sẽ cạnh tranh chức vô địch Premier League. Bây giờ, khi mùa giải mới đi được 17 vòng đấu, M.U kém đội đầu bảng Liverpool 19 điểm, kém top 4 tới 11 điểm. Một sự tụt lùi khủng khiếp. Nó cho thấy sự bất lực của Mourinho trong việc phục hưng một M.U đẹp, quyến rũ nhưng đầy hiệu quả. Thậm chí, những gì ông làm được còn kém cả hai người tiền nhiệm Louis Van Gaal và David Moyes nữa.
Sự bảo thủ và Quyền lực số 1 của Mourinho
Mourinho thành công ở Porto, Chelsea và Inter bởi sự thực dụng. Các đội bóng của ông không cần đá đẹp, chỉ cần hiệu quả. Ông yêu cầu họ chơi chặt chẽ, đề cao tối đa vai trò phòng ngự và tung ra nhát dao kết liễu đối thủ khi có cơ hội. Tóm lại, với Mourinho muốn thắng trận thì trước tiên không thua đã.
Nhưng bóng đá thay đổi theo thời gian. Sự thực dụng, chặt chẽ của Mourinho thành công trong thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21. Bước sang thập kỉ thứ 2, bóng đá đã chuyển mình mạnh mẽ. Pep Guardiola giúp Barca và Man City (hiện tại) thành công nhờ thứ bóng đá tổng lực. Real Madrid, Juventus hay Liverpool cũng vươn xa nhờ những thay đổi về tư duy và cách thức chơi bóng.
Ngược lại, Mourinho vẫn ưu tiên sự đơn giản và thực dụng. Bởi thế Mourinho thất bại trước Barcelona của Pep. Ở M.U, tư duy bóng đá của Mourinho vẫn thế. Và ông thua Liverpool của Klopp, thua Man City của Guardiola và thua Chelsea của Conte (giờ là Sarri).
Lối chơi mà Mourinho áp dụng cho M.U quá đơn giản: phòng ngự, phòng ngự và phòng ngự. Ông muốn ưu tiên hàng thủ trong khi phó mặc hàng công cho họ tự biên tự diễn. Bởi vậy, khi những Lukaku, Rashford hay Martial chơi hay, M.U có bàn thắng. Ngược lại, khi họ xuống phong độ, M.U không còn ai biết ghi bàn.
Một vấn đề khác của Mourinho là việc ông luôn coi mình là số 1 ở bất cứ phòng thay đồ nào. Quan điểm ấy tạo ra mớ bòng bong ở Real Madrid, khi nhóm các ngôi sao chống lại ông. Nó khiến một loạt các cầu thủ Chelsea “làm phản”, ra sân không đá hết mình. Ở M.U, điều đó lặp lại. Mourinho tạo ra mâu thuẫn với bất cứ cầu thủ nào mà ông khó chịu. Từ Pogba, Luke Shaw, Martial cho đến Sanchez.
Giá như Mourinho biết lắng nghe, biết tôn trọng ý kiến của học trò, ông thậm chí còn quản lý phòng thay đồ tốt hơn thay vì duy ý chí và áp dụng quyền lực tối thượng của mình lên tất cả.
Chuyên gia săn tiền bồi thường
Mourinho đã được giải thoát, và ông còn đút túi 22,5 triệu bảng (tương đương 720 tỷ VNĐ). Hay nói một cách khác, Mourinho đã chờ cái ngày này, khi BLĐ M.U quyết định sa thải để ông được ra đi, với một túi tiền bồi thường lớn.
Mourinho là một trường hợp dị biệt trong bóng đá đương đại. Với rất nhiều HLV, khi đội bóng thất bại và không còn cách nào khác để cứu vãn, họ chọn ra đi với việc đề đơn xin từ chức. Nhưng Mourinho ngược lại. Không từ chức, cũng không đánh tiếng đòi ra đi. Ông vẫn khẳng định mình vẫn tiếp tục chiến đấu nhưng thực chất, ông lại làm mọi thứ tồi tệ hơn. Ở Real Madrid, ông phá nát đội bóng trong mùa cuối. Ở Chelsea, ông tạo ra một cuộc chiến hỗn loạn ở phòng thay đồ trước khi ra đi. Ở M.U cũng thế.
Mourinho đã làm tất cả, để dìm sự kiên nhẫn xuống mức thấp nhất có thể... Ông buộc BLĐ các đội bóng không thể nhẫn nhịn hơn được nữa và rồi buộc phải đưa ra quyết định sa thải, bất chấp số tiền bồi thường lớn đến thế nào. Và thế là Mourinho ra đi, dù mang tiếng một kẻ bị đuổi, những vẫn nhận thêm những khoản tiền bồi thường hậu hĩnh.
Đó là cách Mourinho đã rời Real Madrid, rời Chelsea và giờ là M.U. Mourinho không còn là một kẻ săn danh hiệu của quá khứ nữa. Hãy gọi ông là kẻ... săn tiền bồi thường.
Kỷ lục về tiền bồi thường Một khi M.U chuyển xong số tiền bồi thường 22,5 triệu bảng vào tài khoản của Mourinho thì cựu HLV Chelsea sẽ phá kỷ lục của chính bản thân mình, trở thành nhà cầm quân nhận số tiền bồi thường hợp đồng cao nhất trong lịch sử bóng đá. Tháng 9/2007, khi bị Roman Abramovich sa thải lần thứ nhất, Mourinho đã bỏ túi khoảng 18 triệu bảng và đây vẫn là số tiền bồi thường hợp đồng cao nhất thế giới bóng đá tính cho tới lúc này. Hồi tháng 12/2015, trong lần thứ 2 bị sa thải, “Người đặc biệt” nhận thêm 10 triệu bảng tiền bồi thường nữa. Ông cũng từng rời Real Madrid vào cuối mùa 2012-13 dù còn hợp đồng đến năm 2015, khi được Chelsea “chuộc” với 12 triệu bảng. Tính ra, tổng số tiền bồi thường mà Mourinho nhận trong sự nghiệp có thể lên tới 50,5 triệu bảng. |
Trần Giáp
Tags